17/01/2018 09:49 GMT+7

Ông Trần Bắc Hà nộp hồ sơ chứng minh đi Singapore chữa bệnh

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Viện kiểm sát đã ba lần đề nghị TAND TP.HCM phải triệu tập bằng được lãnh đạo BIDV, trong đó có ông Trần Bắc Hà - đã vắng mặt nhiều ngày dù được tòa triệu tập.

Ông Trần Bắc Hà nộp hồ sơ chứng minh đi Singapore chữa bệnh - Ảnh 1.

Bị cáo Phạm Công Danh sau phiên tòa chiều 16-1 - Ảnh: HỮU THUẬN

Trong ngày 16-1, tại phiên xét xử đại án Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng - VNCB) và các đồng phạm, ông Nguyễn Hồng Dân (đại diện ủy quyền của ông Trần Bắc Hà - nguyên chủ tịch HĐQT BIDV, người liên quan trong vụ án) đã nộp cho tòa toàn bộ tài liệu liên quan đến việc khám chữa bệnh của ông Hà ở Singapore. 

Các tài liệu này đều được hợp pháp hóa lãnh sự VN tại Singapore. Theo các tài liệu, ông Hà đã nhập cảnh Singapore ngày 7-1, trước khi phiên tòa diễn ra một ngày.

Ngoài ra, có hai luật sư đã nộp hồ sơ đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trần Bắc Hà tại phiên tòa. 

Tuy nhiên, do ông Hà không có mặt tại phiên tòa, đơn đăng ký luật sư cũng không được hợp pháp hóa lãnh sự VN tại Singapore nên HĐXX không đồng ý cho hai luật sư này tham gia tố tụng. 

Ông Trần Bắc Hà nộp hồ sơ chứng minh đi Singapore chữa bệnh - Ảnh 2.

Ông Trần Bắc Hà - Ảnh: TỰ TRUNG

Trong các ngày xét xử trước đó, dù HĐXX đã thông báo ông Trần Bắc Hà (người làm chứng và là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án) có đơn xin vắng mặt, nhưng đại diện viện kiểm sát đã 3 lần đề nghị phải triệu tập lãnh đạo BIDV, trong đó có ông Hà, đến tòa. 

Đại diện viện kiểm sát cũng đề nghị HĐXX xác định xem ông Hà có xuất cảnh thật hay không, hiện đã về VN chưa? 

Trong vụ án này, ông Trần Bắc Hà được xem có một số sai phạm và đã bị đề nghị xử lý hành chính khi ký duyệt cho các công ty của Phạm Công Danh vay 4.700 tỉ đồng.

Cùng ngày, trả lời HĐXX về việc vay hàng ngàn tỉ đồng tại hai ngân hàng BIDV và Tiên Phong (TPBank), các bị cáo nguyên là lãnh đạo VNCB lý giải sở dĩ Phạm Công Danh vay nhiều tiền từ các ngân hàng khác như vậy vì áp lực từ Ngân hàng Nhà nước yêu cầu VNCB phải tăng vốn điều lệ theo phương án tái cơ cấu. 

Do các cổ đông không có tiền để tăng vốn điều lệ, VNCB buộc phải đi vay tiền từ các ngân hàng khác. Có mặt tại tòa, đại diện đoàn giám định Ngân hàng Nhà nước thừa nhận Ngân hàng Nhà nước có yêu cầu VNCB phải tăng vốn điều lệ để tránh nguy cơ phá sản. 

Trả lời HĐXX, Phạm Công Danh và các bị cáo vẫn cho rằng số tiền vay được đã dùng để tăng vốn điều lệ cho VNCB, trả lãi và trả nợ cho ông Trần Quý Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát)... Những vấn đề này đang được HĐXX làm rõ. 

Phiên tòa vẫn tiếp tục với phần xét hỏi.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp