Thượng tá Trịnh Hà Tâm (khi còn quân hàm trung tá) và người dân ở xóm A Tâm - Ảnh: B.D. |
“Khi anh đói có người cho củ sắn thì anh cảm thấy họ là ân nhân. Câu chuyện mà người dân ở các làng đặt tên cho tôi khi tôi khởi xướng làm đường, kéo điện cũng vậy. Không có gì ghê gớm cả đâu. Đó là tình quân dân truyền thống của binh đoàn 15 thôi mà |
Thượng tá TRỊNH HÀ TÂM |
A Tâm là tên của thượng tá Trịnh Hà Tâm - hiện là giám đốc Công ty 732 thuộc binh đoàn 15 đóng dọc biên giới huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Xúc động trước tình cảm của ông, người dân đã tự nguyện lấy tên làng, tên đường đặt cho ông theo cách gọi yêu thương của người Xê Đăng.
Xóm A Tâm - Ảnh: B.D. |
Có công làm đường cho dân
A Sem - già làng của làng Giang Lố 2, xã Sa Loong - cho biết chuyện người dân tự nguyện đặt tên cho thượng tá Trịnh Hà Tâm bắt nguồn từ việc ông Tâm “sống thật bụng” với bà con, rồi huy động bộ đội vào kéo điện, làm đường cho người dân các làng.
Xã Sa Loong là vùng chuyên canh cao su của huyện Ngọc Hồi. Dù chỉ cách thị trấn chưa đầy 10km nhưng thật lạ lùng, chỉ cách đây vài năm trước có những ngôi làng như tách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Để vào được tận làng, người dân phải quấn xích dưới lốp xe máy, lội bùn ngập tới đầu gối. Ở ngay sát thị trấn nhưng nhiều thôn làng vẫn phải nhìn ánh sáng đèn điện từ bên kia thị trấn lọt qua kẽ rừng cao su bằng sự thèm khát vô bờ.
Thượng tá Trịnh Hà Tâm cho biết thời điểm ông về nhận nhiệm vụ tại trung đoàn 732, việc đầu tiên mà trực giác người lính thôi thúc ông là chạy xe vào làng, giở nồi cơm ra xem bà con ở đó hôm nay ăn gì, sống trong những ngôi nhà thế nào.
“Tôi chạy xe máy từ công ty vào đến làng, chỉ năm bảy cây số mà mưa ướt sũng, đường qua những lô cao su nhầy nhụa và trơn bóng như cạm bẫy. Có đoạn vành trước của xe sục xuống hố, bùn bắn lên sòng sọc. Vào đến làng thì thấy bà con ngơ ngác đến tội nghiệp, những ngôi làng chìm nghỉm giữa đêm, không một bóng đèn điện, đối lập hoàn toàn với bên ngoài chỉ cách đó mấy cây số...”.
“Không được! Nhất định không thể để dân cứ khổ mãi như thế trong khi cả chính quyền, cả mấy trăm bộ đội đóng quân ở đây” - A Tâm kể lại quyết tâm của mình lúc ấy. Mấy hôm sau, câu chuyện của bà Lò Thị Xuyển - một người dân gọi là “có chút chữ” của thôn Tân Bình - kể với ông làm ông mất ngủ cả mấy đêm liền.
Bà Xuyển là người “có chút chữ” trong làng, sau khi hết cách xin đường, bà đánh liều viết một cái đơn xuống tận TP Kon Tum gặp một vị đại biểu Quốc hội rồi bảo: “Thay mặt buôn làng xin Nhà nước cho cái đường vào, cho cái điện chứ bà con khổ quá, chịu không thấu nữa rồi”. Ông Tâm nói rằng câu chuyện đó làm ông thật sự đau khổ, không thể tin được nơi mình đang sống tới năm 2014 và cách thị trấn chẳng bao xa người dân lại đang sống khốn khổ như thế.
Sau khi trình bày với tư lệnh binh đoàn 15, ông Tâm về họp đơn vị rồi quyết: người có ít đóng ít, người có nhiều thì góp nhiều, người không có gì cả thì góp công sức. Bằng mọi cách phải đưa điện vào cho dân, đó không phải là mệnh lệnh của người lính mà tình cảm giữa người có với người không có.
Một đợt quyên góp toàn Công ty 732 được tổ chức, đích thân giám đốc huy động từng người, chắt từng đồng tiền để chuẩn bị làm đường, kéo điện vào cho các ngôi làng.
Tháng 4-2016, ông sĩ quan bộ đội bận quần áo dân thường, chạy chiếc xe máy quen thuộc, bên hông là đụn cá khô và chai rượu trắng chạy vào làng ngồi uống rượu với mấy người lớn tuổi. Hôm ấy, ông đến làng với vẻ mặt hớn hở, không giống với sự u uẩn thường ngày.
“Bộ đội đã góp tiền rồi, mai sắt thép, ximăng, vật liệu sẽ được chở về. A Sem nói với bà con ra giúp bộ đội, làm cái đường, cái điện, sắp tới có đường bêtông đi, có điện để coi tivi, củ sắn củ mì làm ra không bị thương lái vào bắt chẹt bà con bán rẻ”. Vừa nghe câu ấy xong, A Sem bật khóc.
Trong kho tư liệu hình ảnh mà binh đoàn 15 cung cấp, chúng tôi thấy hàng ngàn người dân, lớn có, già có, hì hục đào đất mở đường, gánh từng mẻ bêtông đổ ra làm đường trong sự háo hức. Cả ông thượng tá cũng xắn quần, người bê bết bùn cùng làm đường với dân.
Đường A Tâm - Ảnh: B.D. |
Dân làng nhớ tên
Một ngày cuối tháng 4-2016, con đường bêtông kéo dài 3km dẫn từ đầu làng Giang Lỗ về tới các khu nương rẫy tập trung của người dân được mở xong, bề thế, khang trang. Người làng kéo nhau ra coi đường, nắm tay ông thượng tá. Họ khóc.
Nhưng đó chưa phải là công trình duy nhất của A Tâm. Sau khi mở đường ở Giang Lố, A Tâm tiếp tục kéo bộ đội qua ủi đất, đổ đá, gọi thanh niên, người lớn ở các thôn khác ra tiếp tục mở đường. Mười mấy ngày sau, đường vào thôn Tân Bình được mở ra, bêtông đổ tới đâu bùn đất dạt tới đấy.
Xong đường, A Tâm lại chỉ huy bộ đội tiếp tục đổ cột điện, kéo dây mắc điện từ đường điện nội bộ của công ty tới từng nhà dân. Điện sáng lên, người dân chạy ra đường ôm lấy A Tâm. Họ coi ông như ân nhân.
Chúng tôi chạy xe máy trên con đường bêtông khang trang dẫn vào các làng, đi đâu cũng thấy người dân khắc tên A Tâm trên vách, viết tên ông trên những tấm gỗ thưng bên hông nhà, có người còn khoe sẽ đặt tên đứa con của mình theo tên ông.
Nhiều người ở thôn Tân Bình còn nhớ hôm ông Tâm vào cùng bà con khánh thành đường, đóng điện, bà Vi Thị Ẹt đã đến ôm lấy ông rồi khóc: “Mày là con của tao, hôm nay tao khóc cho chồng tao vì ổng không đợi được tới lúc có cái đường, có điện. Nhưng ngày mai tao sẽ cười vì mình đã sống tới ngày hôm nay”.
Có một điều khá đặc biệt: dù trên sổ sách giấy tờ hành chính thông thường các ngôi làng đều có một cái tên được chính quyền đặt từ lâu; nhưng giờ đây những cái tên đó chỉ nằm trên giấy tờ. Người dân ở các thôn đã tự dựng các tấm biển, đính “tên” mới cho làng mình: đường A Tâm, xóm A Tâm, làng... A Tâm.
Thượng tá Trịnh Hà Tâm giờ vẫn là giám đốc Công ty 732: một công ty trồng cao su dọc biên giới, quản lý hàng ngàn lao động. Rất ít người có thể ngờ ông đi lên từ một người lính không qua trường lớp, làm lái xe và nổi tiếng vì... trên dưới 30 lần đỡ đẻ cho người dân.
Tại những ngôi làng mà ông Tâm ở, ông được dân làng đặt những cái tên rất khác nhau, như chính ông được sinh ra từ các làng đó vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận