Ông Tất Thành Cang
* Thưa ông, những ngày qua nhiều bạn đọc báo Tuổi Trẻ cũng như dư luận bày tỏ bức xúc và không hài lòng với cách trả lời của Sở Giao thông vận tải xung quanh loạt bài viết “Xe buýt: hành khách ảo, trợ giá thật”...
- Trước hết với tư cách giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, tôi rất cảm ơn người dân, các nhà khoa học góp ý về mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, môi trường đô thị, hoạt động vận tải.
Sở dĩ đến nay hạ tầng giao thông đô thị có những chuyển biến tích cực là do có sự quan tâm chỉ đạo và dồn sức đầu tư rất lớn của Thành ủy, HĐND và UBND TP đối với vận tải hành khách công cộng.
Tuy nhiên, gần đây ngành GTVT đã bộc lộ những yếu kém về vận tải hành khách công cộng. Với tư cách là người đứng đầu Sở GTVT TP, quan điểm của tôi là cần nhìn thẳng vào sự thật để chấn chỉnh.
* Ông có thể nói rõ những thiếu sót của sở là gì?
- Một là, phương pháp quản lý, tổ chức hoạt động của Sở GTVT bộc lộ những bất cập trước tình hình phát triển về vận tải hành khách công cộng mà hệ quả là vai trò quản lý nhà nước của sở, sự điều hành của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng đã không theo kịp.
Hai là, trong công tác quản lý, các bộ phận tham mưu của sở có lúc chủ quan với sản lượng hành khách đi lại tăng đều đặn qua các năm, lơ là việc tập trung suy nghĩ và tìm tòi những phương pháp mới nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách với quy mô ngày càng lớn.
Cụ thể như cách đây mười năm TP có 2.000 phương tiện (trong đó có hơn 1.300 xe buýt nhỏ), nay tăng lên gần 3.000 xe buýt (hầu hết là xe buýt tiêu chuẩn) và sản lượng hành khách đi lại từ 99.000 hành khách/ngày năm 2002, nay tăng lên gần 1,5 triệu hành khách/ngày.
Điều này cho thấy khi số lượng xe và hành khách đi lại tăng cao thì đòi hỏi sở phải có phương thức quản lý mới để đáp ứng công tác quản lý và phục vụ yêu cầu đi lại của người dân.
Ba là, việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát tiền trợ giá xe buýt của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng chưa khoa học.
Trước những vấn đề nêu trên, với tư cách là người đứng đầu của ngành GTVT TP.HCM, với tinh thần cầu thị để tiếp thu, sửa chữa những khuyết điểm của ngành, tôi xin nhận trách nhiệm với lãnh đạo và nhân dân TP.
* Việc xé khống vé để hưởng ngân sách trợ giá đã diễn ra từ năm 2012 đến nay, liệu ông có biết việc này?
- Ngay khi mới về nhận nhiệm vụ làm giám đốc Sở GTVT vào cuối năm 2012, bản thân tôi rất quan tâm đến vận tải hành khách công cộng, trong đó có vấn đề trợ giá.
Ngay cuối năm 2012, tôi đã chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT phải thanh tra việc trợ giá xe buýt để từ đây khắc phục những yếu kém.
Tuy nhiên, do thời gian làm việc còn quá ngắn nên việc chấn chỉnh tình hình chưa có chuyển biến tích cực.
Từ đầu năm 2012, với mục đích thúc đẩy các doanh nghiệp vận tải tích cực trong việc nâng cao chất lượng phục vụ hành khách nhằm thu hút ngày càng nhiều người dân sử dụng xe buýt, Sở GTVT đã chỉ đạo việc thực hiện thanh toán trợ giá có ràng buộc điều kiện về số lượng hành khách, thông qua hợp đồng đặt hàng trên từng chuyến cụ thể.
Tuy nhiên, công tác dự báo, khảo sát để giao chỉ tiêu hành khách cho từng tuyến của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng chưa sát với tình hình thực tế của từng tuyến, dẫn đến một số xe hoặc tuyến xe buýt xảy ra tình trạng xé khống vé nhằm đạt chỉ tiêu khoán sản lượng được giao.
Như vậy, từ mục tiêu ban đầu là động viên, khuyến khích thì nay nảy sinh một số vấn đề như nêu trên. Đặc biệt là xảy ra ở những hợp tác xã nhỏ, quản lý theo mô hình dịch vụ hỗ trợ, không thực hiện việc quản lý tập trung.
Với sự việc xé khống vé, tôi cho rằng đó là hành vi sai trái, hành vi không trung thực và không thể bào chữa với bất cứ lý do gì.
Trước mắt, tôi đã chỉ đạo phó giám đốc Sở GTVT Dương Hồng Thanh - người phụ trách khối vận tải - phải chấn chỉnh ngay các đơn vị vận tải xe buýt.
Đồng thời trong tháng 8, Thanh tra Sở GTVT TP phải có kết luận về việc thanh tra Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng.
Căn cứ vào kết luận thanh tra, ban giám đốc sẽ thảo luận để đánh giá những mặt yếu kém trong điều hành. Nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ chuyển qua cơ quan chức năng thực thi pháp luật.
Đảng ủy, ban giám đốc sở sẽ xử lý nghiêm, không bao che những hành vi vi phạm của cán bộ Sở GTVT và Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng.
Đây là những vi phạm làm tổn hại đến ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của ngành, lòng tin của nhân dân.
Vấn đề xé khống vé xe buýt mà báo chí phản ánh, lãnh đạo TP đang chỉ đạo cho thanh tra làm rõ. Anh em hiện đang tiến hành, có kết quả sẽ báo cáo lãnh đạo trong thời gian sớm nhất. Quan điểm của TP là xử lý kiên quyết nếu thật sự phát hiện có chuyện làm ăn không đàng hoàng, ai lợi dụng chủ trương trợ giá để trục lợi thì phải chịu trách nhiệm."
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân
* Trước mắt, việc xử lý tình hình gian dối để hưởng ngân sách trợ giá xe buýt được thực hiện ra sao?
- Sở GTVT đã giao Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng phải rà soát lại từng tuyến xe buýt, tuyến nào bất hợp lý, có ít khách thì sẽ điều chỉnh, tuyến nào có đông khách cần phải tăng cường xe buýt.
Bên cạnh đó sẽ cấu trúc lại các hợp tác xã theo hướng hình thành các hợp tác xã xe buýt có quy mô lớn, quản lý tiên tiến và hoạt động hiệu quả, thay vì hợp tác xã nhỏ lẻ manh mún như hiện nay.
Không thể giao khoán cho Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, đơn vị này phải được tổ chức thực hiện theo sự chỉ đạo của sở.
Sở sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát giám sát Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng.
Qua đó, nâng cao năng lực và hiệu quả làm việc của trung tâm này trong việc quản lý các đơn vị xe buýt và phát huy tốt việc sử dụng ngân sách trợ giá xe buýt.
* Hiện nay chỉ mới phát hiện một phần nhỏ về tiêu cực trong trợ giá xe buýt phổ thông, trong khi đó còn có thông tin cho biết có hiện tượng cấu kết về tiêu cực trong trợ giá xe buýt đưa rước học sinh và công nhân. Sở có biết chuyện này không?
- Thanh tra Sở GTVT đang thanh tra Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng theo chương trình, kế hoạch năm mà giám đốc sở phê duyệt.
Bên cạnh việc thanh tra xe buýt phổ thông cũng sẽ làm rõ việc trợ giá xe buýt đưa rước học sinh và công nhân.
* Có ý kiến cho rằng nếu vẫn duy trì cơ chế bao cấp trợ giá xe buýt theo hình thức “xin cho” như hiện nay thì tình hình tiêu cực sẽ còn tiếp diễn. Ông nói gì về việc này?
- Theo kế hoạch, trong tháng 9-2013 chúng tôi sẽ nghe báo cáo tổng thể về vấn đề trợ giá này và đề xuất hướng xử lý trợ giá.
Khi thực hiện, Sở GTVT sẽ mời Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP tham gia với tư cách là cơ quan giám sát và góp ý về cơ chế trợ giá.
Nếu TP còn tiếp tục thực hiện trợ giá xe buýt thì sở sẽ chọn cơ chế trợ giá xe buýt thế nào là tốt nhất. Từ đó chúng tôi sẽ tham mưu đề xuất cơ chế trợ giá mới với Thành ủy, HĐND và UBND TP.HCM.
Theo tôi, để người dân đi xe buýt ngày càng nhiều và tạo thuận lợi cho người dân đi lại là phải được trợ giá đúng và hợp lý, tiền trợ giá phải được hỗ trợ đúng người đi xe buýt, chứ không phải là biện pháp tăng giá vé xe buýt.
Bà Đào Thị Hương Lan (giám đốc Sở Tài chính TP.HCM): Nhà nước không thiệt hại Công thức bù giá xe buýt là trợ giá bằng chi phí (theo định mức) trừ cho doanh thu (theo chế định khoán). Báo chí nói là có tình trạng xé khống vé để có doanh thu cao, nhưng theo công thức nói trên, hễ doanh thu cao thì chi phí trợ giá thấp. Như vậy là Nhà nước không có thiệt hại. Chúng tôi không làm theo kiểu cứ đếm xem có bao nhiêu vé xe buýt rồi trợ giá bấy nhiêu, nghĩa là không phải có càng nhiều vé thì tiền trợ giá càng cao. Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng giao chỉ tiêu doanh thu, nếu không đạt số lượng hành khách thì sẽ bị phạt. Hành vi xé khống vé là để đối phó với Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng để không bị phạt. Giả sử không có hành khách mà nhà xe xé khống vé, chứng tỏ có doanh thu (ảo) thì căn cứ theo công thức trên, chúng tôi sẽ giảm số tiền trợ giá. Hiện Sở Tài chính chỉ mới nắm thông tin ban đầu và đang chỉ đạo cho anh em xuống nắm kỹ thêm số liệu. TS Vũ Thành Tự Anh (giám đốc nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright): Làm méo mó chủ trương Tôi không nghĩ hành vi xé khống vé xe buýt không gây thiệt hại gì cho Nhà nước. Bởi ngoài việc tạo ra một lỗ hổng lớn về ngân sách vì phải bù giá cho một khoản khống, hành vi xé khống vé xe buýt còn tạo ra hai tiêu cực: Thứ nhất, không phản ánh đúng thông tin về nhu cầu đi lại thực tế trên các tuyến xe buýt, tạo ra mức tăng ảo lượng hành khách. Từ đây, thay vì ngừng trợ giá hoặc trợ giá đúng với lượng hành khách thì việc trợ giá vẫn sẽ được duy trì hoặc duy trì cao hơn mức cần thiết. Hệ lụy không chỉ dừng lại ở việc lãng phí, hao tổn ngân sách của Nhà nước phải chi cho những tấm vé bị xé, mà những hành khách ảo sẽ lấy mất cơ hội được đầu tư, được trợ giá của các tuyến xe buýt khác. Theo tôi, điều này làm méo mó hiệu quả của một chủ trương lớn về an sinh xã hội. Thứ hai, trên cơ sở những thông tin không chính xác, Nhà nước và người dân sẽ tiếp tục bị thiệt hại khi số tiền trợ giá bình quân trên đầu người sẽ cao hơn trong thực tế. Đứng ở góc độ quản lý nhà nước thì việc không nắm được nhu cầu thực tế, không tính toán được chính xác việc trợ giá thì sẽ tiếp tục cho ra những chính sách không thực tế, không hiệu quả. Ông Lê Kinh Vĩnh (giảng viên bộ môn quy hoạch giao thông Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM): Gây tổn thất lớn cho xã hội Việc để xảy ra tình trạng xé khống vé xe tức là cơ quan quản lý nhà nước không quan tâm đến thực tế mục tiêu của vận tải hành khách xe buýt. Sản phẩm phục vụ của xe buýt chính là những con người ngồi trên xe buýt chứ không phải số lượng khách báo cáo cao hay căn cứ vào lượng vé bán được. Việc xé khống vé xe buýt thực chất là một bức bình phong làm người ta nhầm tưởng người dân đã được hưởng thụ dịch vụ xe buýt từ đó để hưởng tiền trợ giá. Nhưng trên thực tế, hiệu quả phục vụ cho xã hội thì không có. Rõ ràng việc xé khống vé xe buýt không những gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước mà còn gây tổn thất cho xã hội nói chung - đây là cái thiệt lớn nhất. Ông Phạm Văn Đông (trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM): Không thể chấp nhận được Để xảy ra tình trạng “khách ảo, trợ giá thật” (trong trợ giá xe buýt) là không thể chấp nhận được, cần làm rõ và xử lý đến nơi đến chốn. Theo tôi, trước tiên cơ quan Thanh tra Sở GTVT TP cần vào cuộc ngay để làm sáng tỏ những vấn đề dư luận đang đặt ra. Ngay khi thẩm tra về kinh tế - xã hội năm 2013, Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP đã có ý kiến về trợ giá xe buýt. Cần nhìn nhận rằng việc trợ giá nhằm khuyến khích người dân sử dụng loại hình đi lại này, góp phần giảm áp lực kẹt xe trong nội ô TP. Tuy nhiên, cơ chế trợ giá đang bộc lộ những mặt chưa được mà Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP từng góp ý. Trong tháng 9, Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP sẽ thực hiện giám sát về trợ giá xe buýt. Theo tôi, cần xem xét điều chỉnh giảm dần hình thức trợ giá xe buýt thông qua các đơn vị vận tải, thay vào đó là các hình thức trợ giá trực tiếp cho những người sử dụng xe công cộng, trong đó có xe buýt. UBND TP cần sớm đề xuất, trình HĐND TP các hình thức trợ giá hợp lý hơn. M.H. - Q.T. - V.SỰ - M.TRƯỜNG ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận