18/10/2022 08:17 GMT+7

Ông Tập nói gì về thống nhất Đài Loan?

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
TS NGUYỄN THÀNH TRUNG

TTO - Với tuyên bố xác định lập trường vững chắc về Đài Loan và mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhận được một trong những tràng pháo tay dài nhất của gần 2.300 đại biểu tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh.

Ông Tập nói gì về thống nhất Đài Loan? - Ảnh 1.

Khách tham quan đứng trước màn hình lớn phát hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên trong Bảo tàng Quân đội tại Bắc Kinh ngày 8-10-2022 - Ảnh: REUTERS

Trong bài phát biểu dài hơn 100 phút, ngắn hơn nhiều bài phát biểu hơn 210 phút của ông tại đại hội đảng năm 2017, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: 

Các bánh xe của lịch sử đang quay về phía Trung Quốc thống nhất và sự phục hưng dân tộc Trung Quốc. Việc thống nhất hoàn toàn đất nước của chúng ta phải được thực hiện và nó có thể được thực hiện, không nghi ngờ gì nữa".

Muốn thống nhất hòa bình

Mặc dù bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Đại hội đảng lần thứ 20 không có nhiều nét mới về quan điểm của Chính phủ Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan, nhưng nó cũng đã tiết lộ một số chi tiết đáng chú ý khi so sánh với bài phát biểu của đại hội lần thứ 19 hay các phát biểu trước đây.

Trước tiên, có thể thấy ông Tập tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Chính phủ Trung Quốc là vẫn theo đuổi mục tiêu thống nhất đất nước với đảo Đài Loan một cách hòa bình. Ông nhắc lại cách tiếp cận này: 

"Chúng ta sẽ tiếp tục phấn đấu cho sự thống nhất hòa bình với sự chân thành và nỗ lực cao nhất". Điều này cho thấy Chính phủ Trung Quốc vẫn trung thành với "giải pháp hòa bình trước", và công thức "một quốc gia, hai chế độ" trong vấn đề thống nhất Đài Loan.

Tuy nhiên, điểm khác biệt so với đại hội năm 2017 là lần này có một giọng điệu sắc bén hơn, cảnh báo thế giới đây là chuyện nội bộ của Trung Quốc, chính Trung Quốc sẽ quyết định cách thức và thời điểm thống nhất. 

Ông Tập nhấn mạnh: "Giải quyết vấn đề Đài Loan là vấn đề của người Trung Quốc, và vấn đề phải do người Trung Quốc giải quyết". 

Bằng việc tái xác định đây là vấn đề nội bộ và quyền tự quyết của người Trung Quốc, ông Tập gạt bỏ các quan điểm muốn "quốc tế hóa vấn đề thống nhất Đài Loan", cũng như các nỗ lực đưa Đài Loan trở thành một thực thể chính trị độc lập được công nhận trên chính trường quốc tế.

Ông cảnh báo: "Chúng tôi sẽ không bao giờ hứa từ bỏ việc sử dụng vũ lực. Và chúng tôi bảo lưu tùy chọn thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết". Ông nói: "Điều này chỉ nhằm vào sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài và một số phe ly khai đang tìm kiếm độc lập cho Đài Loan".

Việc ông Tập cảnh báo các thế lực bên ngoài và ly khai đối với vấn đề Đài Loan cũng đưa ra chỉ dấu rằng Chính phủ Trung Quốc thừa nhận Đài Loan đang được chính quyền Mỹ và một số quốc gia đồng minh ngày càng quan tâm hơn.

Không thay đổi cách tiếp cận

Trong bài phát biểu hôm chủ nhật, vấn đề Đài Loan được đề cập sớm hơn so với bài phát biểu cách đây năm năm, cho thấy nó có độ ưu tiên và thu hút quan tâm hơn. Điều này cũng dễ hiểu khi gần đây bối cảnh địa chính trị ở eo biển Đài Loan có nhiều dịch chuyển quan trọng.

Căng thẳng về Đài Loan được đẩy lên cao trong mùa hè năm nay sau chuyến thăm gây tranh cãi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới hòn đảo vào tháng 8. Đây là chuyến thăm của quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến Đài Loan kể từ năm 1997 và chuyến thăm đã chọc giận chính quyền Bắc Kinh.

Chuyến thăm của bà Pelosi đã diễn ra bất chấp các cảnh báo mạnh mẽ từ Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ vẫn kiên trì thực hiện chính sách "mơ hồ chiến lược" với vấn đề Đài Loan khi một mặt công nhận chính quyền trung ương Bắc Kinh là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc, nhưng vẫn duy trì quan hệ không chính thức với Đài Loan.

Mặc dù ngôn ngữ của ông Tập phản ánh sự tự tin và cứng rắn ngày càng tăng của Trung Quốc, nhưng bài phát biểu không cho thấy sự thay đổi cơ bản trong cách tiếp cận của chính quyền Bắc Kinh đối với Đài Loan. Đây cũng không phải lần đầu tiên Trung Quốc tố cáo "sự can thiệp của nước ngoài" làm trầm trọng thêm căng thẳng vấn đề Đài Loan.

Ngoài ra, trong bài phát biểu ông Tập cũng không đưa ra mốc thời gian thống nhất Đài Loan, hay ám chỉ về việc phải thống nhất Đài Loan sớm như trong phát biểu năm 2019 rằng vấn đề Đài Loan không thể đợi mãi mãi, mà cần phải được giải quyết.

Chính việc không nói gì về sự thúc ép thời gian cũng góp phần không làm gia tăng thêm căng thẳng trong mối quan hệ Trung - Mỹ, cũng như tình hình địa chính trị trong khu vực trong thời gian sắp tới.

Nhìn chung, bài phát biểu ngày 16-10 của ông Tập Cận Bình về mối quan hệ xuyên eo biển Đài Loan không có thay đổi căn bản. Nó cũng thể hiện đúng tinh thần chủ đạo như những gì ông đã nhấn mạnh năm ngoái trong bài phát biểu kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc:

"Giải quyết vấn đề Đài Loan và hiện thực hóa sự thống nhất hoàn toàn của Trung Quốc là một sứ mệnh lịch sử và là cam kết không gì lay chuyển được của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đó cũng là nguyện vọng chung của tất cả những người con của đất nước Trung Hoa".

Ông Tập Cận Bình: Trung Quốc theo đuổi phát triển chất lượng cao, phản đối Đài Loan độc lập Ông Tập Cận Bình: Trung Quốc theo đuổi phát triển chất lượng cao, phản đối Đài Loan độc lập

TTO - Sáng 16-10, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh đã diễn ra lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc.

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp