Các màn ăn uống siêu to khổng lồ ở Trung Quốc sắp trôi vào dĩ vãng? - Ảnh chụp màn hình
Hôm 11-8, cho rằng tình trạng lãng phí thực phẩm ở Trung Quốc đã tới mức "sốc và đáng buồn", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên chiến với tình trạng phí phạm thức ăn ở Trung Quốc.
Ông nhấn mạnh những trận lũ lụt lớn vừa qua và đại dịch COVID-19 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về an ninh lương thực ở đất nước đông dân nhất thế giới.
"Lãng phí là điều đáng chê trách. Tiết kiệm đồ ăn mới đáng trân trọng", ông Tập đặt vấn đề hôm 11-8.
Mukbang hết thời ở Trung Quốc
Những người chuyên phát trực tiếp cảnh ăn uống hoặc nấu nướng các món ăn "siêu to khổng lồ" (Mukbang-er) đang bị đặt trong tầm ngắm sau khi ông Tập phát động chiến dịch chống lãng phí. Trên các mạng xã hội, hàng loạt chỉ trích nhắm vào các Mukbang-er với lý do họ đang khuyến khích tình trạng phí phạm đồ ăn.
Theo đài CGTN, Douyin (phiên bản nội địa của TikTok) và các nền tảng chia sẻ video khác như Kuaishou, Bilibili hồi tuần trước đã yêu cầu người dùng không đăng các video ăn uống vô độ và trừng phạt những ai vi phạm.
Một cuộc khảo sát trên 351.000 người Trung Quốc cho thấy 53% vẫn ủng hộ hình thức Mukbang nhưng phải tiết kiệm đồ ăn.
Nhưng cũng có tới 34% đặt câu hỏi ý nghĩa xã hội của việc ăn nhiều như vậy là gì trong lúc nhiều người khác đang thiếu ăn thiếu uống.
"Đó là một sự phí phạm đồ ăn. Thức ăn đáng được tôn trọng", một người dùng Weibo chỉ trích.
Tầng lớp trung lưu tăng nhanh ở Trung Quốc kéo theo những nhu cầu "độc lạ" trong thời gian qua, chẳng hạn như hình trên - Ảnh chụp màn hình
Kiếm tiền bằng cách livestream cảnh ăn uống thật ngon và thật nhiều đã bùng nổ tại Trung Quốc sau khi du nhập từ Hàn Quốc.
Zhang Yumi ở Trùng Khánh là một trong những Mukbang-er nổi bật ở Trung Quốc với hơn 17 triệu người theo dõi trên Weibo. Cô đã từng ăn hết 4kg gạo, 8 tô mì và 80 cái bánh bao chỉ trong một bữa ăn. Một video khác của Zhang ghi lại cảnh cô ăn hết 800 con tôm càng trong 1 tiếng.
Mặc dù ăn rất nhiều và rất ngon miệng, các Mukbang-er như Zhang vẫn giữ được vóc dáng khiến nhiều người nghi ngờ. Nhiều cư dân mạng Trung Quốc tin rằng Mukbang-er chỉ ăn giả: nhổ thức ăn ngay sau khi cắn rồi giả vờ nhai nuốt một cách ngon lành và cắt bỏ những cảnh nhổ bỏ khi chỉnh sửa video.
"Như vậy thì phí phạm đồ ăn kinh khủng", một dân mạng cảm thán. Một thuyết âm mưu khác thì cho rằng các Mukbang-er sẽ uống thuốc để ói hết sau khi ăn xong.
Chính quyền răm rắp làm theo
Gọi đồ ăn nhiều hơn số người ăn là một thói quen của người Trung Quốc, thậm chí là "phép lịch sự tối thiểu" theo quan niệm của một số người. Những người này sẽ phải thay đổi thói quen đó nếu không muốn gặp rắc rối.
Đồ ăn thừa sau một buổi tiệc tại Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình
Trong bài phát biểu hôm 11-8, ông Tập đã kêu gọi tăng cường luật pháp, giám sát và các biện pháp dài hạn cũng như giáo dục cộng đồng tốt hơn để "kiên quyết ngăn chặn tình trạng lãng phí thực phẩm".
Năm 2013, một phong trào chống lãng phí thực phẩm cũng được phát động trên toàn quốc nhưng nhanh chóng rơi vào quên lãng sau đó.
Trước chỉ đạo mới nhất của ông Tập, một số địa phương như Vũ Hán, Tây An ở tỉnh Hồ Bắc và tỉnh Hà Nam đã áp dụng nguyên tắc đặt hàng "n-1". Trong đó, buộc các nhà hàng không được nhận đơn có số lượng thức ăn nhiều hơn số người ăn.
Người dân được yêu cầu gọi ít đồ ăn lại và phải ăn cho hết. Một số nhà hàng ở Bắc Kinh nghĩ ra cách bớt lượng thức ăn trên mỗi phần và giải thích với thực khách các món ăn nhiều sẽ có hại cho sức khỏe. Hộp và túi đựng thức ăn thừa được cung cấp miễn phí bên cạnh cảnh báo ăn không hết sẽ phải trả thêm tiền.
Phần lớn người dân Trung Quốc hoặc ủng hộ hoặc không có ý kiến về chiến dịch "sạch dĩa". Số ít còn lại thể hiện sự hoài nghi, thậm chí tức giận.
"Các vị có bớt tiệc tùng của quan chức không? Các vị chỉ nhắm vào dân thường, kêu chúng tôi tiết kiệm thức ăn nhưng chúng tôi đã dè sẻn lắm rồi", một người bình luận bên dưới một bài viết về nguyên tắc n-1 đăng trên tài khoản Weibo của tờ Nhân Dân nhật báo của chính quyền.
"Quy định cả việc người ta chỉ được gọi bao nhiêu thức ăn, kiểm soát tới mức này rồi sao?", báo The Guardian dẫn lại lời than vãn của một người dùng Weibo khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận