23/09/2015 10:38 GMT+7

Ông Tập mang đến Mỹ nhiều lời hứa và tranh cãi

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TTO -  “Hành trang” Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mang tới Mỹ là hàng loạt lời cam kết đầy hứa hẹn, nhưng giới quan sát đánh giá đây sẽ là chuyến đi đầy căng thẳng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện khi tới Mỹ -  Ảnh: The New York Times

Theo Reuters, tại cuộc gặp các quan chức Mỹ ở Seattle hôm nay, ông Tập khẳng định Trung Quốc “cam kết cải tổ và mở cửa nền kinh tế”.

Trả lời phỏng vấn báo Wall Street Journal trước đó, ông Tập cũng đưa ra hàng loạt cam kết êm tai. Ông nhấn mạnh tăng trưởng suy giảm và biến động thị trường sẽ không cản trở Trung Quốc cải cách kinh tế.

Vì sao gặp các đại gia công nghệ trước ông Obama?

Ông Tập mô tả các biện pháp can thiệp thị trường của Chính phủ Trung Quốc là “rất cần thiết” và giải thích: “Bất kỳ con tàu nào dù lớn đến đâu cũng thỉnh thoảng phải tròng trành trên biển lớn”.

Ông bác bỏ cáo buộc rằng chính phủ Bắc Kinh dùng nhiều quy định phân biệt đối xử để cản trở doanh nghiệp công nghệ Mỹ tại thị trường Trung Quốc.

Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Trung Quốc nói nước này “không phiêu lưu quân sự” và hứa sẽ hợp tác với Mỹ để giải quyết các thách thức toàn cầu.

Ông khẳng định các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông “sẽ phục vụ tự do hàng hải” mà không giải thích rõ ràng. Ông cũng cam kết Trung Quốc sẽ hợp tác với Mỹ về an ninh mạng, một điểm nóng gây căng thẳng trong quan hệ hai nước.

Trong điểm đến đầu tiên Seattle, ông Tập dự một diễn đàn có sự hiện diện của lãnh đạo hàng loạt đại gia công nghệ hàng đầu nước Mỹ.

Báo chí Trung Quốc giải thích ở nước này có câu nói rằng “Bill Gates là người giàu nhất thế giới và Tổng thống Mỹ Barack Obama là một trong những người giàu quyền lực nhất. Nhưng vài năm nữa thôi ông Obama sẽ ra đi còn ông Gates vẫn cứ giàu”.

Đó là một lý do tại sao ông Tập đến Seattle trước khi tới Washington gặp ông Obama.

Ngành công nghệ Trung Quốc với các đại gia mới nổi như Xiaomi, Huawei và Lenovo cần kiến thức, công nghệ và cả thị trường phương Tây. Trong khi đó các tập đoàn công nghệ Mỹ khổng lồ như Google, Apple hay IBM muốn tận dụng thị trường 700 triệu người sử dụng Internet ở Trung Quốc.

Thời gian qua, chính quyền Trung Quốc bị cáo buộc áp dụng nhiều quy định khắt khe để cản trở hoạt động của các doanh nghiệp công nghệ Mỹ.

Tuy nhiên International Business Times dẫn lời chuyên gia Jay Hinman của Hãng Smaato nhận định do nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu, có thể ông Tập sẽ sẵn sàng nhượng bộ để thúc đẩy đầu tư từ ngành công nghệ Mỹ.

Hơn nữa, thành công của Thung lũng Silicon sẽ phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ với nền kinh tế Trung Quốc. Tại Seattle, ông Tập cùng phái đoàn Trung Quốc, gồm giám đốc của 15 công ty công nghệ hàng đầu nước này, sẽ gặp ông Bill Gates và các đại gia công nghệ Mỹ khác như tổng giám đốc Apple Tim Cook và tổng giám đốc Microsoft Satya Nadella.

Diễn đàn ở Seattle còn có sự hiện diện của đại diện hai mạng xã hội Facebook và Twitter, hiện bị chặn ở Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng nếu ông Tập không thể hiện sự linh hoạt cần thiết để tạo điều kiện cho các mạng xã hội Mỹ hoạt động ở Trung Quốc thì cuộc gặp tại Seattle có thể sẽ không đem lại kết quả gì đáng kể.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện vẫy tay khi tới Seattle -  Ảnh: Reuters

Những vấn đề tranh cãi

Giới chuyên gia nhận định bất cứ thành công nào trong chuyến thăm Mỹ của ông Tập cũng sẽ bị phủ bóng bởi những nghi kỵ sâu sắc giữ hai quốc gia.

Ông Tập muốn trấn an các doanh nghiệp và Chính phủ Mỹ rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn ổn định và Bắc Kinh sẽ thực hiện các cải cách. Tuy nhiên nhiều doanh nhân và quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại về quyết tâm cải tổ của Trung Quốc khi chính quyền nước này sẵn sàng thực hiện các biện pháp can thiệp thị trường thô bạo như trong thời gian qua.

Đề xuất cải cách các doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh của Chính phủ Trung Quốc cũng bị Mỹ chê là quá hạn chế. Nhiều doanh nghiệp Mỹ than phiền về lý thuyết thị trường Trung Quốc giống như miền đất hứa, nhưng thực tế rất khác vì các biện pháp quản lý ngặt nghèo và số liệu kinh tế không đáng tin cậy.

Gián điệp mạng cũng dự báo là chủ đề gây tranh cãi giữa ông Tập và ông Obama. Chính phủ Mỹ tố cáo Trung Quốc liên tục tấn công mạng để ăn cắp bí mật thương mại Mỹ.

Ngay trước khi ông Tập đến Seattle, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice thẳng thừng chỉ trích hành vi tấn công mạng của Chính phủ Trung Quốc đe dọa an ninh quốc gia Mỹ và ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hai nước.

Dự báo Washington và Bắc Kinh có thể sẽ tìm kiếm một thỏa thuận không tấn công mạng các cơ sở hạ tầng trọng yếu của nhau như hệ thống điện lực và ngân hàng trong thời bình.

Biển Đông cũng sẽ là điểm nóng lớn trong chuyến thăm của ông Tập khi Trung Quốc đang đẩy nhanh xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo.

Mới đây đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, đã khẳng định quân đội Mỹ cần cử tàu chiến và máy bay tới vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo bất hợp pháp. 

Lịch trình của ông Tập ở Mỹ

Trong hai ngày 22 và 23-9, ông Tập có mặt ở Seattle, phát biểu về chính sách và gặp gỡ các lãnh đạo công nghệ Mỹ.

Ngày 24-9, ông Tập đến Washington và dự bữa tối ở Nhà Trắng với Tổng thống Mỹ Barack Obama. 

Ngày 25-9, lễ đón chính thức ông Tập bắt đầu ở Nhà Trắng. Hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc họp báo chung, sau đó ông Tập gặp gỡ các quan chức cấp cao của chính phủ và Quốc hội Mỹ. 

Ngày 26-9, ông Tập đến New York để dự hội nghị Liên Hiệp Quốc. 

 

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp