Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc vào ngày 26-10 - Ảnh: REUTERS
Điều gì đã khiến Trung Quốc và ASEAN phải tổ chức thêm một cuộc họp thượng đỉnh nữa, khi việc nâng cấp mối quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện đã được hoàn tất vào cuối tháng trước?
Trung Quốc muốn tăng ảnh hưởng
Sự khác nhau đầu tiên đến từ nhà lãnh đạo Trung Quốc tham gia hội nghị. Ở cuộc họp thượng đỉnh ngày 26-10, Thủ tướng Lý Khắc Cường đại diện Trung Quốc, còn ở lần này thì đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ cùng điều hành cuộc họp với Quốc vương Brunei là Hassanal Bolkiah - chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2021.
Cuộc họp thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc thường là câu chuyện của các thủ tướng Trung Quốc với các nhà lãnh đạo của các quốc gia ASEAN. Lần gần đây nhất có sự tham gia của chủ tịch nước Trung Quốc là vào năm 1997, với sự có mặt của ông Giang Trạch Dân tại Kuala Lumpur (Malaysia).
Sự có mặt của ông Tập tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đang nhìn nhận ASEAN như là một khu vực địa chính trị mà Bắc Kinh cần tăng ảnh hưởng, trong bối cảnh Mỹ đang chuẩn bị đưa ra phiên bản mới của chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" vào cuối năm nay.
Cuộc họp thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc chỉ diễn ra chưa đầy một tuần sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung, nơi mà Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đều nhận thức rõ mối quan hệ Mỹ - Trung trong thời gian tới sẽ là một cuộc cạnh tranh mang tính chiến lược với tổng bằng không.
Nước Mỹ thì đã có một loạt các thỏa thuận đa phương với các quốc gia đồng minh và đối tác như thỏa thuận an ninh ba bên (AUKUS), thượng đỉnh đầu tiên của nhóm "tứ giác kim cương" (QUAD) và củng cố khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có lẽ cũng không muốn chậm chân trong việc cải thiện mối quan hệ với các quốc gia khác.
Một trong những vấn đề mà Trung Quốc có thể ghi điểm với các quốc gia ASEAN trong cuộc họp thượng đỉnh là bàn bạc các biện pháp hỗ trợ cung ứng thiết bị y tế và vắc xin phòng chống COVID-19 cũng như thúc đẩy gắn kết thương mại. Đây cũng là các vấn đề tương đối "nhẹ nhàng" thường được thảo luận để thúc đẩy mối quan hệ trong các hội nghị ASEAN - Trung Quốc gần đây.
Năm 2020, thương mại song phương ASEAN - Trung Quốc đạt 732 tỉ USD, đưa ASEAN lần đầu tiên thay thế Liên minh châu Âu (EU) trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng cần sự ủng hộ của các quốc gia ASEAN trong các thể chế thương mại đa phương. 4 trong 11 thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là các quốc gia ASEAN: Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam.
Tháng 9 vừa qua, cả Trung Quốc và Đài Loan cùng nộp đơn gia nhập vào thỏa thuận thương mại tự do này. Chính quy định đòi hỏi phải có sự đồng ý của toàn bộ các quốc gia thành viên CPTPP, trước khi quốc gia nộp đơn có thể được thừa nhận là thành viên, khiến vai trò của các quốc gia ASEAN trở nên quan trọng.
Biển Đông và COC
Ngoài ra, một trong những vấn đề chính được dự kiến thảo luận giữa ASEAN và Trung Quốc trong cuộc họp lần này là thúc đẩy đàm phán về dự thảo Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông vốn đã diễn ra trong nhiều năm qua. Ở cuộc họp thượng đỉnh vào cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mong muốn đẩy nhanh đàm phán COC.
Ông nói: "Năm tới (2022) là kỷ niệm 20 năm ngày ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trung Quốc mong muốn làm việc với các nước ASEAN để đánh dấu dịp này bằng các hoạt động kỷ niệm".
Năm 2019, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ mong muốn rằng một COC sẽ được hoàn thành trong vòng 3 năm. Ông cũng tuyên bố rằng Trung Quốc ủng hộ một COC có "tính ràng buộc" và phải là "một phiên bản nâng cấp và tăng cường" của DOC. Đại dịch COVID-19 đã làm trì hoãn quá trình đàm phán, nhưng đây không phải là lý do duy nhất.
Bắc Kinh chỉ có thể ủng hộ một COC ràng buộc về mặt pháp lý với điều kiện phiên bản đề xuất COC của họ đưa ra chiếm ưu thế trong các cuộc đàm phán. Các đề xuất gây tranh cãi của Trung Quốc xuất phát từ việc Trung Quốc muốn vấn đề Biển Đông chỉ là câu chuyện giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, bao gồm các điều khoản hạn chế sự can dự của các nước ngoài khu vực vào Biển Đông.
Chẳng hạn như Trung Quốc đề xuất rằng các hoạt động kinh tế trên biển, bao gồm cả phát triển dầu khí, "sẽ không được tiến hành với sự hợp tác của các công ty từ các nước bên ngoài khu vực". Ngoài ra, các bên "sẽ không tổ chức các cuộc tập trận chung với các nước từ bên ngoài khu vực, trừ khi các bên liên quan được thông báo trước và không bày tỏ sự phản đối".
Cuộc họp thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc, với sự có mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sẽ là một chương mới trong cục diện chính trị và an ninh khu vực Đông Nam Á khi Trung Quốc tỏ ra họ không muốn thua sút Mỹ trong việc xuất hiện của nhà lãnh đạo cấp cao nhất tại các hội nghị khu vực.
Sự thay đổi của các biểu tượng chính trị báo hiệu sẽ có chuyển dịch của các chính sách đối ngoại Trung Quốc đối với Đông Nam Á trong thời gian sắp tới.
Myanmar vắng mặt
Quốc gia điều phối mới cho quan hệ ASEAN - Trung Quốc trong 3 năm từ tháng 8-2021 cho đến 2024 là Myanmar sẽ không có mặt trong hội nghị thượng đỉnh lần này. Giống như xảy ra với hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 10, Thống tướng Min Aung Hlaing của Myanmar cũng không được mời tham dự.
Bốn quốc gia ASEAN là Brunei, Indonesia, Malaysia và Singapore được cho là phản đối đề xuất của Trung Quốc mời chính quyền quân sự Myanmar tham dự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận