"Tôi không được gặp ông nhiều, nhưng nhắc đến ông lúc nào cũng rớt nước mắt. Những chỉ đạo, những lời nói của ông lúc nào cũng đúng thời điểm, đúng khao khát của mọi người để đi thẳng từ trái tim tới trái tim, nhất là những năm đầu thống nhất, TP.HCM ngổn ngang khó khăn, phức tạp...", bà Huỳnh Quan Thư đọc lại những bài viết về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - ông Sáu Dân mà rưng rưng.
Và đó cũng là tấm lòng của bao người , từ cán bộ, trí thức đến đồng bào lao động nhắc nhớ ông với sự thương quý không quên.
100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23-11-1922 - 23-11-2022), những kỷ niệm về ông vẫn vẹn nguyên nghĩa tình...
Đã cống hiến tuổi thanh xuân cho những phong trào sinh viên đòi hòa bình, chống chiến tranh ở ĐH Văn khoa, đã thoát ly vào khu theo hoạt động Thành Đoàn, sau ngày thống nhất Huỳnh Quan Thư ôm con gái mới vài tháng tuổi, dắt con trai vừa biết đi về Sài Gòn. Đằng sau niềm vui hòa bình của đất nước là nỗi đau của người thiếu phụ: chồng cô - anh hùng liệt sĩ Lê Quang Lộc - hy sinh chỉ vừa hai tuần.
Chỗ dựa trong bước chông chênh
Những năm tháng hối hả sau đó không có chỗ cho nỗi niềm riêng. Được giao nhiệm vụ phụ trách công tác thiếu nhi ở quận Bình Thạnh, rồi sau đó là Thành Đoàn, cô Thư lao vào công tác không chỉ với nhiệt huyết của một cán bộ mà còn với tâm trạng một người mẹ.
"Sau chiến tranh, người lớn bị cuốn vào cuộc mưu sinh nhọc nhằn, những đứa trẻ phải chịu rất nhiều thiệt thòi dù có xuất thân thế nào. Mất mát - thiếu vắng cha, mẹ, người thân, thiếu thốn vật chất từ miếng ăn, hụt hẫng tinh thần từ một món đồ chơi. Rồi những phân biệt lý lịch chính trị bắt đầu xuất hiện ảnh hưởng lớn đến các bạn trẻ, đến cả các em thiếu nhi. Thương lắm!...", bà Thư tâm sự.
Bao năm rồi mà bà Thư chưa quên những chuyện đau lòng. Những ưu tiên vì là con liệt sĩ không xua được nỗi thiếu vắng cha của hai con. Những phân biệt đối xử đây đó với thanh niên khiến Thư khó xử và bất lực trước những câu hỏi của bạn bè, kể cả những người đã từng cùng tham gia phong trào sinh viên.
Rồi đến chính cha mẹ của cô trở thành đối tượng của chiến dịch cải tạo công thương nghiệp. Giữa lúc đó thì thông điệp trong lời phát biểu của Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt tại Đại hội Đoàn thành phố năm 1977 xuất hiện như một điểm tựa: "Thế hệ trẻ đang lớn lên ở thành phố ta ra đời từ những hoàn cảnh xã hội khác nhau, chịu ảnh hưởng tinh thần và tín ngưỡng khác nhau. Không có ai chọn cửa mà sinh ra. Đối với mỗi người trẻ tuổi đang bước vào đời, chúng ta nhìn họ như nhau, cùng là những người chủ tương lai của thành phố. Xã hội muốn tuổi thanh xuân không mặc cảm và thanh thản trong tâm hồn. Không có sự phân biệt đối xử trên con đường đi tới...".
Bài phát biểu được báo Tuổi Trẻ đăng toàn văn, lan đi nhanh như sóng.
"Tôi đã ứa nước mắt như nhìn thấy ánh sáng trong bóng tối. Niềm tin trong tôi có lại chỗ dựa vững chắc. Những hoạt động thiếu nhi, thanh thiếu niên do tôi tổ chức được tiếp nguồn sinh khí mới. Và đúng là bí thư không phát biểu rồi quên đi. Những ngày ấy ông và bộ máy chính quyền đang phải lo từ gạo - dầu cho dân, nguyên liệu sản xuất cho nhà máy, rồi bao nhiêu việc về nhân sự, về con người của thành phố, nhưng lời hứa "dành những gì tốt nhất cho thiếu nhi" ông vẫn nhớ. Thương xá Tax đang bị bỏ quên giữa những cuộc kiểm kê hàng hóa, từ một nơi buôn bán sầm uất, sang trọng nhất Sài Gòn mà lúc ấy thường xuyên cửa đóng then cài, tối đen như nhà hoang. Bí thư Võ Văn Kiệt chỉ đạo: dành vị trí đẹp nhất trung tâm ấy để mở Cửa hàng phục vụ thiếu nhi. Từ ban thiếu nhi Thành Đoàn, tôi được phân công về đó làm phó chủ nhiệm...", bà Thư rưng rưng nhớ lại.
Từ đó - 1978 - thương xá Tax bắt đầu hồi sinh với những cô mậu dịch viên đeo khăn quàng đỏ, chấm dứt cung cách phục vụ "theo tiêu chuẩn - theo phân phối" dù mặt hàng rất thiếu thốn. 1981, các gian hàng được bổ sung, mở rộng và phát triển thành Cửa hàng bách hóa tổng hợp thành phố. Lầu 2 với vị trí không gian đẹp nhất được dành làm gian hàng thiếu nhi.
"Và đâu chỉ có vậy - bà Hoàng Lê Tuyết Ngọc góp thêm vào câu chuyện - Từ 1976, Bí thư Võ Văn Kiệt đã ký quyết định giao cho Thành Đoàn khu dinh thự 169 Nam Kỳ Khởi Nghĩa để tổ chức thành Nhà Thiếu nhi thành phố. Tôi được giao làm chủ nhiệm. Những ngày đầu ít người, việc làm không xuể, ông vẫn theo dõi sát và có lần gọi chúng tôi lên trách cứ: "Nghe nói tụi bay để cỏ mọc um tùm trong khuôn viên nhà thiếu nhi phải không?". Có lãnh đạo như vậy, làm sao không làm cho tốt? Sau này nữa, khi rời thành phố ra Hà Nội để trở thành Thủ tướng, căn nhà công vụ mà ông để lại đã được thành phố dành để làm trường mẫu giáo theo đúng mong muốn của ông: luôn dành những gì tốt nhất cho thiếu nhi. Thành phố soi tương lai của mình trên vầng trán các em".
Ông Võ Văn Kiệt thăm các gia đình TNXP ở Nông trường Đỗ Hòa, TP.HCM 1984 - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
"Các em yêu quý..."
"Không có ai chọn cửa mà sinh ra", ông Sáu Quang - Nguyễn Chơn Trung vẫn nhớ quan điểm nhân văn này đã có từ lâu trong ông Sáu Dân trước khi phát biểu thành lời súc tích, và "chính điều đó đã giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ" khi Thành ủy giao nhiệm vụ cho Thành Đoàn phát động phong trào thanh niên xung phong khai khẩn đất hoang những ngày đầu năm 1976.
Hai tháng phát động ròng rã ở các Đoàn thanh niên, chỉ có hơn 2.000 đoàn viên đăng ký tham gia. Chỉ tiêu được giao tối thiểu phải vận động được 10.000 người, và đó cũng là số nhân lực cần thiết để lao động trên Nông trường Phạm Văn Cội (Củ Chi) sẽ bắt đầu ngay sau ngày ra quân đã định là 26-3-1976.
"Tôi lo quá, và nghĩ chỉ có cách đưa thêm nhóm thanh niên chế độ cũ, binh lính rã ngũ vào thì mới hoàn thành được. Nhưng Thành Đoàn cũng có người lo ngại, có ý khác. Tôi đến gặp ông Sáu Dân hỏi ý kiến, ông gật đầu ngay: họ là thanh niên, trước đây sống trong chế độ cũ, nay sống trong chế độ mới, và chế độ nào thì cũng cần họ đóng góp với đất nước cả".
Quan điểm thông, chỉ vài tuần lễ đã hơn một vạn người đăng ký gia nhập TNXP, có cả những người đang cai nghiện ma túy.
Ngày ra quân ở sân vận động Thống Nhất, Bí thư Võ Văn Kiệt đã khiến nhiều thanh niên Sài Gòn ứa nước mắt từ lời mở đầu: "Các em đoàn viên thanh niên yêu quý... Tôi xin phép được bày tỏ với lứa tuổi hai mươi của đất nước đã hết đau thương và từ đây thẳng đường đi tới chủ nghĩa xã hội tất cả tấm lòng trìu mến và kỳ vọng thiết tha của những lớp thanh niên nối tiếp nhau đã từng tham gia khởi nghĩa Nam kỳ, Cách mạng Tháng Tám. Lý tưởng của họ, ước mơ của họ chính là hiện tại mà hôm nay các em đang sống. Nếu sau này các em có điều kiện ôn lại kỹ càng một giai đoạn cách mạng hùng vĩ đã qua của dân tộc, các em sẽ biết thương yêu vô hạn Tổ quốc Việt Nam ngàn lần yêu dấu. Các em sẽ mạnh lên gấp bội vì một niềm tin ở nhân dân và đất nước...".
Bài diễn văn gợi nên nỗi xúc động sâu xa trong lòng những thanh niên Sài Gòn đang chấn động, hoang mang, vì sự thay đổi thời cuộc.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - lúc đó là phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - đầu năm mới thăm Nông trường Nhị Xuân của TNXP TP.HCM (ảnh chụp ngày 3-2-1985) - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ
Ông Sáu Quang kể: "Sau buổi ra quân, lực lượng TNXP lại tiếp nhận được thêm mấy ngàn người nữa. Vào chiến dịch Trần Quang Cơ, cứ chiều cuối tuần là chúng tôi thấy xe chở ông Sáu Dân đến. Ông xuống từng đơn vị trò chuyện với anh em, ở lại ngủ đêm trong lán trại, sáng vác cuốc xuống công trường. Sự có mặt của ông là nguồn động viên rất lớn với chúng tôi và còn lớn hơn nữa với những người thuộc dạng "tệ nạn xã hội" đang mượn mồ hôi trên nhát cuốc để làm lại cuộc đời...".
Linh mục Huỳnh Công Minh bảo ông luôn cảm thấy lòng ấm áp mỗi khi nhắc đến ông Sáu Dân. "Ông Sáu Dân là một trong những người cộng sản đầu tiên tôi gặp sau ngày đất nước thống nhất".
Kỳ tới: “Tổ quốc không của riêng ai”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận