14/11/2022 08:51 GMT+7

Ông Sáu Dân - Những kỷ niệm thương quý không quên: 'Chức quyền là phương tiện vì dân, vì nước'

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Những người trí thức nhiệt tâm phục vụ đất nước đã gặp được người lãnh đạo có quan điểm "chức quyền chỉ là công cụ phục vụ nhân dân". Những đóng góp thẳng thắn, chân thành đã gặp được quyết tâm mạnh mẽ.

Ông Sáu Dân - Những kỷ niệm thương quý không quên: Chức quyền là phương tiện vì dân, vì nước - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt thăm Dệt Thành Công năm 1981 - một năm sau sự kiện Dệt Thành Công có bước đột phá - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Và thêm nữa, họ đã gặp được nhau, nắm tay nhau đi tới trong cảnh khó ngặt nghèo của đất nước, tình thế của "đổi mới hay là chết".

Rất nhiều quyết định quyết liệt đã từ đó mà thành hiện thực, khai thông dần những mạch máu kinh tế của toàn xã hội, thay đổi dần cuộc sống của hàng triệu con người, hàng triệu gia đình.

Những "tấm áo giáp"

Sau này, khi có dịp điểm lại những quyết định đột phá, "phá rào" của mình ở các cương vị bí thư Thành ủy TP.HCM, phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ, ông Võ Văn Kiệt đã nói với giáo sư Đặng Phong: "Tôi như là đi giữa "hai làn đạn". 

Một bên là để dân đói, sản xuất đình đốn là có tội với dân, với Đảng. Một bên là để cơ sở bung ra tự cứu là phạm phải những điều cấm kỵ. Nhưng nhờ hơn 20 năm kháng chiến kiên cường, không ai nỡ quy cho chúng tôi cái tội phản bội. Đó là "tấm áo giáp" giúp chúng tôi thoát hiểm và thành công".

Nhưng thật ra đâu phải chỉ nhờ "áo giáp" - vốn cũng nhiều người có - mà ông và các đồng chí của mình có được những bước "phá rào" dũng cảm. 

Phải nhờ đức lắng nghe lắm lúc đến "trân người" để hiểu những chính sách ấu trĩ, bất cập, bất hợp lý, phản phát triển. Phải nhờ tính quyết đoán "nghe đúng, thấy đúng, nghĩ đúng là nói ngay, làm luôn, không mảy may lo nghĩ đến việc mất ghế, mất chức", như lời ông Phan Văn Khải miêu tả người đàn anh - thủ tướng tiền nhiệm của mình. 

Và phải nhờ sự tâm niệm sâu sắc mà ông đã ngẫm từ bao giờ và ghi vào sổ tay cá nhân: "Chức quyền cao chưa phải là sự nghiệp. Chức quyền là phương tiện để có thể làm nên một sự nghiệp nào đó cho dân cho nước...".

Trên cương vị bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Võ Văn Kiệt không chỉ ủng hộ và đến lắng nghe những nhóm trí thức cũ như nhóm Thứ Sáu, nhóm tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, các nhà báo và văn nghệ sĩ, ông còn chủ động chỉ đạo thành lập Câu lạc bộ giám đốc gồm hơn 100 thành viên là giám đốc, bí thư, thư ký công đoàn của các nhà máy quốc doanh. 

Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ và mời các lãnh đạo thành phố và trung ương đến tham dự, lắng nghe những kiến nghị, sáng kiến của cơ sở. Hội nghị Phước Long, hội nghị Đà Lạt chấn động "đưa tiếng lòng người dân đến Ba Đình" đã được TP.HCM tổ chức trên những ý tưởng này. 

Vậy cũng thấy chưa đủ trước tình hình khó khăn do những bất hợp lý của nền kinh tế kế hoạch, chính Bí thư Võ Văn Kiệt khăn gói xuống Nhà máy dệt Việt Thắng ăn ngủ cả tuần cùng các kỹ sư, công nhân đang trong cảnh sản xuất đình đốn "máy bỏ không, công nhân cuốc ruộng" vì thiếu nguyên liệu, máy móc hư hỏng...

Từ những lời gan ruột nghe được từ công nhân - nông dân, từ kỹ sư - bác sĩ, từ nhà báo - nhà thơ, các chính sách "phá rào": bù giá vào lương, sản xuất ba kế hoạch - ba lợi ích (Nhà nước - xí nghiệp - công nhân), "tổ thu mua lúa gạo" từ miền Tây vượt trạm kiểm soát buôn lậu về cứu đói dân thành phố... đã táo bạo xuất hiện. 

Ông Chín Đào - Phan Minh Tánh, một trong những lãnh đạo TP.HCM, lúc bấy giờ nhắc mãi lời của Bí thư Sáu Dân - Võ Văn Kiệt nói với các đồng sự của mình: "Giữa để dân đói mà còn nguyên chức, hay dân no mà mất chức, các anh chọn cái nào?", "Miễn đừng tham ô, làm thế này mà các anh chị phải đi tù thì tôi đi đưa cơm"...

Ông Sáu Dân - Những kỷ niệm thương quý không quên: Chức quyền là phương tiện vì dân, vì nước - Ảnh 2.

Chiều 1-5-1997, tại văn phòng kiến trúc sư trưởng TP.HCM, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định xây dựng đường hầm ngầm qua Thủ Thiêm - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Những mạch máu lưu thông

Được điều ra Hà Nội làm phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, quyền chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi thủ tướng Chính phủ, "phong cách Sáu Dân" của ông Võ Văn Kiệt vẫn không hề thay đổi. "Sống cùng với dân, tắm mình trong dân" - nhà thơ Việt Phương của một thời "cửa mở" nhận xét về ông như vậy. 

Phong cách, tâm huyết, uy tín đã giúp ông vượt qua nhiều trở ngại từ định kiến đến cơ chế, giúp ông thuyết phục được nhiều lãnh đạo thay đổi dần cách nhìn, cách nghĩ để các chính sách sinh ra gần với lợi ích của dân, của nước hơn. 

Từ nhìn thấy thực tế đến nhận ra cái sai. Từ nhận ra cái sai đến biết được cái đúng. Từ biết cái đúng đến dám thay đổi. Đổi mới ở Việt Nam đã diễn ra sau cả một quá trình dài vật vã ở phía dưới, trăn trở ở phía trên của bao nhiêu người như thế.

Sách lịch sử kinh tế của giáo sư Đặng Phong ghi nhận: "Võ Văn Kiệt là người đã ký hàng loạt văn bản để sửa từng phần, từng lĩnh vực, tháo gỡ từng trở ngại trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế do cơ chế cũ để lại". 

Một số văn bản quan trọng nhất, tháo gỡ những bức bối nhất của người dân thời điểm ấy đến nay vẫn còn người nhớ: tháng 3-1987: quyết định bãi bỏ các trạm kiểm soát trên tất cả các tuyến giao thông trong nước; tháng 4-1987: quyết định bãi bỏ tất cả hạn chế về số lần và số lượng việc gửi tiền, gửi hàng của Việt kiều, ngoại kiều từ nước ngoài về Việt Nam; tháng 11-1987: quyết định trao quyền tự chủ cho các xí nghiệp quốc doanh, xóa bỏ hệ thống chỉ tiêu kế hoạch, chỉ còn hai chỉ tiêu là giá trị sản lượng và các khoản nộp ngân sách; tháng 3-1988: nghị định hình thành hệ thống ngân hàng hai cấp, soạn thảo pháp lệnh ngân hàng...

Thế hệ trẻ trưởng thành của hôm nay sẽ không thể tưởng tượng được cuộc sống của thế hệ cha mẹ, ông bà khi chưa có những quyết định "cởi trói" ấy. Ông Võ Viết Thanh kể chuyện những năm ông từ lực lượng Thanh niên xung phong về lãnh đạo ngành công an những năm giữa thập niên 1980, từ TP.HCM rồi lên trung ương. 

Kinh tế đã kiệt quệ lại thêm hỗn loạn sau cuộc đổi tiền 1985, trợ giúp từ thân nhân ở nước ngoài gửi về bị hạn chế. Đi lại trong nước đã khó, người ở thành phố muốn xin đi nước ngoài chữa bệnh, việc riêng lại càng không thể. Liên lạc ra nước ngoài vô cùng khó khăn, một cuộc điện thoại phải đợi hằng tuần, một lá thư phải chờ hằng tháng...

Người dân tìm mọi cách thoát ra. Dịch vụ "kiều hối vỉa hè" nở rộ, hàng hóa buôn bán lén lút chợ trời, người người tìm cách buôn lậu, vượt biên. Tệ nạn xã hội lan tràn. Rồi tiêu cực xảy ra ở bộ máy. Cấp giấy đi đường, cấp hộ khẩu, hộ chiếu... đâu đâu cũng có cớ để làm khó, vòi vĩnh người dân.

"Bộ Công an họp bàn rồi trình sang Chính phủ, là chỗ ông Sáu Dân. Kinh nghiệm làm bí thư TP.HCM cùng với sự gần gũi với dân giúp ông hiểu ngay vấn đề, về thuyết phục được các lãnh đạo khác. 

Chúng tôi đã thành công trong những quyết định đó. Người dân được tự do di chuyển, vận chuyển, buôn bán hàng hóa; được tự do nhận tiền, hàng do thân nhân trợ giúp từ nước ngoài. Và đến 1993, người dân được cấp hộ chiếu phổ thông để có thể được đi nước ngoài theo nhu cầu của mình... Từ những thay đổi ấy mà tình hình dần được ổn định. 

Chúng tôi còn thuyết phục được rất nhiều người đã vượt biên mà vẫn còn kẹt ở trại tị nạn các nước trong khu vực quay trở về Việt Nam. Tất cả những việc ấy đều có bóng dáng rất đậm của ông Sáu Dân", ông Võ Viết Thanh kể.

Sau này khi đã rời tất cả những chức quyền, ông Sáu Dân vẫn chẳng chịu làm một ông cụ hưu trí vui vầy với vườn kiểng và con cháu.

Ông viết cho các đồng chí mình: "Tuy đã rời khỏi những vị trí trách nhiệm được Đảng và nhà nước phân công, song tôi chỉ rời nhiệm sở chứ không rời trách nhiệm người đảng viên với sự nghiệp của Đảng và nhân dân ta.

Tôi vẫn cố gắng đi đến những nơi mình còn đến được, trao đổi với các đồng chí vốn từng làm việc với tôi ở các địa phương, các ngành và nắm bắt thực tế để có thể góp phần mình một cách thiết thực và cụ thể.

Tôi cũng dành thời gian tiếp xúc với nhiều anh chị em hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học, nghệ thuật để lắng nghe ý kiến tâm huyết, giúp chuyển tải đóng góp của họ đến những nơi cần thiết...".

*************

Đó là cuộc họp báo ngay trên chuyên cơ từ Bangkok về Hà Nội. Thủ tướng Võ Văn Kiệt sang thủ đô Thái Lan dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - lần đầu tiên Việt Nam tham dự. Sự kiện đánh dấu đường lối ngoại giao đa phương của Việt Nam gặt hái nhiều thành công đột phá.

Kỳ tới: Vị thủ tướng bản lĩnh và cuộc họp báo trên không

Ông Sáu Dân - Những kỷ niệm thương quý không quên - Kỳ 5: Lắng nghe lời tâm huyết Ông Sáu Dân - Những kỷ niệm thương quý không quên - Kỳ 5: Lắng nghe lời tâm huyết

TTO - Nhắc đến "nhóm Thứ Sáu", những người quan tâm đến những bước đi đổi mới ở TP.HCM và cả nước sẽ nhớ đến nhóm trí thức "đa không" cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt.


PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp