Nga "luôn sẵn sàng cho mọi kịch bản", ông Putin nói với báo giới ngày 29-7, khi nói về khả năng đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO. Trước đó, ông Putin trả lời các câu hỏi về những lần suýt va chạm gần đây liên quan đến máy bay Nga và Mỹ ở Syria.
Theo ông Putin, giữa Nga và Mỹ có đường dây khẩn cấp cho phép các sĩ quan hai bên nói chuyện trực tiếp về "bất kỳ tình huống khủng hoảng nào". Thực tế cho tới nay đường dây này vẫn hoạt động, cho thấy hai bên không quan tâm đến cuộc xung đột.
Tuy nhiên, tổng thống Nga vẫn khẳng định "nếu ai muốn xung đột thì chúng tôi sẵn sàng", Đài Russia Today dẫn lời ông Putin.
Chuẩn đô đốc Oleg Gurinov, người đứng đầu Trung tâm Hòa giải của quân đội Nga tại Syria, cho biết kể từ đầu năm 2023, quân đội Nga đã ghi nhận tổng cộng 23 sự cố nguy hiểm liên quan đến máy bay của họ và của Mỹ. Trong 11 trường hợp, các phi công Nga cho biết họ bị máy bay Mỹ nhắm mục tiêu.
Matxcơva cũng đã nhiều lần cảnh báo Washington và các đồng minh về nguy cơ xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO, đặc biệt trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở Ukraine.
Nga cho rằng việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ làm gia tăng các hành động thù địch và khiến phương Tây can dự sâu hơn vào cuộc xung đột.
Hơn nữa, ông Putin cho rằng các nước phương Tây đã dành nhiều năm để hướng Ukraine tới cuộc xung đột với Nga và phương Tây sử dụng Kiev như công cụ để phá hoại an ninh quốc gia Nga.
Ông Putin lập luận rằng hành động trả đũa của Nga, bao gồm cả chiến dịch quân sự ở Ukraine, là chính đáng.
Tổng thống Nga nói thêm rằng phương Tây đã lên kế hoạch dùng Kiev để "làm tổn hại vị thế của Matxcơva trên trường thế giới".
Mỹ và các đồng minh ở châu Âu ủng hộ cuộc đảo chính năm 2014 ở Kiev, lật đổ tổng thống dân bầu Viktor Yanukovich. Theo ông Putin, lâu nay quan điểm của Nga vẫn là cuộc đảo chính là bước ngoặt của khủng hoảng.
Sau khi ông Yanukovich trốn khỏi đất nước, Washington lập tức công nhận chính quyền mới ở Kiev. Crimea, vốn phản đối cuộc đảo chính, sáp nhập vào Nga năm 2014.
Hai vùng Donetsk và Lugansk ở Ukraine tự xưng độc lập vào năm 2014 và được ông Putin công nhận. Kiev phản ứng bằng một chiến dịch quân sự.
Tháng 2-2022, Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt với lý do cần bảo vệ người dân Donbass và cáo buộc Kiev không thực hiện thỏa thuận hòa bình Minsk 2014-2015.
Nga lập luận rằng hành động của họ hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, trong khi Ukraine cáo buộc Nga là hành động gây hấn vô cớ. Trong khi đó, các thành viên NATO đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Nga, đồng thời cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine.
Hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass, cùng với hai vùng lãnh thổ Kherson và Zaporizhzhia, đã được Nga tuyên bố sáp nhập sau khi tổ chức trưng cầu ý dân vào tháng 9-2022.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận