08/12/2017 21:49 GMT+7

Ông Putin lèo lái qua các sóng gió như thế nào?

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Ba nhiệm kỳ của Tổng thống Vladimir Putin chứa đầy những sóng gió và thay đổi, không chỉ đối với nước Nga mà còn cả thể giới. Quyết định tái tranh cử của ông được nhà báo Nga Viktor Marakhovsky phân tích ra sao?

Ông Putin lèo lái qua các sóng gió như thế nào? - Ảnh 1.

Tổng thống Putin tại lễ trao giải thưởng Người tình nguyện ngày 6-12 - Ảnh: REUTERS

"Ông Vladimir Putin tuyên bố ra ứng cử tổng thống!". Thông tin này, như nhiều người cũng đồng tình, là điều không bất ngờ. Gần như mọi sự kiện công cộng ông Putin tham gia những tháng gần đây đều ít nhiều liên quan đến khả năng ứng cử nhiệm kỳ mới.

Việc ông Putin đưa ra tuyên bố trong cuộc gặp gỡ với các công nhân nhà máy ôtô "huyền thoại" GAZ (chứ không phải trên tivi hay một dịp lễ nào đó, như dịp Năm mới chẳng hạn), mang một ý nghĩa biểu tượng quan trọng. 

Nó cho thấy những đại diện nào của nước Nga ngày nay mà ông Putin công nhận là quan trọng nhất và là thành tố chính của xã hội và nhà nước.

Cuộc gặp gỡ ở GAZ có nghĩa ông Putin, trong nhiệm kỳ 4 (nếu thắng cử) sẽ tiếp tục dựa vào sự ủng hộ của "phe đa số" - những người luôn có thái độ bất mãn ngầm với tầng lớp tinh hoa tự gắn mác "xã hội dân sự".

Nhân đây cần phải nói là sự ủng hộ trong dân là một nguồn tài nguyên ông Putin sử dụng hết sức cẩn thận trong những năm qua.

Có lẽ hàng chục đến hàng trăm lần trước đây, các nhà phân tích của Nga và nước ngoài dự báo tầng lớp tinh hoa, do bất mãn vì lệnh cấm vận và cuộc đấu đá với phương Tây, sẽ làm một cuộc "nổi loạn triều đình" chống lại vị Tổng thống mất đi cảm tình của phe đa số.

Dễ thấy là đến cuối ngày, không có chuyện gì xảy ra.

Việc dẹp loạn tầng lớp tinh hoa quả thật là có, nhưng tính chất của nó chưa đạt tới mức "cuộc cách mạng tầng trên" trong suốt 3 nhiệm kỳ Tổng thống của ông Putin. Mặt trận dân tộc ủng hộ Putin đóng một vai trò đảm bảo, ngăn không để bất cứ cuộc nổi loạn "quý tộc" nào xảy ra trong quá trình kiến thiết nhà nước.

Nỗ lực chống lại "phe đa số Putin" đáng ghi nhận nhất có lẽ là "Phong trào Bolotnoye" những năm 2011-2012. Tuy nhiên, nó mang tính chất cô lập xã hội và không đạt đến chất lượng "cách mạng", do đó phong trào này là lần phản kháng duy nhất của giới tinh hoa.

Ông Putin lèo lái qua các sóng gió như thế nào? - Ảnh 2.

Lễ nhậm chức Tổng thống của ông Putin (trái) hồi tháng 5-2000, bên cạnh là cố Tổng thống Boris Yeltsin - Ảnh tư liệu của RIA

Đáng chú ý nhất, trong nhiệm kỳ 3 sắp kết thúc của ông Putin xuất hiện một loạt thách thức nghiêm trọng chưa từng có, thử thách tính bền vững của cả hệ thống. 

Đầu tiên phải kể đến hai lần giá dầu thô lao dốc trong hoàn cảnh ngân sách của Nga dựa chủ yếu vào xuất khẩu năng lượng. Kết quả là nền kinh tế suy thoái, và lần đầu tiên trong nhiều năm chất lượng cuộc sống của người Nga giảm rõ rệt.

Chính trong nhiệm kỳ này xảy ra Phong trào Maidan ở Ukraine (năm 2014) và những hệ quả khốc liệt của nó: Bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga; cuộc chuyển giao quyền lực ở Kiev tạo ra sát biên giới Nga một nhà nước không ai công nhận; nội chiến kéo dài...

Và cũng trong nhiệm kỳ này, các nước phương Tây và nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) cùng tấn công chính quyền Syria của Tổng thống Bashar Al Assad - một trong những đồng minh cuối cùng của Nga ở Trung Đông.

Cuối cùng, trong những ngày cuối của năm 2017 sắp qua, niềm kiêu hãnh dân tộc của Nga bị tấn công! Ủy ban Olympic quốc tế ra quyết định cấm lá cờ Nga xuất hiện tại kỳ Thế vận hội mùa đông 2018 tại Hàn Quốc.

Gần như cứ sau mỗi sự kiện nêu trên, cả binh đoàn các nhà phân tích tuyên bố đó là "đòn giáng bẻ gãy Putin". Ngày nay bất cứ ai cũng có thể kiểm tra các dự báo đó, so sánh chúng với hiện thực.

Ông Putin lèo lái qua các sóng gió như thế nào? - Ảnh 3.

Ông Putin giữ phong thái giản dị tại một sự kiện mít tinh ở khu phức hợp thể thao Luzniki tháng 2-2012 - Ảnh tư liệu RIA

Nhưng mọi thứ suôn sẻ không có nghĩa chiến dịch tranh cử 2017-2018 của ông Putin sẽ êm đềm, hay bầu cử sẽ diễn ra không chút cạnh tranh. Thách thức lớn nhất sẽ đến từ chính phe đa số ủng hộ ông Putin.

Thách thức đó được gói gọn trong quan điểm: "Nước Nga ngày nay được xây dựng cho giai tầng tinh hoa, không phải cho số đông". Điều này đã được truyền thông cánh tả ở Nga nhiều lần phản ánh.

Nó gồm 3 biểu hiện: (1) Khoảng cách thu nhập giữa phe thiểu số giàu có và những người còn lại gia tăng; (2) Chất lượng giáo dục đi xuống và chỉ ưu ái người giàu; (3) Chăm sóc y tế cũng xuống dốc và ưu tiên người giàu.

Những luận điểm trên sẽ được các đối thủ của ông Putin tận dụng triệt để. Tuy nhiên, mục tiêu của họ không phải để chiến thắng cuộc bầu cử tháng 3-2018, nó chỉ nhằm ngăn một chiến thắng tuyệt đối của ông Putin.

Nếu thành phe đối lập thành công, đầu thập niên 2020 họ sẽ tiến lên vũ đài chính trị khi không còn bất cứ "phe đa số Putin" nào tồn tại.

Đó là một thách thức lớn, nhưng ở phía ngược lại, câu trả lời cũng khá rõ ràng: "Ứng viên Putin" chỉ để cho người dân Nga thấy những gì trên thực tế họ thỏa hiệp được với "Tổng thống Putin".

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp