Với 2 ngày ngắn ngủi trước trận lượt về, ông Park Hang Seo cùng các trợ lý phải giải cho được những vấn đề của tuyển Việt Nam như giải phóng tâm lý, cải thiện phong độ của các cầu thủ trụ cột, nghiên cứu phá vỡ hệ thống chiến thuật đang vận hành rất tốt của Thái Lan.
Vì vậy ngay khi đến Thái Lan vào chiều 14-1, tuyển Việt Nam chỉ tranh thủ nghỉ đôi chút rồi ra sân tập ngay để chuẩn bị cho trận lượt về.
Không có đội hình mạnh nhất, lại mất tiền đạo số 1 Teerasil Dangda ở trận chung kết lượt đi, nhưng Thái Lan đã chơi trên chân đội tuyển Việt Nam.
Ở tuyến giữa, bộ đôi Teerathon Bumathan - Sarach Yooyen đã làm "tắt điện" bộ đôi Hùng Dũng - Hoàng Đức. Teerathon là tác giả hai đường chuyền thành bàn, còn Sarach là người ghi bàn nâng tỉ số lên 2-1.
Trong 6 pha dứt điểm, các cầu thủ Thái Lan đạt chính xác đến 5 lần (Việt Nam dứt điểm 10 lần nhưng chỉ có 6 lần chính xác).
Trước trận đấu, ông Park nói phong tỏa được Teerathon thì Thái Lan không còn nguy hiểm. Nhưng thực tế, đội tuyển Việt Nam đã không làm được điều này.
Vì vậy giữ cặp tiền vệ trung tâm Hùng Dũng - Hoàng Đức hay thay đổi nhân tố khác là điều ông Park Hang Seo đang tính toán và áp dụng trong buổi tập chuẩn bị cho trận lượt về. Ngay cả hàng thủ cũng là điều ông Park cũng phải thay đổi.
Bộ ba trung vệ của đội tuyển Việt Nam đều chơi không tốt trong trận lượt đi. Ngay người giàu kinh nghiệm nhất là Quế Ngọc Hải cũng nhiều lần bị các chân sút Thái Lan dễ dàng vượt qua, trong đó có pha ngoặt bóng rồi sút gỡ hòa 1-1 của Poramet ở đầu hiệp 2.
Đáng mừng là toàn đội đến Thái Lan với tinh thần lạc quan. "Chúng tôi phải suy nghĩ tích cực để hướng tới trận chung kết lượt về. Toàn đội sẽ chiến đấu bằng tất cả những gì mình có", Quang Hải chia sẻ.
Phải "vá" nhanh sai sót ở hàng thủ
Nắm trong tay nhiều lợi thế kể cả dẫn bàn trước và chơi khá tròn trịa trong hiệp 1 nhưng tuyển Việt Nam lại bất ngờ đánh mất thế trận ở hiệp 2.
Điều gì đã xảy ra với thầy trò HLV Park Hang Seo vào tối 13-1 trên sân Mỹ Đình?
Cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, ông Trần Bình Sự, đưa ra phân tích với Tuổi Trẻ:
"Bẫy việt vị luôn là con dao hai lưỡi. Và chủ nhà Việt Nam đã thực hiện không khéo nên phải trả giá đắt.
Với chiến thuật này, hai trung vệ đá lệch hoặc hậu vệ biên phải luôn chú ý đến việc dâng lên của trung vệ ở giữa. Trong khi đó, Duy Mạnh và Việt Anh đã mắc lỗi khi dâng lên quá chậm.
Phải thừa nhận rằng bản lĩnh của Thái Lan thật đáng gờm. Trước khi ghi bàn, họ nhiều lần tung ra những quả chuyền dài ra sau lưng hàng thủ chủ nhà, đặc biệt là khoảng hở giữa Tấn Tài và Duy Mạnh. Sau khi dẫn bàn, các tuyển thủ Việt Nam quá hưng phấn mà không cảnh giác điều đó.
Đa số những đường chuyền vượt tuyến ấy đều đến từ đội trưởng Theerathon. Trước trận, ông Park từng nói sẽ khóa cầu thủ này.
Nhưng các học trò của ông lại không làm được, nhất là khi Theerathon thường thu vào giữa để làm cầu nối và chuyền dài. Hùng Dũng - Quang Hải đá tiền vệ trung tâm cao nhất nhưng lại không đánh chặn hay truy cản được Theerathon.
Sai lầm tiếp theo là chúng ta lại chơi đôi công khi đang dẫn bàn. Đá kiểu này khó mà giữ sạch lưới lẫn thế trận trước Thái Lan vốn dày dạn trận mạc và bản lĩnh.
Trong bối cảnh có nhiều lợi thế về sân bãi, khán giả, thời tiết, sau khi ghi bàn trước, Việt Nam cần phải chơi phòng ngự phản công sở trường bởi chắc chắn Thái Lan sẽ tràn lên để gỡ hòa.
Chúng ta bỏ sở trường để chuyển sang sở đoản và phải trả giá. Những bàn thua chóng vánh và lãng xẹt đã làm giảm nhuệ khí của đoàn quân áo đỏ. Nói cách khác, Việt Nam không còn là chính mình trong phần lớn thời gian của hiệp 2.
2-2 là tỉ số kém vui nhưng chấp nhận được trước trận chung kết lượt về. Thầy trò ông Park chỉ còn cửa phải thắng để đoạt cúp.
Cửa này dù khó nhưng không phải là không làm được. Trước khi làm nên lịch sử, đòi hỏi đội tuyển Việt Nam phải "vá" thật nhanh và hiệu quả những sai sót chết người ở hàng thủ".
SĨ HUYÊN ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận