18/04/2015 08:50 GMT+7

​Ông Obama chờ quyền “đàm phán nhanh”

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Hôm qua (giờ Việt Nam), các lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội Mỹ đã đạt thỏa thuận về dự luật trao cho Tổng thống Barack Obama quyền “đàm phán nhanh”

Tổng thống Obama phát biểu về vấn đề kinh tế tại Nhà Trắng ngày 16-4 - Ảnh: Reuters

Thỏa thuận về dự luật trao cho Tổng thống Barack Obama quyền “đàm phán nhanh” nhằm hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo báo New York Times, thượng nghị sĩ Cộng hòa Orrin Hatch - chủ tịch Ủy ban tài chính Thượng viện (SFC), thượng nghị sĩ Dân chủ Ron Wyden - thành viên cao cấp của SFC và nghị sĩ Cộng hòa Paul Ryan - chủ tịch Ủy ban tài chính và thuế vụ Hạ viện - đã đạt được thỏa thuận về dự luật trên.

Theo đó, Quốc hội Mỹ sẽ trao cho ông Obama quyền “đàm phán nhanh” (fast-track), hay còn gọi là quyền xúc tiến thương mại (TPA), để Chính phủ Mỹ toàn quyền hoàn tất đàm phán các điều khoản của TPP.

Theo dự luật này, sau khi đàm phán TPP với các đối tác kết thúc, Quốc hội Mỹ chỉ có quyền phê chuẩn hoặc bác bỏ TPP chứ không được phép sửa chữa, điều chỉnh các điều khoản trong hiệp định. Quốc hội Mỹ sẽ có khoảng bốn tháng để xem xét TPP.

Dự kiến các ủy ban thuộc Thượng viện và Hạ viện Mỹ sẽ bắt đầu bỏ phiếu về dự luật TPA ngay từ tuần tới.

Loại bỏ một trở ngại

Các vướng mắc trong đàm phán giữa Nhật và Mỹ

Đàm phán TPP giữa Nhật và Mỹ diễn ra chậm chạp trong thời gian qua do một số điểm vướng mắc chưa thể giải quyết. Nhật đòi Mỹ xóa bỏ lập tức mức thuế 2,5% đối với ôtô nhập khẩu từ Nhật.

Mỹ chỉ muốn xóa bỏ hoàn toàn khoản thuế này trong vài chục năm tới. Washington yêu cầu Tokyo mở cửa thị trường thịt bò và thịt heo, vấn đề bị ngành nông nghiệp Nhật phản đối dữ dội.

Tổng thống Obama lập tức lên tiếng ca ngợi dự luật. “Ưu tiên hàng đầu của tôi trong bất kỳ cuộc đàm phán thương mại nào cũng là mở rộng cơ hội cho người lao động Mỹ.

Cần thấy 95% khách hàng tiềm năng của Mỹ sống bên ngoài lãnh thổ chúng ta. Do đó chúng ta cần phải đảm bảo rằng Mỹ, chứ không phải những nước như Trung Quốc, viết ra các quy định đối với nền kinh tế toàn cầu” - ông Obama nhấn mạnh.

Ông Obama cũng khẳng định TPP sẽ giúp tăng cường tính cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trước đó, đại diện thương mại Mỹ từng mô tả TPP là “nền tảng” đối với chính sách kinh tế châu Á - Thái Bình Dương của ông Obama. Khi thăm Nhật hồi đầu tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng mô tả TPP “siết chặt quan hệ liên minh và đối tác với các nước, khẳng định cam kết dài lâu của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương”.

Nguồn tin từ Washington tiết lộ Chính phủ Mỹ chịu áp lực phải đạt tiến bộ trong cuộc đàm phán TPP với Nhật trước khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đến Washington ngày 28-4. Mỹ và Nhật là hai nền kinh tế lớn nhất trong các nước tham gia đàm phán TPP, và một thỏa thuận giữa Washington và Tokyo là tối quan trọng.

Trước đó, các quan chức Nhật từng khẳng định đàm phán TPP giữa hai nước phụ thuộc vào việc Quốc hội Mỹ trao TPA cho ông Obama để tránh nguy cơ hiệp định bị chỉnh sửa ở đồi Capitol. “Đây là tin đáng mừng. Chúng ta đã loại bỏ được một trở ngại đối với đàm phán TPP.

Tôi hi vọng Quốc hội Mỹ sẽ sớm thông qua dự luật này - AFP dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Nhật Akira Amari tuyên bố tại Tokyo - Phần lớn các nước tham gia TPP đều cho rằng rất khó để nhượng bộ nhằm đạt được thỏa thuận cuối cùng nếu Chính phủ Mỹ không có TPA. Nhật cũng có quan điểm như vậy”.

Theo báo chí Nhật, đại diện thương mại Mỹ Michael Froman và Bộ trưởng Amari sẽ nhóm họp vào ngày 19 và 20-4 về TPP. Nội dung cuộc họp sẽ phụ thuộc kết quả đàm phán giữa phó đại diện thương mại Mỹ Wendy Cutler và phó đàm phán thương mại Nhật Hiroshi Oe. “Vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết” - Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Yoshimasa Hayashi nhận định.

Đảng Dân chủ không thuận

Quốc hội Mỹ cần phải thông qua TPP trong năm nay để đảm bảo nó không bị kéo dài tới giai đoạn trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ không dễ dàng đối với ông Obama. Theo báo Washington Post, dự luật TPA sẽ đẩy ông Obama vào thế đối đầu với chính các nghị sĩ Đảng Dân chủ.

Hiện phần lớn nghị sĩ Dân chủ ở Hạ viện và một số lượng đáng kể ở Thượng viện phản đối TPP. Một số nghị sĩ Dân chủ còn cho rằng việc trao quyền đàm phán nhanh lúc này đã quá muộn, không thể tác động được nhiều đối với TPP vì hiệp định này đã đàm phán kéo dài hơn năm năm qua.

Lý do là các công đoàn ủng hộ Đảng Dân chủ cho rằng TPP có thể khiến người lao động Mỹ mất việc làm. Thượng nghị sĩ Dân chủ Charles Schumer cho rằng TPP thiếu các điều khoản ngăn chặn nguy cơ thao túng tiền tệ, do đó có thể ảnh hưởng tới thu nhập của giới trung lưu Mỹ.

Một số nguồn tin cho biết hiện chỉ có 20 nghị sĩ Dân chủ ở Hạ viện ủng hộ dự luật TPA, trong khi Chủ tịch Hạ viện John Boehner cho rằng ông cần 50 phiếu của Đảng Dân chủ để Hạ viện thông qua TPA dành cho Tổng thống Obama.

Một số nhà quan sát nhận định với việc phần lớn nghị sĩ Cộng hòa ở Thượng viện ủng hộ TPA, Thượng viện có thể sẽ thông qua dự luật TPA trong tháng 5. Tuy nhiên cuộc tranh luận ở Hạ viện sẽ diễn ra cực kỳ căng thẳng và quyết liệt.

Ước tính ông Obama sẽ phải thuyết phục thêm hơn 30 nghị sĩ Dân chủ để đảm bảo Hạ viện thông qua TPA. Và đây không phải là điều đơn giản.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp