Khu đất số 8-12 Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM) rộng gần 5.000m2 có giá thuê 291.000 đồng/m2/tháng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Liên quan khu đất "vàng" 5.000m2 số 8-12 Lê Duẩn được giao, cho thuê không qua đấu giá, Thanh tra Chính phủ xác định có "dấu hiệu cố ý làm trái". Ông Nguyễn Thành Tài - phó chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2011-2015 có trách nhiệm trực tiếp.
Để bạn đọc có thêm thông tin, Tuổi Trẻ đã gặp "nhân vật chính" trong vụ này. Ông Tài nói:
- Thời điểm 2004-2011, tôi được phân công làm phó chủ tịch thường trực, không dính dáng gì mảng đô thị. Tuy nhiên cuối năm 2008, phó chủ tịch đô thị (ông Nguyễn Hữu Tín - PV) được phân công đi học, nên lãnh đạo TP.HCM đề nghị tôi choàng gánh luôn.
Đúng là tôi có nóng lòng muốn thực hiện nhanh dự án, tôi nóng ruột, cứ nghĩ theo chiều hướng tích cực. Nhưng lại thiếu kiểm tra chặt chẽ và chưa lường được tình huống phức tạp nảy sinh.
Ông Nguyễn Thành Tài trao đổi với phóng viên báo Tuổi Trẻ - Clip: NGỌC KHẢI
"Không kiểm tra hết, không lường hết..."
* Từ năm 2007, chủ trương của TP.HCM là sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao kết hợp trung tâm thương mại tại khu đất 8-12 Lê Duẩn. Vậy tại sao chủ trương này bị phá vỡ, thưa ông?
- Đúng là năm 2007, chủ tịch UBND TP.HCM kết luận như vậy nhưng sau đó do yếu tố lịch sử quản lý khu đất nên không theo đúng chủ trương ban đầu. Cụ thể, trước đây khu đất được giao cho bốn đơn vị thuộc Bộ Công thương thuê sử dụng làm trụ sở.
Tuy nhiên từ ngày ở cho đến khi kết thúc hợp đồng thuê, các công ty trên không trả tiền thuê. Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM (đơn vị quản lý khu đất) kiện ra tòa, thắng kiện nhưng bốn công ty vẫn không chịu đóng tiền thuê.
Vụ việc này làm thiệt hại nhiều thứ, nhất là uy tín môi trường đầu tư, của cá nhân, tổ chức. Bản thân tôi tham gia cách mạng tới giờ này, vì chuyện này cũng mất uy tín chứ, sao không mất được...
Ông NGUYỄN THÀNH TÀI
Ông Nguyễn Thành Tài - Ảnh: NGỌC KHẢI
Chủ tịch UBND TP.HCM sau đó đã buộc các đơn vị liên quan thu hồi, quản lý mặt bằng trong thời gian chuẩn bị mời thầu.
Mặc dù vậy, thời điểm đó TP không cưỡng chế thu hồi đối với các đơn vị của bộ được. Không những không trả tiền, bốn đơn vị này còn xin mua chỉ định khu nhà đất nhưng bị TP bác. Các bên tranh kiện với nhau dữ dội.
Vì vậy anh Nguyễn Hữu Tín mới có văn bản đề xuất UBND TP thay đổi hình thức sang giao cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà với tư cách đại diện cho chủ sở hữu của Nhà nước đứng ra làm chủ đầu tư để huy động vốn.
Mặc dù vậy, phương án chọn chủ đầu tư thực hiện dự án cũng "bể" luôn do các công ty của Bộ Công thương tiếp tục kiện vì không được tham gia góp vốn.
Đến năm 2009, tôi tiếp nối công việc mảng đô thị và nhận thức rằng việc thực hiện lại dự án là rất cần thiết. Khi đó khủng hoảng kinh tế kéo theo bất động sản bị đóng băng, tôi nghĩ nếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án sẽ rất có lợi.
Trong nhiều lý do có cả việc nguồn thu ngân sách khó khăn, nếu khởi động dự án sẽ góp phần tăng nguồn thu. Do vậy, tôi muốn thúc đẩy nhanh, khôi phục dự án theo phương thức đã thống nhất.
Lần này rút kinh nghiệm bằng cách thành lập công ty cổ phần với sự tham gia của bốn đơn vị Bộ Công thương với tỉ lệ tổng cộng 50% vốn.
Khu đất số 8-12 Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM) rộng gần 5.000m2 hiện làm bãi giữ xe - Ảnh: QUANG ĐỊNH
* Lẽ ra phải chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm mới thực hiện nhanh dự án. Sao ông lại lựa chọn khi chưa thẩm định năng lực tài chính của các đơn vị?
- Chính tôi đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, thẩm định năng lực tài chính, năng lực chuyên môn của các nhà đầu tư dự án.
Tôi cũng thôi thúc các đơn vị báo cáo sớm nhưng lúc đó nhiều công việc quá tôi sơ suất, không đợi được. Chính mình ra văn bản chỉ đạo nhưng chưa kịp thời báo cáo đã thực hiện, đây là bài học.
Thứ hai, tôi nghĩ nguồn vốn của bốn đơn vị kinh tế của Bộ Công thương không đến nỗi tệ vậy. Đây là những đơn vị "đấu" từ đầu với TP xin mua chỉ định, góp vốn đầu tư cho nên mình không nghĩ mấy ông không có năng lực.
Tôi không hình dung được các công ty nóng ruột, đòi hỏi, kiện thưa để được thực hiện dự án như thế, cuối cùng khi được chấp thuận lại đem cổ phần đi chuyển nhượng.
Cho đến mấy tháng sau tôi mới được báo cáo. Cách nào đó ở dưới người ta thỏa thuận với nhau, nhưng rõ ràng tôi không kiểm tra hết nên tôi nhận trách nhiệm. Đây là phần trách nhiệm của tôi.
Và đúng là mình chưa lường hết. Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM tham gia dự án nhiều lắm, cho nên vốn liếng cũng không đủ.
Lúc đầu công ty này chủ động tính toán, đề xuất mọi thứ nhưng khi được đồng ý tính toán lại thấy quy mô dự án vốn lớn, nguồn vốn công ty không đủ đóng góp nên mới đề xuất góp 20%, còn 30% huy động một đơn vị kinh tế tư nhân (Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm).
Đơn vị này do chính công ty quản lý nhà giới thiệu cho tôi. Khi đó tôi lập luận, bốn công ty của Bộ Công thương là đơn vị quốc doanh chiếm 50% vốn, cộng với phần vốn 20% của Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM thì Nhà nước vẫn sở hữu 70%, đơn vị tư nhân chỉ chiếm 30%, không phải cổ đông chi phối. Thực tế hiện nay công ty này thực sự muốn đầu tư chứ không phải mua xong bán lại.
"Không có điều gì tinh khôi 100%"
* Thanh tra Chính phủ kết luận các việc làm trong vụ việc này "có dấu hiệu cố ý làm trái" và ông là người có "trách nhiệm trực tiếp", ông thấy thế nào?
- Tôi hiểu mình không thể lấy nhiệt tình hay tất cả mọi thứ để thay thế cho thực tế xảy ra. Sự việc này có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, uy tín của tổ chức và cá nhân. Mình phải thấy trách nhiệm của mình.
Nhưng riêng việc kết luận cho rằng thiệt hại lớn khi đem con số giá trị quyền sử dụng đất, giá trị thuê đất hằng năm ra so sánh tôi cho rằng chưa hợp lý lắm.
Bởi vì giá giao, cho thuê đất được xác định thời điểm 2008-2010 đang xảy ra khủng hoảng kinh tế, bất động sản đóng băng. So sánh với giá hiện nay, đặt nó trong trường hợp khu đất giải tỏa sạch thì không hợp lý.
Phần sai sót nội bộ có gì sai thì nhận, không né tránh nhưng rõ ràng mình phải tính đến lợi ích của nhà đầu tư và môi trường đầu tư.
Suốt nhiều năm họ không triển khai được do mình không cấp phép, số tiền sử dụng đất và thuê đất đã đóng nếu gửi ngân hàng thì lãi suất là không nhỏ.
* Liệu tất cả những người liên quan trong vụ việc này có hoàn toàn trong sáng?
- Tới lúc này mọi chuyện đã rõ ràng, có thể nói doanh nghiệp có những lấp liếm chứ không trong sáng hoàn toàn.
Còn cơ quan chức năng, tôi chưa thấy động cơ riêng tư nào ở công trình này.
Nhưng đúng là không có điều gì tinh khôi 100%. Tôi không chịu sự tác động của bất cứ ai và cho đến thời điểm này, tôi cũng tự hào mình không tư túi, không có một đồng cắc bạc nào để mình bị chi phối.
Nếu được thực hiện lại, tôi sẽ cân nhắc, bớt nôn nóng, trao đổi kỹ cẩn thận hơn vì dự án đã kéo dài rồi, trễ thêm một chút không sao, nôn nóng càng kéo dài hơn.
Tôi thấy mình làm chưa tốt trong chỉ đạo điều hành, chưa kiểm tra chặt chẽ. Có phần nôn nóng, sợ quá chậm lại mất thời cơ nên tôi không kiểm soát, không lường định được các tình huống phát sinh. Cứ nghĩ theo chiều thuận mà không lường trước những trục trặc.
Ký nhanh vì đã thống nhất chủ trương
* Theo kết luận thanh tra, có nhiều văn bản thực hiện chủ trương dự án được ông ký nhanh và ông cũng không thông qua thường trực UBND và HĐND thẩm định giá trị quyền sử dụng đất, giá thuê đất?
- Lúc bấy giờ TP.HCM có một chủ tịch và 5 phó chủ tịch, mỗi tuần lễ để thực hiện ở nhiệm vụ được phân công, mỗi phó chủ tịch phải tham dự tối thiểu 5-6 cuộc họp.
Nếu vấn đề nào cũng đưa ra thường trực ủy ban xin ý kiến thì chỉ có ngồi họp thôi.
Chủ trương đã thống nhất tất cả mọi thứ và phải giải quyết nhanh, tôi nghĩ tôi đang thực hiện tiếp nối chủ trương đó nên không phải xin ý kiến.
Về giá, nếu có giao đất cũng trên cơ sở giá thị trường. Chúng tôi đã thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Mặt khác, thời điểm năm 2008-2010 khủng hoảng kinh tế xảy ra, bất động sản đang đóng băng, giá đất không như bây giờ.
Khi hội đồng định giá đất đề xuất, tôi thấy giá đó có xem xét đến yếu tố tình hình kinh tế, môi trường đầu tư nên đồng ý.
Ngoài ra, theo quy định phải đợi đến kỳ họp gần nhất để xin ý kiến thường trực HĐND. Nhưng HĐND chỉ họp một năm hai lần, lại không có đủ chuyên gia và thời gian ngồi lại để xét giá từng dự án. Do vậy, dựa theo bảng giá đất hằng năm, các cơ quan chuyên môn tính toán luôn.
Nếu quy trách nhiệm tôi xin nhận.
"Đất vàng" chỗ giữ xe, chỗ bỏ trống
Khu đất 574 Kinh Dương Vương, Q.Bình Tân, TP.HCM bị bỏ hoang nhiều năm nay - ẢNH: QUANG ĐỊNH
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, khu nhà đất số 8-12 Lê Duẩn giá trị hàng ngàn tỉ đồng hiện chỉ được sử dụng làm bãi giữ xe. Và đây không phải là trường hợp duy nhất về lãng phí nguồn lực nhà đất công.
Theo ghi nhận, hiện nay tại TP.HCM có những khu đất lớn do các tổng công ty, công ty nhà nước quản lý nhưng bỏ hoang.
Trong đó có cả những khu đất "vàng" ở vị trí mặt tiền đắc địa để trống suốt một thời gian dài. Có thể điểm danh một số khu đất điển hình như khu đất ở địa chỉ 574 Kinh Dương Vương, phường An Lạc (Q.Bình Tân) rộng hơn 24.000m2 do Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn chủ quản để trống gần 10 năm nay.
Khu đất rộng khoảng 9.000m2 tại địa chỉ 620 Kinh Dương Vương, phường An Lạc do Công ty cổ phần hóa - dược phẩm Mekophar hay khu đất tại số 162 Nguyễn Thị Định, phường An Phú (Q.2) do Công ty Chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn thuộc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV quản lý đều đang bỏ trống chưa khai thác...
Theo báo cáo công tác thanh tra, kiểm tra của Thanh tra TP.HCM năm 2016-2017 về việc quản lý, sử dụng đất công trên địa bàn TP.HCM, trong số 103 mặt bằng thanh tra, kiểm tra có 26 mặt bằng không quản lý, bỏ trống gây lãng phí.
Trong đó các sai phạm trong quản lý nhà đất công chủ yếu liên quan các đơn vị sự nghiệp, tổng công ty, công ty nhà nước được giao, cho thuê đất.
TIẾN LONG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận