GS Nguyễn Văn Huyên (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) đón Hồ Chủ tịch ở Viện Viễn Đông Bác Cổ - Ảnh tư liệu |
Đứng vào hàng ngũ Việt Minh
Trao đổi không nhiều mà chủ yếu nhìn nhau, đoán ý thôi, phương châm đã thống nhất từ thuở ban đầu mà; độc lập suy nghĩ, tự do tư tưởng, không bận tâm đến sự ràng buộc nào.
Cho nên khi được tin mấy anh Hãn, Hiền, Phan Anh nhận lời mời của vua Bảo Đại, cộng tác với chính phủ Trần Trọng Kim thì những anh em còn lại không băn khoăn gì.
Sau đó thấy sự chọn đường đi của ba anh ấy là có lý lẽ, muốn bắc một tấm ván lên chỗ trống làm cầu và tạm thời giữ vai trò gác cầu, không cho kẻ thù dân tộc hoặc kẻ bất lương nào khác “hớt tay trên”, bất lợi cho tiền đồ đất nước, thì chúng tôi yên tâm.
Một tuần trước tổng khởi nghĩa ở thủ đô, cả tôi lẫn báo Thanh Nghị “biến mất”.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, tôi từ chiến khu Tân Trào trở về tới Hà Nội rực cờ hoa trong bộ quần áo nâu, cải trang từ ngày ra đi. Cả nhà sửng sốt, bố tôi vội kể rằng dăm ngày trước đó, TS Nguyễn Văn Huyên đến tìm tôi tại nhà, không biết về việc gì.
Sau này tôi được anh “bật mí” cho mới rõ các anh (5 người: Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Xiển, Nguyễn Mạnh Tường, Hồ Hữu Tường) đã cùng ký tên vào bức điện gửi cho vua Bảo Đại yêu cầu thoái vị.
Đáng lẽ người thứ 5 là Vũ Đình Hòe đấy, không gặp, phải đưa Hồ Hữu Tường, giáo sư toán học, một bạn thân của mình (lời anh Huyên), ghi thêm vào bức điện.
Trong khi đó Hiền, Phan Anh và Hãn cũng đã nhận lời đề nghị của các bạn Việt Minh ở Huế và vận động được đa số trong chính phủ Trần Trọng Kim từ chức và khuyên vua Bảo Đại thoái vị kịp thời!
Tôi hoan nghênh “sự kiện lịch sử” khá đẹp ấy. Nhưng điều trong thâm tâm làm tôi vui hơn là trong thời gian ngắn ngủi, mấy anh em đi “thoát ly” vắng mặt ở thủ đô thì anh Huyên đã tích cực hoạt động, giữ vững lèo lái cho con thuyền Thanh Nghị và Hội Tân Việt Nam đóng góp đáng kể cho phong trào Việt Minh ở thủ đô.
Các nhóm trí thức yêu nước ở Hà Nội - cảm tình Việt Minh, lường trước sắp xảy ra cuộc đổi đời, đại hạnh, ngàn năm có một, đã ra sức công nhiên hoặc kín đáo, giữ chặt lấy các ngành, cơ quan, đơn vị chuyên môn, hành chính sự nghiệp, văn hóa xã hội, cùng các vật liệu, kho tàng. Chủ yếu bằng lực lượng Tổng hội công chức, Tổng hội sinh viên, Tổng hội Hướng đạo, Đạo quân diệt dốt...
Ngụy Như Kon Tum là người đầu tiên trong nhóm Thanh Nghị gặp tôi sáng hôm tôi đến trình diện tại Bắc Bộ phủ. Anh rỉ tai tôi một tin “giật gân”: “Cậu có tên trong danh sách của Thành ủy Việt Minh bí mật trình lên Thượng cấp để bổ sung vào Chính phủ lâm thời.
Vũ Đình Hòe - bộ trưởng Cứu tế xã hội, bên cạnh Nguyễn Văn Tố, bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục. Liệu mà gánh trách nhiệm cứu đói đi!”. Nhưng mấy hôm sau, báo Dân Quốc (báo Tin Mới đổi tên) công bố tin chính thức lại không hẳn như thế, mà có sự hoán vị giữa cụ Tố và tôi. Hơi lạ!
- Có gì mà lạ, càng hay cho cậu (lời Ngụy Như Kon Tum), cậu biết tại sao có sự thay đổi không? Nguyễn Văn Huyên can thiệp đấy.
Dễ hiểu quá còn gì nữa, anh Huyên biết rõ hơn ai hết khả năng, “vốn liếng” của cả hai người.
Các trí thức tham gia kháng chiến, năm 1948. Từ phải sang trái: Đinh Văn Thắng, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Huyên, Đỗ Xuân Hợp, Vũ Văn Cẩn, Nguyễn Trinh Cơ - Ảnh tư liệu |
Tổ chức nền giáo dục mới cho nước nhà
Tôi đến chơi với Nguyễn Văn Huyên tại Học viện Bác Cổ để bàn với anh về khung tổ chức Bộ Quốc gia giáo dục và về mấy việc phải làm ngay.
Giúp bộ quản lý việc học, sẽ đặt ở trung ương bốn nha đứng đầu là bốn tổng giám đốc: các nha đại học vụ Nguyễn Văn Huyên phụ trách, hai nha trung học vụ và tiểu học vụ sẽ giao hai anh Ngụy Như Kon Tum và Nguyễn Hữu Tảo. Còn về bình dân học vụ sẽ bàn thêm với cụ Tố.
Tôi khẩn khoản xin anh Huyên nhận thêm cho vai cố vấn của bộ thì anh cười: “Tôi đâu dám, cố vấn cho bộ phải là một hội đồng: Hội đồng Giáo dục quốc gia. Tôi sẽ tìm các vị cố vấn cho anh, cũng là những người anh biết cả thôi: ngoài mấy vị phụ trách các học vụ sẽ có Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Xiển, Trần Văn Giáp, Hồ Hữu Tường, Phạm Đình Ái, chẳng hạn...”.
- Hoàng Xuân Hãn nữa chứ!
- Hiển nhiên rồi. Nhưng với danh hiệu “cố vấn lâm thời đứng ngoài”. Như xưa La Sơn phu tử làm cố vấn cho vua Quang Trung ấy mà! Tôi biết tính anh Hãn.
Chúng tôi sang phòng bên gặp cụ Tố bàn việc chuyển hết tổ chức, cán bộ, tài sản của Hội Truyền bá quốc ngữ sang cho Bình dân học vụ.
Chúng tôi nhất trí đề ra ba việc lớn đề nghị Chính phủ nên tuyên bố ngay là:
1. Hạn cho trong vòng 1 năm, toàn thể đồng bào phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ;
2. Tất cả các cấp học phải dạy bằng chữ quốc ngữ, kể cả đại học;
3. Chính phủ vạch hướng cho bộ soạn thảo ngay đề án cải cách nền giáo dục hiện hành. “Đề án sẽ do Nguyễn Văn Huyên, tổng thư ký Hội đồng Giáo dục quốc gia, thảo” - tôi nói thêm.
Sắc lệnh ngày 10-10-1945 thiết lập Hội đồng Cố vấn học chính để xúc tiến việc nghiên cứu soạn thảo dự án cải cách giáo dục của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Phải nói ngay rằng ông “thợ cả” giúp đỡ cho hội đồng dựng lên được bản dự án đúng đắn ấy chính là Nguyễn Văn Huyên, với trợ thủ đắc lực là Hồ Hữu Tường, có tham khảo bản “Chương trình trung học Hoàng Xuân Hãn” đã bắt đầu áp dụng từ niên khóa 1945-1946 tại Trung kỳ (và các năm tiếp theo ở miền Nam).
Dự án được Hội đồng Chính phủ xét duyệt, rồi “được thường trực Quốc hội thỏa hiệp”. Căn cứ vào đó, Chính phủ tổ chức nền giáo dục mới của nước nhà, theo sắc lệnh số 146, ban hành ngày 10-8-1946.
Trong tờ trình bản dự án, nêu rõ đường lối cải cách như sau: “Nền giáo dục mới đặt trên ba nguyên tắc cơ bản dân chủ, dân tộc, khoa học và theo tôn chỉ phụng sự lý tưởng quốc gia”.
Tôi chưa làm được gì thêm thì, theo yêu cầu của tình hình chính trị, tôi được Hồ Chủ tịch điều sang Bộ Tư pháp, khi Quốc hội đầu tiên nước ta bầu ra Chính phủ liên hiệp (2-3-1946).
Nguyễn Văn Huyên được cử giữ chức bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục vào phiên họp Quốc hội cuối năm 1946 (tháng 11). Trước đó, từ tháng 3 đến tháng 11, liên tiếp lãnh đạo bộ là hai ông Đặng Thai Mai rồi Ca Văn Thỉnh. Nhưng vì thời gian giữ chức ngắn quá, hai ông bộ trưởng này chưa kịp đưa thêm những chủ trương cụ thể gì vào đường lối giáo dục nói trên.
Và trách nhiệm đôn đốc đương nhiên thực tế rơi lên vai Nguyễn Văn Huyên. Còn tôi thân dẫu đã “lìa ngó ý” mà đầu óc vẫn còn “vương tơ” nên thường qua lại làm việc với anh, lấy tư cách là ủy viên Hội đồng Cố vấn học chính.
Anh Huyên được cử làm một trong số cố vấn cho phái đoàn ta đi họp ở Hội nghị Đà Lạt trù bị thi hành Hiệp định sơ bộ 6-3-1946; khi trở về thì tôi sang sân bay Gia Lâm đón.
Dọc đường trên xe, anh kể lại những buổi anh đấu tranh ráo riết với phái đoàn Pháp để giành cho được phía Việt Nam có toàn quyền quản lý các trường đại học và học viện khoa học, với chuyển ngữ duy nhất ở đại học là tiếng Việt. Tôi nghĩ bụng: Nguyễn Văn Huyên tha thiết với tiếng nói dân tộc như thế đấy!
Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đã lãnh đạo Bộ Giáo dục, dày công và tận tụy xây dựng ngành suốt 30 năm ròng cho đến ngày trút hơi thở cuối cùng (10-1975 ).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận