27/12/2015 19:00 GMT+7

"Ông nào nhà to, ở đâu, tài sản gì dân biết hết"

L.THANH - Q.TRUNG - V.V.THÀNH - H.ĐIỆP ghi (lethanh@tuoitre.com.vn)
L.THANH - Q.TRUNG - V.V.THÀNH - H.ĐIỆP ghi ([email protected])

TT - Việc kê khai, kiểm soát thu nhập và tài sản của cán bộ, trong đó có cán bộ cấp cao, thời gian qua được thực hiện chưa hiệu quả và còn nặng hình thức. Có giải pháp nào cho vấn đề này?

Việc kê khai tài sản hiện nay của cán bộ rất hình thức - Biếm họa: DAD
Việc kê khai tài sản hiện nay của cán bộ rất hình thức - Biếm họa: DAD

Tuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến sau đây nhằm gợi mở những khả năng có thể để việc kê khai này không hình thức mà đạt hiệu quả cao, góp phần tích cực cho công cuộc phòng chống tham nhũng.

* Ông Phạm Trọng Đạt (cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ):

Sẵn sàng tiếp nhận thông tin liên quan cán bộ cấp cao

Vừa qua, khi chúng tôi công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin, phản ánh về công tác phòng chống tham nhũng, có nhiều nhà báo hỏi nếu thông tin liên quan đến cán bộ lãnh đạo cấp cao thì sao?

Chúng tôi khẳng định rằng chúng tôi không ngại gì cả, việc tiếp nhận thông tin, xử lý theo quy định pháp luật đối với các hành vi tiêu cực, trái pháp luật là không có vùng cấm. Chỉ có vấn đề là phải áp dụng quy trình phù hợp theo đúng quy định pháp luật.

Ví dụ có người dân phản ảnh là có quà biếu đến nhà ông cán bộ cấp cao này, ông cán bộ cấp cao kia thì chúng tôi ghi nhận nhưng phải bằng nhiều nguồn khác nữa để đánh giá và xử lý thông tin.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi cũng khẳng định Cục Phòng chống tham nhũng rất cần những thông tin của người dân, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận thông tin trong giờ hành chính cũng như ngoài giờ hành chính, cho dù thông tin đó ở mức độ thế nào, kết quả đến đâu đều rất đáng trân trọng.

Dĩ nhiên khi tiếp nhận thông tin thì không phân biệt người có hành vi tiêu cực, tham nhũng là ai.

* Một cán bộ lâu năm của ngành ngân hàng:

Giao dịch trên 20 triệu đồng phải qua ngân hàng

Chừng nào chúng ta chưa thanh toán qua ngân hàng thì chừng đó chưa thể kiểm soát thu nhập cũng như tài sản của người dân nói chung, các cán bộ, lãnh đạo cấp cao, có chức vụ quyền hạn nói riêng.

Ngoài việc quy định thanh toán bằng chuyển khoản thì cần phải có cơ chế để cơ quan chức năng giám sát việc thực hiện, kê khai có đúng, trung thực hay không. Trường hợp kê khai không đúng, phát hiện sai phạm thì ngoài việc tịch thu tài sản, cán bộ đó sẽ xử lý như thế nào.

Nếu cán bộ kê khai đúng là đang đứng tên hàng nghìn mét đất hoặc sở hữu 3 căn nhà ở nội ô thì ngoài việc cán bộ kê khai, Nhà nước cũng phải có cơ chế kiểm soát nguồn tiền để họ mua những tài sản đó. Chúng ta phải luật hóa việc này chứ không thể chỉ kêu gọi sự tự giác của cán bộ.

Thực tế, với điều kiện kinh tế, văn hóa, thói quen của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay khó có thể quy định tất cả giao dịch đều phải thanh toán qua ngân hàng.

Do đó, trước mắt, luật pháp phải đưa ra quy định tất cả giao dịch từ 20 triệu đồng trở lên phải thanh toán qua ngân hàng. Như ở các nước, nhất là Mỹ và châu Âu, hầu hết mọi thanh toán đều chuyển khoản qua ngân hàng chứ không dùng tiền mặt.

Hơn nữa, việc kiểm soát dòng tiền ở các nước rất chặt chẽ. Đơn cử một cá nhân nào đó có tiền gửi tiết kiệm hay mua cổ phiếu thì cũng phải kê khai và chứng minh là họ có được số tiền này từ đâu. Nếu từ nguồn hợp pháp thì mới được sử dụng.

* TS Bert Spector (giám đốc kỹ thuật, lãnh đạo khu vực về thông lệ phòng chống tham nhũng của Tổ chức Hệ thống quản trị quốc tế - MSI, Mỹ):

Kê khai để dân giám sát các quan chức

Ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, sự minh bạch và trách nhiệm giải trình luôn là yếu tố quan trọng trong công cuộc phòng chống tham nhũng.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm nguồn dữ liệu chống tham nhũng U4, dù kinh nghiệm quốc tế cho thấy kê khai tài sản có thể là một nhân tố quan trọng trong phòng chống tham nhũng, tuy nhiên cũng có một số trở ngại lớn trong việc yêu cầu các cán bộ, công chức kê khai tài sản của mình, trong đó có vấn đề chi phí thực hiện.

Các quy định kê khai tài sản ở mỗi nước khác nhau, tùy thuộc vào lịch sử, luật pháp và hệ thống chính trị của nước đó. Kê khai tài sản cho phép người dân giám sát những công bộc của dân.

Nếu những lần kiểm kê định kỳ cho thấy có sự gia tăng bất thường về tài sản và sự chi tiêu xa hoa, các cán bộ có thể bị yêu cầu phải giải thích cho người dân.

Tuy nhiên, kiểm kê tài sản không thể ngăn chặn triệt để những người quyết tâm tham nhũng, nhận lót tay các hợp đồng dự án công hoặc thụt két ngân sách.

Việc kê khai tài sản chỉ có thể ngăn cản và làm giảm quyết tâm của những người bòn rút tài sản công và khiến họ sợ rằng hành vi sai trái của họ cũng sẽ có ngày bị bại lộ. Việc kê khai tài sản cũng giúp những công chức trung thực tự răn mình. Nếu có luật kiểm kê tài sản và thực thi nghiêm túc thì việc khởi tố và buộc tội các quan chức tham nhũng cũng dễ dàng hơn.

Về kiểm kê tài sản cán bộ công chức, cần phải công bố thông tin về thu nhập từ tất cả các nguồn, tài sản, vị trí của họ trong những công ty có lợi nhuận và phi lợi nhuận, nợ nần và những món quà mà họ đã nhận, số tiền chi tiêu từ các nguồn không chính thức...

Công bố những thông tin này sẽ cung cấp một bức tranh toàn diện về tài sản cá nhân của cán bộ công chức.

* Ông Nguyễn Văn Chung (viện trưởng Viện KSND quận 3, TP.HCM):

Phải dựa vào nhân dân

Lâu nay kê khai tài sản chỉ trông chờ vào sự tự giác của cán bộ, bao nhiêu năm kê khai tài sản rồi nhưng chưa từng có vụ án tham nhũng nào được phát hiện từ việc kê khai tài sản cả. Thực tế việc kê khai này chỉ mang tính hình thức.

Muốn kê khai tài sản thực chất, cần phải dựa vào nhân dân. Chẳng có gì qua mắt nổi nhân dân cả. Ông nào có nhà to, ở đâu, có tài sản gì nhân dân đều biết hết. Nếu coi đây là một kênh giám sát thì việc kê khai tài sản của cán bộ mới thực hiện được.

Nhưng đó mới chỉ là tài sản trong nước đối với những cán bộ cấp dưới thôi, còn cán bộ cấp cao, tài sản lên đến con số nhiều tỉ đồng và thậm chí mở cả tài khoản ở nước ngoài thì không cách gì kê khai được.

Chỉ làm cán bộ nhưng có biệt thự, có xe hơi đắt tiền, có nhiều bất động sản tiền tỉ, thế nhưng nếu hỏi thì toàn là tài sản của cha mẹ để lại, anh em cho, mà cha mẹ anh em trước cách mạng thì là bần cố nông hoặc giai cấp lao động!

Theo tôi, nếu không thay đổi cách kê khai tài sản thì chẳng ai biết số tài sản lớn của đất nước đang nằm trong tay ai. Và buộc phải có cách kiểm soát lượng tiền vào ra của mỗi cá nhân để hạn chế nguồn tiền bất minh, và tiền đó lại cho ra đời những tài sản bất minh.

Ông Lê Như Tiến - Ảnh: V.V.Thành
Ông Lê Như Tiến -
Ảnh: V.V.Thành

* Ông Lê Như Tiến (phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):

Nên công khai thu nhập và tài sản từ cấp bộ trưởng

Muốn chống được tham nhũng phải hội đủ nhiều yếu tố, trong đó hai yếu tố hàng đầu là kiểm soát được thu nhập, tài sản của những người có chức vụ quyền hạn và phải công khai, minh bạch.

Cả hai yếu tố này ở ta hiện nay đều chưa đáp ứng được đòi hỏi của tình hình thực tế. Ví dụ, Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 quy định là “Chính phủ trình Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn”, đến nay sau 10 năm vẫn chưa trình Quốc hội.

Về phạm vi công khai bản kê khai tài sản thu nhập, hiện nay mới dừng lại công khai ở cơ quan đơn vị bằng hai hình thức là niêm yết hoặc công bố tại cuộc họp mà chưa công khai ở nơi cư trú.

Đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ từ bộ trưởng và tương đương trở lên thì chỉ quy định là công khai trước đối tượng ghi phiếu tín nhiệm để lấy phiếu tín nhiệm hằng năm. Như vậy nghĩa là có những giới hạn về công khai.

Chúng tôi đề xuất mấy vấn đề sau:

Một là, diện cán bộ, công chức phải thực hiện việc kê khai tài sản hằng năm hiện nay quá rộng, rộng thì loãng, hằng năm có trên 1 triệu người phải kê khai tài sản, tốn kém nguồn lực rất lớn nhưng hiệu quả hạn chế vì thông thường chỉ phát hiện một vài người không trung thực.

Do vậy để kiểm soát được tính trung thực của các bản kê khai tài sản, nên tập trung vào những cán bộ từ cấp thứ trưởng trở lên và một số đối tượng cán bộ khác hoạt động trong các lĩnh vực nhạy cảm như quản lý tài nguyên, khoáng sản, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý thị trường tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan...

Hai là, đối với những người có chức vụ, quyền hạn thì việc kiểm soát thu nhập, tài sản cần phải được mở rộng sao cho đáp ứng được yêu cầu và tầm quan trọng của công tác phòng chống tham nhũng.

Chúng ta biết rằng ai đó có thể chỉ kê khai một phần tài sản của mình, họ kê khai “tảng băng nổi”, còn “tảng băng chìm” lớn hơn nhiều thì họ chuyển dịch cho bố mẹ, con cháu, người thân...

Một vấn đề quan trọng là chúng ta phải sớm luật hóa tội làm giàu bất chính. Nghĩa là những đối tượng nào không chứng minh, không giải trình được nguồn gốc khối tài sản của mình thì cơ quan chức năng sẽ thu hồi khối tài sản đó, đồng thời xử lý theo quy định pháp luật.

Ba là, có những biện pháp ngăn chặn chuyển dịch tài sản tham nhũng ra nước ngoài. Thời gian qua chúng ta thấy Giang Kim Đạt dễ dàng mua nhà ở Singapore.

Ngày nay cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập, không loại trừ việc tội phạm tham nhũng tính toán chuyển dịch tài sản bất minh ra nước ngoài để che giấu các cơ quan chức năng trong nước cũng như để tiêu xài về sau.

Do vậy, một mặt chúng ta phải nâng cao năng lực của các cơ quan chức năng trong nước, mặt khác phải tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực này.

Bốn là, đã thực hiện kê khai tài sản thì phải dám công khai rộng rãi, không chỉ công khai ở cơ quan, đơn vị mà công khai cả nơi cư trú để cử tri và người dân biết, kiểm tra. Chúng ta phải tin dân và dựa vào người dân để đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Đối với cán bộ cấp cao từ bộ trưởng trở lên, cũng nên chủ động công khai thu nhập và tài sản của mình trên mạng Internet. Đó chính là thực hiện tinh thần gương mẫu của người đứng đầu.

Năm là, sớm bổ sung các biện pháp nghiệp vụ tài chính, ngân hàng và bất động sản liên quan đến kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn. Cụ thể như kiểm soát thông qua tài khoản ngân hàng, sở hữu chứng khoán, sở hữu bất động sản. Tiến tới thiết lập hệ thống đăng ký tài sản tập trung, thống nhất và minh bạch.

V.V.THÀNH ghi

L.THANH - Q.TRUNG - V.V.THÀNH - H.ĐIỆP ghi ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp