Ngót 20 năm ông Mỹ vá đường cho dân đi - Ảnh: Thanh Ba |
Ông là Phạm Thế Mỹ, 65 tuổi, ngụ thôn Cẩm Sa, xã Điện Nam Bắc, Điện Bàn, Quảng Nam.
20 năm “vá” đường cho dân
Nhận xét về việc làm ý nghĩa của ông Mỹ, ông Trần Văn Dũng - trưởng thôn Cẩm Sa - nói: “Những hành động đem lại lợi ích cho cộng đồng của chú Mỹ khiến người dân trong vùng rất cảm kích. Chú luôn sẵn sàng giúp đỡ những hộ có hoàn cảnh khó khăn, tổ vần công do chú quản lý thật sự đã thúc đẩy thay đổi bộ mặt kinh tế ở địa phương một thời nghèo khó này”. |
Những con đường đất phẳng lì, tăm tắp trải dài từ xóm làng ra đến tận cánh đồng lúa của làng Cẩm Sa, Phong Hồ luôn được vá kịp thời mỗi khi hư hại. Hàng chục tuyến đường đất dân sinh như vậy đều do một tay ông Mỹ bỏ công sức, không ngại gian khổ tu bổ. Công việc mà nhiều người bảo chẳng khác nào “vác tù và hàng tổng” đã gắn bó với ông ngót 20 năm dài đằng đẵng. “Những năm 1990 những con đường đất cát, đất bồi ở đây nham nhở, mùa nắng bụi bay mù mịt, mùa mưa lầy lội. Mỗi đợt lũ tràn về lại cuốn phăng đường đất, bà con đi lại rất vất vả. Nghĩ đến cảnh thống khổ ấy, tôi nảy ra ý định sẽ dành thời gian mỗi ngày vài giờ để vận chuyển đất, đá tu sửa cho những đoạn đường nào bị hư hại” - ông Mỹ kể.
Vậy là từ đó đến nay, ngày mới của ông Mỹ bắt đầu lúc 4g sáng. Khi ánh mặt trời còn chưa ló dạng, ông đã thức giấc chuẩn bị xẻng, bao đựng cát, sau đó chất lên chiếc xe cải tiến do chính ông tự chế ra thẳng bãi đất bồi. Xúc đầy các bao tời cát, ông chở đến những điểm đường xuất hiện lởm chởm ổ gà hay mặt đường đọng nước sau cơn mưa để đắp lại.
Đưa bàn tay quệt vội những giọt mồ hôi lăn dài trên đôi gò má sạm đen khi đang lụi hụi vần những khối đá kè hai bên đường, ông Mỹ chia sẻ: “Trước khi thi công một điểm đường nào đó thì hôm trước mình phải chạy xe thăm dò để nắm bắt xem mức độ hư hại mà chuẩn bị số lượng cát. Tôi thức dậy sớm bởi công việc phải hoàn thành trước khi bà con thức dậy ra đồng, người điều khiển phương tiện giao thông đi ra ngoài”. Trung bình mỗi buổi sáng ông Mỹ dành ra bốn giờ để vá đường, thời gian trong ngày ông hành nghề sửa xe đạp và đến chiều tối lại tranh thủ “điều trị” cho những đoạn đường “bệnh” nhẹ.
Trong suốt những tháng ngày dài không ngại gian khổ, bất chấp nắng mưa vá đường cho dân đi, điều khiến ông Mỹ mãn nguyện nhất là đã thực hiện được ước mong mở một con đường thuận lợi cho bà con đi viếng mộ ở nghĩa trang xã Điện Nam Bắc. Tuyến đường có chiều dài 2km này là cả tâm huyết mà ông dày công gánh từng xô đất, có hôm thức trắng đêm để thi công. “Ba năm trời ròng rã tôi mới hoàn thành công trình trên bởi muốn mở một con đường không hề dễ. Nào là thuyết phục bà con mỗi hộ nhường một ít đất để mở đường và chặt phá bụi rậm, dọn dẹp lớp đất đá, rồi kéo đất tráng mặt đường. Nhìn cảnh mọi người viếng mộ không phải chạy xe đi đường vòng nữa mà đi ngay trên chính con đường mình mở, thấy ưng bụng lắm” - ông Mỹ cười hiền.
Thong dong đạp xe trên con đường đất ra đồng, bà Lê Thị Hà - người dân thôn Cẩm Sa - hồ hởi nói: “Nhờ việc làm nghĩa hiệp của bác Mỹ mà bà con tụi tui có những con đường đất đi êm ru. Thậm chí đến đường ra đồng cũng bóng loáng, không vấp váp. Vào vụ thu hoạch, nông sản vận chuyển về nhà cũng dễ dàng hơn, chứ ngày xưa không có đường phải gánh bộ băng qua các con mương”.
Đóng máy bơm cho nông dân
Hai năm nay, hàng trăm hộ nông dân trồng lúa ở hai thôn Cẩm Sa và Phong Hồ hết sức phấn khởi vì giữa đồng lúa đã có hệ thống bơm nước phục vụ cho việc rửa ráy tay chân, pha thuốc trừ sâu. Không ai khác, chính ông Mỹ là người trực tiếp kéo đường dây tải điện, khoan giếng và lắp đặt máy bơm. “Chứng kiến cảnh nông dân quê mình phải cuốc bộ hàng cây số đến các ao để lấy nước pha thuốc trừ sâu rất mất thời gian, tôi đã quyết định dùng số tiền mình dành dụm dưỡng già để mua năm máy bơm cung cấp nước cho bốn cánh đồng. Có máy bơm, bà con không phải thiếu nước rửa tay chân sau mỗi lần phun thuốc, bón phân nữa. Những chất hóa học độc hại khi được tẩy rửa kịp thời sẽ không bám và làm hư hại da. Chứ như lúc trước, bà con hay chủ quan đợi về đến nhà mới cọ rửa sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe” - ông Mỹ cho biết.
Đều đặn mỗi tuần một lần, ông Mỹ rảo qua các trạm đóng máy bơm kiểm tra, bảo dưỡng và hướng dẫn nông dân sử dụng máy nước đúng mục đích, tránh tình trạng lãng phí. Bộ phận nào của máy hư hỏng, không vận hành được nữa ông lại dùng những đồng tiền ít ỏi từ công việc vá xe để sửa chữa cho máy hoạt động trơn tru.
Mời bạn dự thi “Hạt giống tâm hồn Việt” Quanh ta luôn có những con người sống nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ mọi người, sống vì cộng đồng với tinh thần trong sáng, lạc quan. Họ là những hạt giống gieo cảm hứng sống đẹp, sống tốt cho mọi người. Tuổi Trẻ mời bạn đọc viết bài hoặc quay clip giới thiệu những “hạt giống tâm hồn” quanh bạn và gửi về địa chỉ báo Tuổi Trẻ 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ “Dự thi Hạt giống tâm hồn Việt”) hoặc địa chỉ mail [email protected], hoặc đăng nhập trực tiếp vào microsite cuộc thi để gửi bài. Hạn chót là ngày 31-8-2014. Bài viết 1.000 chữ giới thiệu một nhân vật là người thật việc thật kèm hình ảnh, thông tin nhân vật gồm họ tên, địa chỉ, số điện thoại để Tuổi Trẻ xác minh. Với mỗi bài viết được chọn đăng hằng tuần trên báo Tuổi Trẻ, tác giả nhận 2 triệu đồng nhuận bút, bộ sản phẩm Bibica và 200 quyển sách Hạt giống tâm hồn của First News. Với cuộc thi clip, bạn đọc quay lại những khoảnh khắc xúc động truyền cảm hứng sống đẹp, sống tốt của người thật, việc thật, độ dài 3-5 phút. Những clip hay, xúc động sẽ được chọn đăng trên microsite cuộc thi. Ở cả hai hạng mục bài viết và clip, những tác phẩm truyền cảm nhất sẽ được chọn trao giải nhất, nhì, ba chung cuộc gồm giải thưởng cho cả tác giả và nhân vật được giới thiệu. Thông tin cơ cấu giải thưởng, bạn đọc tham khảo . Ngoài ra, những nhân vật có câu chuyện xúc động sẽ được chọn làm người thụ hưởng trong game show Vì bạn xứng đáng của VTV. Cuộc thi do báo Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty Bibica và First News tài trợ. HẢI THI |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận