Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg - Ảnh: Reuters
NATO đang trải qua giai đoạn nhiều biến động, liên quan tới chính sách với các thành viên như Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Phản ứng của tổ chức quân sự này đối với diễn biến mới, đơn cử là việc chấm dứt Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), là vấn đề sống còn.
Nhiều câu hỏi mở
Hôm giữa tuần, ông Macron đã có cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, nơi tổng thống Pháp nhất quyết không xin lỗi vì đã nói Tổ chức NATO "chết não". Ngược lại, ông Macron cho rằng đây là một lời cảnh tỉnh đối với khối quân sự này trước một cuộc họp thượng đỉnh tại London (Anh) tuần sau.
NATO hiện tại đối mặt với hàng loạt vấn đề. Thứ nhất là câu chuyện chia sẻ ngân sách và tái cấu trúc hoạt động sau những căng thẳng về chi phí duy trì khối với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thứ hai, NATO cần chọn cách phản ứng đối với các vấn đề an ninh như tình hình Trung Đông và việc Mỹ - Nga chấm dứt INF.
INF là hiệp ước về việc loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn do Liên Xô và Mỹ ký năm 1987, và việc INF tan tành bị giới quan sát xem như chuyện số phận các nước châu Âu trong NATO sẽ dễ dàng "rơi vào tầm bắn" của Nga.
Ông Macron khác biệt với các đồng sự của mình trong việc chọn vấn đề ưu tiên giải quyết. Vì theo tổng thống Pháp, điều cần làm trước hết là nhất trí xung quanh chủ trương của NATO, từ đó mới biết đường tính toán ngân sách.
"Những câu tôi đã hỏi đều là câu hỏi mở mà chúng ta chưa đáp được. Hòa bình ở châu Âu, tình thế hậu INF, mối quan hệ với Nga, vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ - ai là kẻ thù? Vì vậy tôi nói: trừ phi những câu hỏi này có lời đáp, ta đừng bàn về san sẻ gánh nặng chi phí hay cái này cái kia" - ông Macron nói tại cuộc họp báo với ông Stoltenberg ngày 28-11.
Nhận diện kẻ thù
Ông Macron thẳng thắn cho rằng hiện nay kẻ thù lớn nhất của NATO là khủng bố, chứ không phải Nga hay Trung Quốc. Vị tổng thống này không hài lòng với chuyện NATO đang dành những cuộc họp để bàn cách giảm gánh nặng tài chính cho Mỹ, trong khi xao nhãng các vấn đề chính NATO đang đối mặt.
Theo báo Guardian (Anh), Ba Lan và các nước vùng Baltic đang đặc biệt nổi giận với ông Macron, tố tổng thống Pháp đang mang lập trường ủng hộ Nga và chống Mỹ. Mới đây, ông Macron cũng phải bác bỏ thông tin nói rằng mình đã tán thành đề xuất của Nga thời hậu INF.
Tuy nhiên, tổng thống trẻ của nước Pháp cũng cho rằng đang "cân nhắc" điều đó, vì đây chính là vấn đề an ninh cho châu Âu. Và trong bất kỳ đàm phán nào liên quan tới an ninh châu Âu cũng phải có sự tham gia của châu Âu.
"INF bị Mỹ rút, nhưng tôi nhắc các anh rằng an ninh của chúng ta mới quan trọng. Đó là vấn đề giữa các đồng minh châu Âu. Nó cho thấy châu Âu phải được tham gia vào hiệp ước tương lai. Chúng ta không thể đẩy vấn đề an ninh của mình cho một hiệp định song phương (Nga và Mỹ - NV) mà không có châu Âu trong đó" - ông Macron nói.
Lập luận của tổng thống Pháp nghe hợp lý nhưng lại là nỗi sợ của những người ủng hộ NATO, vì nó gợi lại một ý tưởng rằng châu Âu nên có quân đội riêng. Bản thân Tổng thư ký NATO Stoltenberg cũng từng cảnh báo ông Macron rằng đừng kỳ vọng một mô hình quốc phòng riêng của châu Âu có thể thay thế cấu trúc liên lục địa của NATO.
Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện ý tưởng về việc châu Âu, cụ thể là Liên minh châu Âu (EU), có quân đội riêng ngoài NATO. Và cũng không phải lần đầu tiên cụm từ "cái chết của NATO" bị nhắc tới. Mọi thứ đang trở nên cấp thiết hơn sau khi Mỹ và Nga rút khỏi INF. Trong mắt những người đấu tranh vì EU, không ai muốn bản thân EU bị một đồng minh NATO khác "bỏ rơi".
Đức đóng phí ngang bằng Mỹ
Liên quan tới vấn đề ngân sách hoạt động của NATO, báo Deutsche Welle cho biết từ năm 2021, Đức sẽ tăng mức ngân sách đóng góp cho NATO lên ngang với số tiền Mỹ chi cho tổ chức quân sự này. Các quan chức NATO hi vọng đây sẽ là cách giảm căng thẳng xung quanh vấn đề tiền nong.
Theo đó, Đức sẽ tăng ngân sách đóng góp lên 36 triệu USD. Điều này giúp tỉ lệ góp tiền của Đức tăng từ 14,8% lên 16,35%, đẩy tỉ lệ đóng góp của Mỹ từ 22,1% xuống đúng mốc 16,35%. Ngân sách NATO được dùng cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như hỗ trợ tài chính cho trụ sở của khối này ở Brussels (Bỉ) và nhiều khoản chi khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận