28/03/2015 10:50 GMT+7

​Ông Lý và những câu hỏi khó

BÁ SƠN - HỒNG QUÝ
BÁ SƠN - HỒNG QUÝ

TT - Điều nhớ nhất mà những người từng tham gia xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam - Sinapore (VSIP) từ ngày đầu, có cơ hội được gặp ông Lý Quang Diệu là ông liên tục đưa ra câu hỏi.

Ông Lý Quang Diệu trong lần đến thăm lại VSIP năm 2009 - Ảnh tư liệu VSIP

Những câu hỏi của ông Lý Quang Diệu vừa dồn dập vừa hóc búa nhưng lại có ý nghĩa gợi mở rất cao, cho thấy sự quan tâm và tầm nhìn xa của nhà lãnh đạo này.

Khu công nghiệp kiểu mẫu

Gặp chúng tôi tại nhà riêng, ông Hồ Minh Phương (Út Phương) - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết vẫn còn nhớ như in từng lần tiếp ông Lý Quang Diệu.

“Mỗi lần ghé thăm chỉ kéo dài khoảng 45 phút đến 1 giờ nhưng ông ấy hỏi rất nhiều. Chúng tôi phải chuẩn bị rất kỹ trước những câu hỏi của ông Lý Quang Diệu. Có những câu ông ấy hỏi mà chúng tôi muốn... đứng tim” - ông Phương kể.

Theo ông Út Phương, từ những năm 1994-1995 Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc ấy và ông Lý Quang Diệu đã có ý tưởng xây dựng VSIP đầu tiên đặt tại Bình Dương, với mục tiêu trở thành khu công nghiệp mẫu mực trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Lúc đầu VSIP dự kiến được đặt tại thị xã Dĩ An, Bình Dương, là vị trí tiếp giáp gần TP.HCM hơn.

Tuy nhiên khi đó lãnh đạo tỉnh Bình Dương nhận thấy khu vực thị xã Thuận An có ưu thế hơn để đặt khu công nghiệp này nên đã kiến nghị cho chuyển vị trí. Việc thuyết phục các lãnh đạo không hề đơn giản.

Khi đó ông Út Phương là chủ tịch UBND tỉnh Sông Bé và ông Sáu Phong (nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, khi đó là bí thư Tỉnh ủy Sông Bé) đã cùng ký một văn bản để giải thích và kiến nghị với Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Sau đó, việc xây dựng khu VSIP đầu tiên được chấp thuận triển khai tại Thuận An.

Còn về phía ông Lý Quang Diệu, ông Út Phương kể trước khi xây dựng khu VSIP vào năm 1995, ông Lý Quang Diệu đã tới tận nơi khảo sát địa điểm xây dựng tại Thuận An.

Khi khu văn phòng của VSIP vẫn chưa được xây xong, vào năm 1997 ông Lý Quang Diệu tiếp tục tới thăm và xuống tận công trường để khảo sát.

Trong những lần tới thăm này, ông Lý Quang Diệu đã đưa ra nhiều câu hỏi rất cụ thể mà đã trở thành định hướng cho việc phát triển khu công nghiệp.

Ông Út Phương kể điều quan tâm hàng đầu của ông Lý Quang Diệu không phải tài nguyên, khoáng sản mà là con người, đào tạo nhân lực và phát triển hạ tầng.

“Nhiều lần tiếp xúc với ông ấy, tôi thấy đó là điều luôn được ông ưu tiên. Vậy nên khi làm việc với ông Lý, chúng tôi đều phải chuẩn bị sẵn báo cáo và phải có dẫn chứng bằng số liệu ông  ấy mới yên tâm” - ông Phương nhớ lại.

“Làm khu công nghiệp này các anh lấy điện từ đâu?”, “Các anh có bao nhiêu trường đại học? Bao nhiêu sinh viên? Bao nhiêu trường nghề?”, “Mỗi ngày các anh có bao nhiêu chuyến tàu chở hàng đi sang Mỹ?”... Đó là những câu hỏi rất ngắn gọn của ông Lý Quang Diệu.

Nhưng khi nhìn lại, mọi người mới thấy đó chính là những câu hỏi thể hiện tầm nhìn quy hoạch rất xa của ông.

“Trả lời mỗi câu hỏi của ông Lý Quang Diệu tức là tháo gỡ một nút thắt cho việc phát triển, và câu trả lời phải được thực hiện bằng hành động” - ông Nguyễn Văn Hùng (tổng giám đốc Tổng công ty Becamex, đồng chủ tịch HĐQT Công ty liên danh VSIP) chia sẻ.

Theo ông Hùng, ông Lý Quang Diệu là một người rất quan tâm đối với sự phát triển của VSIP. “Trong những lần tới thăm Bình Dương ông Lý Quang Diệu luôn đưa ra nhiều câu hỏi gợi mở cho chúng tôi” - ông Hùng kể.

Chính vì trả lời những câu hỏi của ông Lý Quang Diệu và cũng là trả lời những đòi hỏi trong thực tiễn phát triển khu công nghiệp mà Bình Dương đã có rất nhiều... “tiền lệ” so với cả nước.

Đó là việc xây dựng một nhà máy biến áp riêng, công suất lớn để phục vụ riêng VSIP 1; việc thành lập ban quản lý khu công nghiệp riêng đầu tiên trong cả nước để giảm bớt thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư; hoặc đó là việc đầu tư quốc lộ 13 để phục vụ lưu thông hàng hóa cho khu VSIP 1 theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đầu tiên trong cả nước...

Những tiền lệ ấy ngày nay có thể đã trở nên quen thuộc, nhưng ở thời điểm 20 năm trước thì đó là cả một sự đột phá rất lớn về cả tư duy và thủ tục hành chính ở nước ta.

Truyền cảm hứng

Sau thành công của VSIP 1 tại Bình Dương, ông Út Phương cho biết đã có rất nhiều đoàn từ các địa phương tới tham quan học hỏi kinh nghiệm để phát triển khu công nghiệp tại tỉnh mình.

“Bình Dương trước khi có VSIP chỉ là một tỉnh nông nghiệp nghèo mới tách ra từ Sông Bé chứ chưa phải tỉnh công nghiệp. Sau khi có VSIP và tác động lan tỏa của nó, Bình Dương đã là một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước” - một lãnh đạo VSIP từng tham gia dự án từ những ngày đầu nhận xét.

Ngoài Bình Dương, các khu công nghiệp VSIP cũng tiếp tục được xây dựng lần lượt tại Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi và dự kiến sắp tới là ở Nghệ An, Phú Quốc...

“Ông Lý Quang Diệu không chỉ quan tâm tới những thứ trước mắt. Ngay từ khi xây dựng sơ khai ông đã đặt ra những câu hỏi mang tính gợi mở, định hướng rất cao, chẳng hạn khu này thành công rồi làm gì tiếp, sau đó sẽ là gì nữa...

Từ tư duy gợi mở đó, cả hai phía trong liên doanh đều hiểu và chia sẻ ý tưởng của ông, rằng sẽ làm kỹ cho thành công và rồi sẽ nhân rộng mô hình này ra ở các nơi khác nữa” - một lãnh đạo VSIP nói.

Vai trò của mô hình kiểu mẫu Singapore xuất phát từ Bình Dương có tác động rất lớn đối với các tỉnh sau này.

“Chẳng hạn ở Bắc Ninh, tại xã mà VSIP đặt khu công nghiệp, các cụ cho biết gần trăm năm nay không thay đổi gì, nhưng chỉ năm năm sau khi có VSIP đã có vô vàn thay đổi theo hướng tích cực với đời sống người dân địa phương”.

Theo vị lãnh đạo của VSIP, một tỉnh khác như Hải Phòng trước đây không có mấy nhà đầu tư công nghệ cao thì sau khi VSIP tới đã xuất hiện ngày càng nhiều. Thậm chí rất nhiều công ty làm về nghiên cứu và phát triển (R&D) đã chọn nơi này để đặt nhà máy.

Tại Quảng Ngãi, khu VSIP nhanh chóng được lấp đầy với những nhà máy công nghệ cao đang làm thay đổi rõ nét diện mạo của địa phương...

Còn theo ông Nguyễn Văn Hùng, chính quá trình trao đổi, hợp tác với Singapore và những gợi mở từ ông Lý Quang Diệu đã tạo động lực để đối tác phía Việt Nam thay đổi.

Những thay đổi không chỉ diễn ra từ phía các doanh nghiệp mà ngay cả bộ máy hành chính cũng đã chuyển động theo để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Từ quá trình hợp tác làm VSIP, chúng ta đã học hỏi được rất nhiều trong việc quan tâm tới quy hoạch, phát triển hạ tầng, đào tạo con người và cải cách hành chính.

Ông Hùng nhớ lại trước đây để lo mỗi một loại giấy tờ thì nhà đầu tư đều phải ra tận Hà Nội mất rất nhiều công sức.

Sau khi VSIP 1 được thành lập và Chính phủ cho thí điểm thành lập ban quản lý khu công nghiệp riêng, phân cấp để giải quyết các thủ tục hành chính theo hướng hành chính một cửa thì đã gợi mở “lối ra” cho các tỉnh thành khác trong cả nước.

Sau Bình Dương, mô hình thành lập ban quản lý khu công nghiệp riêng cũng đã được áp dụng tại nhiều tỉnh, thành khác và trở nên phổ biến hiện nay.

Ông Út Phương cho biết cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng nhiều lần tới Bình Dương, theo sát từng bước đi của dự án VSIP để đưa dự án vào thực thi nhanh và hiệu quả.

Theo ông Phương, “có vỗ hai tay mới thành tiếng”, chính sự nỗ lực của cả hai phía, sự quan tâm của lãnh đạo cả hai nước Việt Nam - Singapore mới mang lại những thành công của VSIP như hiện nay.

Từ một vùng đất hoang hóa cỏ mọc um tùm, tới nay VSIP 1 rộng tới 500ha đã được cho thuê 100%, có 240 dự án đang hoạt động với tổng vốn đầu tư 2,7 tỉ USD, là một trong những khu công nghiệp sạch, đẹp và hoạt động hiệu quả nhất cả nước.

________

Kỳ tới: “Chúng tôi đã lắng nghe...”

BÁ SƠN - HỒNG QUÝ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp