Ông Lý Quang Diệu trong một lần làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Ảnh tư liệu |
Đường đến Hà Nội
Trong hồi ký của mình, ông Lý Quang Diệu kể lại một kỷ niệm khó quên về sự cởi mở và tầm nhìn của thủ tướng Chính phủ VN. Đó là năm 1991, lần đầu ông Võ Văn Kiệt viếng thăm Singapore trên vai trò lãnh đạo Chính phủ, và cũng là lần thứ hai ông gặp Lý Quang Diệu sau hội nghị Davos, Thụy Sĩ.
Những cán bộ cùng đi trong đoàn kể rằng không khí buổi gặp gỡ ở Singapore thân tình hơn hẳn buổi gặp gỡ ngắn ngủi ở Davos.
“Mặc dù khi đó tôi không còn là thủ tướng nhưng chúng tôi vẫn gặp nhau trong buổi quốc tiệc do người kế nhiệm tôi là Goh Chok Tong chủ trì. Bữa tiệc vừa bắt đầu, ông Kiệt đứng lên và đi lại chỗ tôi, ôm quàng lên hai khuỷu tay tôi và hỏi liệu có thể giúp Việt Nam không? Tôi hỏi bằng cách nào? Bằng cách trở thành cố vấn kinh tế của họ. Tôi lặng người đi”.
Những câu hỏi nặng nề ý thức hệ lịch sử không còn đặt ra nhiều, thay vào đó là những lời bàn chân tình làm sao để hai quốc gia gần lại với nhau hơn.
Ông Lý Quang Diệu khiêm tốn cho rằng mình có kinh nghiệm quản lý một quốc đảo đô thị chưa bằng TP.HCM cả về dân số lẫn diện tích, chứ không phải một đất nước rộng lớn ngổn ngang vấn đề nan giải thời hậu chiến.
Tuy nhiên, Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn tiếp tục gửi lời mời trọng thị. Và ông Diệu đã đáp lễ, chính thức sang thăm VN lần đầu tiên vào cuối xuân tháng 4-1992. Lúc này tuy ông không còn là thủ tướng, nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng nhất trong hậu đài chính trị Singapore.
Con trai ông, Lý Hiển Long, làm phó thủ tướng trong chính phủ Goh Chok Tong. Con đường phát triển quốc gia vẫn không có gì thay đổi lớn so với thời kỳ Lý Quang Diệu chính thức lãnh đạo.
Là người quan tâm mô hình Singapore và từng thí điểm áp dụng thành công từng phần như xây dựng đội tàu viễn dương cùng với hiện đại hóa cảng Hải Phòng, nguyên phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đoàn Duy Thành kể rằng: “Ông Lý Quang Diệu đến thăm VN là một sự kiện rất đặc biệt lúc bấy giờ. Người dân Sài Gòn - TP.HCM không lạ gì Singapore, nhưng với người miền Bắc thì đấy vẫn là một quốc đảo lạ lẫm, nhiều khác biệt. Ông Diệu đã đem đến VN rất nhiều suy nghĩ mới mẻ. Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính là người hiểu rất rõ những giá trị này”.
Trong hồi ký của mình, ông Lý Quang Diệu cũng ghi lại rằng: “Tôi đồng ý đến thăm VN nhưng không phải với tư cách cố vấn mà muốn cùng thảo luận với họ, tập trung trí tuệ để tìm ra hướng chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường”.
Nhiều năm nhắc nhớ lại chuyện này, nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết vẫn không quên đó là buổi làm việc thẳng thắn rất dài giữa Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cựu lãnh đạo Singapore.
Nhiều bộ trưởng và cán bộ cấp cao VN cũng tham dự để đặt ra những câu hỏi trao đổi cụ thể. Đây là thời kỳ đầu đổi mới. Ông Kiệt muốn các cán bộ Chính phủ lắng nghe, tiếp nhận hoặc phản biện thật cởi mở.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Singapore năm 1978 - Ảnh tư liệu |
Chống tham nhũng và chính quyền vững mạnh
Không rào đón nhiều ngôn ngữ ngoại giao, ông Lý Quang Diệu phát biểu rất cụ thể. Ông đi thẳng vào những kinh nghiệm của chính quốc gia nhỏ bé về địa lý nhưng không hề nhỏ bé về kinh tế của mình, và góp ý cụ thể cho VN.
Hàng loạt vấn đề được trao đổi xoay quanh các nội dung trọng tâm như xây dựng chính quyền vững mạnh, trong sạch, nói không với tham nhũng; trọng dụng người tài; phát huy sức dân, làm những việc cụ thể có lợi cho dân.
Đặc biệt ông cũng tập trung nói nhiều về vấn đề phát triển kinh tế thị trường, mở rộng quyền cho khu vực kinh tế tư nhân. Ngoài Singapore, ông Diệu cũng liên hệ đến hai mô hình phát triển khá ngoạn mục là Đài Loan và Hàn Quốc.
Hai quốc gia phải giải quyết nhiều vấn đề hậu chiến, có xuất phát điểm từ nền kinh tế nông nghiệp và mang sắc thái văn hóa gần gũi mà VN có thể tham khảo, nghiên cứu...
Ông Lê Văn Triết nhớ lại bên cạnh sự đồng cảm cũng có những người VN chưa thể xóa được tảng băng trong lòng trước những góp ý thẳng thắn của ông Lý Quang Diệu.
Nó là hệ quả từ thời Singapore gắn với Mỹ trong cuộc chiến VN và câu chuyện nóng hổi thời sự Mỹ còn cấm vận VN khi ấy. Tuy nhiên cũng có những đánh giá chính xác tiềm năng hợp tác giữa Singapore và VN.
Chính ông Triết trong buổi gặp gỡ với Phó thủ tướng Lý Hiển Long, con trai ông Diệu, đã nhận xét con đường hàng hải từ Singapore đến TP.HCM còn thuận lợi hơn cả đường biển từ TP.HCM ra Hà Nội. Hai quốc gia đã có truyền thống giao thương và điều kiện để tiếp tục hợp tác.
Quá khứ gác lại, hãy nghĩ đến tương lai phát triển cho cả hai quốc gia. Cả Thủ tướng Võ Văn Kiệt và ông Lý Quang Diệu đều nhấn mạnh điều này. Không ít lần cựu thủ tướng Singapore khẳng định mình là con người thực tế chứ không nặng về lý thuyết và quá khứ.
Trả lời phỏng vấn của giáo sư người Mỹ Tom Plate, ông Lý Quang Diệu chẳng né tránh: “Anh có thể gọi tôi là kẻ thực dụng hay là gì cũng được. Tôi chỉ quan tâm đến những gì hiệu quả trong thực tế”.
Ông Đoàn Duy Thành tâm sự mình rất ấn tượng nhân vật đặc biệt này và luôn quan tâm sát sao đến nội dung góp ý của ông với đất nước.
Ông nhớ mãi chuyện ông Lý Quang Diệu kể đã “xử lý” Teh Cheang Wan, người từng đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng phát triển quốc gia. Năm 1986, Wan bị điều tra tội tham nhũng 1 triệu đôla. Quá trình điều tra, Wan đã cố gắng hoàn tiền và dàn xếp để được miễn trừ nhưng bất thành.
Ông Diệu còn kể rằng Wan xin gặp ông để trình bày nhưng ông đã lắc đầu và nói rằng hãy để cho cơ quan điều tra kết thúc. Một tuần sau Wan qua đời, để lại bức thư: “Thủ tướng, tôi cảm thấy rất buồn và chán nản trong hai tuần qua. Tôi cảm thấy có trách nhiệm khi để xảy ra sự việc đáng tiếc này và tôi cần phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Là người có phẩm giá, tôi cảm thấy cần phải trả giá cao nhất cho sai lầm của tôi. Chân thành, Teh Cheang Wan”.
Ông Thành kể khi bàn chuyện xây dựng chính quyền vững mạnh, ông Lý Quang Diệu luôn nhấn mạnh đến việc chống tham nhũng, không một phút được lơ là với tham nhũng và nhắc trường hợp Teh Cheang Wan như bài học xương máu.
Tuy nhiên, ông Diệu cũng khẳng định trong các giải pháp chống tham nhũng thì việc đãi ngộ xứng đáng công chức rất quan trọng, đừng để họ phải nặng lo cuộc sống, kể cả khi đã về hưu.
Vấn đề này gắn liền với chương trình giáo dục và trọng dụng nhân tài thành công ở Singapore, mà ông Diệu đã góp ý VN nên quan tâm trên con đường đổi mới của mình.
Ngoài thời gian làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Diệu còn làm việc với các ông Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh... và đi thăm một số tỉnh thành VN.
Sau lần viếng thăm năm 1992, ông Lý Quang Diệu còn nhiều lần trở lại VN liên tiếp các năm 1993, 1995, 1997 để tiếp tục thảo luận về con đường phát triển kinh tế của VN và sự hợp tác giữa hai quốc gia. Có lần tự ông đã tìm hiểu tường tận cả những mắc mứu của doanh nghiệp Singapore ở VN và đề nghị được giải quyết thuận lợi...
Nhiều lãnh đạo cấp cao của VN như các ông Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng, Trần Đức Lương, Nông Đức Mạnh cũng lần lượt sang thăm Singapore.
“Có lắng nghe ông Diệu mới hiểu đây là con người mạnh mẽ đến mức quyết liệt nhưng cũng rất tinh tế. Có lần ông ấy kể rằng chỉ riêng chuyện thay đổi thói quen nhổ bậy nước bọt của một bộ phận người dân đảo quốc mà chính phủ đã phải mất hơn ba năm” - đến giờ ông Thành vẫn nhớ những kỷ niệm thú vị về ông Lý Quang Diệu.
___________
Kỳ tới: Đến Sông Bé, mở VSIP
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận