Singapore sẽ như thế nào khi nhà lãnh đạo sáng lập đất nước qua đời? - Ảnh: AFP |
Sau hơn 30 năm điều hành đất nước ở cương vị thủ tướng, ông Lý Quang Diệu kiến tạo nên một đất nước Singapore tiêu biểu cho sự bứt phá tự lực, trở thành một trong những quốc gia giàu nhất, ổn định và an toàn nhất thế giới.
Người dân Singapore hiện đang được hưởng thụ mức sống ngang tầm với người dân Nhật Bản và các nước tiên tiến ở châu Âu, Bắc Mỹ.
Trong những năm qua, nhằm chuẩn bị cho sự ra đi không tránh khỏi theo quy luật "sinh lão bệnh tử" của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu, Singapore đã lặng lẽ có những bước chuẩn bị cho lộ trình phát triển đất nước ở một giai đoạn không còn ông Lý Quang Diệu.
Ông Lý Quang Diệu phát biểu tại quảng trường Fullerton ở Singapore năm 1976 - Ảnh: AFP |
4 năm thử nghiệm
Kể từ năm 2011 khi ông Lý Quang Diệu rời cương vị cố vấn chính phủ, bốn năm qua là bốn năm đầu tiên đảo quốc Singapore vận hành mà không có ông Lý trong nội các.
Theo báo Wall Street Journal, ông Lý Quang Diệu rời bỏ nội các đúng một tuần sau khi Đảng Hành động nhân dân (PAP) của ông chỉ nhận được 60,14% tổng số phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử. Đây là tỉ lệ thấp nhất kể từ khi đảo quốc giành được độc lập.
Theo nhiều quan chức chính phủ và giới quan sát, tỉ lệ đó phản ánh phần nào phản ứng của công luận trước những căng thẳng kinh tế - xã hội dấy lên trong những năm qua tại Singapore.
Cũng kể từ đó chiến lược ưu tiên phát triển kinh tế của Singapore có những điều chỉnh. Trong các năm qua, người dân có nhiều cơ hội nói lên những bức xúc liên quan tới các vấn đề như giá nhà cửa lẫn chi phí đi lại tăng cao, tình trạng nhập cư ồ ạt của lao động nước ngoài và nới rộng khoảng cách thu nhập trong xã hội.
Đảng PAP cam kết sẽ tiết chế các mục tiêu phát triển đất nước đặt ra và dành tâm huyết nhiều hơn cho các giải pháp tích cực trong việc chia sẻ thành quả gặt hái được của nhà nước với các tầng lớp công dân thuộc nhóm có thu nhập thấp và trung bình.
Thủ tướng đương nhiệm Singapore và cũng là con trai cả của ông Lý Quang Diệu là ông Lý Hiển Long chính là người chịu trách nhiệm giám sát công cuộc chấn chỉnh này.
Dưới sự điều hành từ năm 2004 của Thủ tướng Lý Hiển Long, Chính phủ Singapore nỗ lực rũ bỏ hình ảnh một Singapore cũ kỹ để tái thiết thương hiệu một trung tâm thế giới về văn hóa và thương mại.
Gần đây, Singapore đã bắt đầu thực hiện việc áp mức thuế cao hơn với tầng lớp giàu có và tăng ngân sách cho phúc lợi xã hội, những động thái được xem là một phần của chiến lược lâu dài nhằm định hình lại kinh tế đất nước và thích ứng với những nhu cầu xã hội đang thay đổi.
Ông Yeoh Lam Keong, nhà kinh tế học và là giáo sư kiêm nhiệm tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu nhận định:
“Với những thay đổi mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế Singapore và một môi trường chính trị có tính đa nguyên hơn, một vài tư tưởng và cách thức điều hành của ông Lý Quang Diệu có thể sẽ trở nên bớt chi phối.
Nhưng ngay cả thế thì những tư tưởng dân chủ xã hội cốt lõi và các mục tiêu mà nhóm lãnh đạo sáng lập của ông ấy (Lý Quang Diệu) theo đuổi chắc chắn sẽ vẫn liên quan tới hôm nay.
Đó là việc tìm kiếm cơ hội bình đẳng cho mọi người dân trong việc tiếp cận với giáo dục, y tế, nhà cửa và các cơ sở hạ tầng chung, những vấn đề liên quan tới chính sách dân số và nhập cư trong nhận thức sâu sắc về các nguy cơ xã hội, môi trường liên quan tới tình trạng tăng dân số quá mức”.
Ông Yeoh cũng khẳng định: “Chắc chắn chúng tôi cần phải làm nhiều hơn nữa để tập trung vào các nỗ lực nhằm theo đuổi những mục tiêu này”.
Người dân Singapore bày tỏ tình cảm của mình trước sự ra đi của ông Lý Quang Diệu - Ảnh: Reuters |
Trù liệu của ông Lý Quang Diệu
Sự thay đổi trong chính sách xã hội của Singapore cũng sẽ liên quan tới một nội dung tranh luận khác lớn hơn là việc quốc gia Đông Nam Á này sẽ có kế hoạch hành động như thế nào trong tương lai không có người kiến trúc sư dẫn lối là ông Lý Quang Diệu.
Một nhà phân tích chính trị từng là cán bộ cao cấp của Singapore nói: “Ngày càng có nhiều người hơn đặt câu hỏi rồi mọi chuyện tiếp theo sẽ như thế nào và họ cũng đang trả lời cho thắc mắc đó. Tôi không nghĩ là mọi người sẽ hỏi liệu ông Lý Quang Diệu sẽ muốn gì hay ông ấy sẽ trả lời những câu hỏi ấy ra sao”.
Cuộc tranh luận càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh năm nay Singapore sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm giành độc lập, tách khỏi quốc gia láng giềng Malaysia.
Những người cao tuổi ở Singapore bật khóc khi nghe tin ông Lý Quang Diệu qua đời ngày 23-3 - Ảnh: straitstimes |
Với các nhà lãnh đạo thuộc PAP, đây là dịp để cùng nhìn lại và tôn vinh những giá trị Singapore đã đạt được trong 50 năm qua dưới sự cầm quyền của PAP.
Nhưng với nhiều người dân, sự kiện này sẽ cho thấy bước chuyển mình về chính trị, xã hội tại quốc đảo.
Một số nhà quan sát bên ngoài PAP cho rằng đường lối lãnh đạo và những chính sách xã hội nghiêm khắc của cố thủ tướng Lý Quang Diệu để lại sẽ vẫn tiếp tục bao trùm tại Singapore.
Ông Alex Au, một blogger kiêm bình luận tình hình xã hội Singapore, nhận định các nhà lãnh đạo của chính phủ và nhiều người dân Singapore vẫn sẽ “nhìn nhận, phân tích và giải quyết các vấn đề bằng các biện pháp và quan điểm của cố thủ tướng Lý Quang Diệu”.
Và theo đó, họ cho rằng trong đó sẽ bao gồm chính sách đặc biệt nhạy cảm với các vấn đề như chủng tộc, tôn giáo…
Quốc kỳ Singapore được hạ xuống nửa thân cột cờ tại nhiều nơi trên đảo quốc sáng 23-3 - Nguồn ảnh: Bộ Thông tin truyền thông Singapore |
Học sinh Singapore chào cờ sáng đầu tuần 23-3 dưới lá cờ đã hạ xuống nửa thân cột cờ - Ảnh: straitstimes |
Tuy nhiên các nghị sĩ trong Đảng PAP lại cho rằng phong cách điều hành đất nước nghiêm khắc của ông Lý sẽ vẫn đảm bảo cho sự ổn định đất nước và đưa Singapore tiếp tục phát triển thịnh vượng.
Nghị sĩ Inderjit Singh nói: “Chính phủ trong sạch và hiệu quả Singapore có được hôm nay là thành quả từ một nền văn hóa mà ông Lý và nhóm các thành viên lãnh đạo sáng lập của PAP kiến tạo”.
Điều quan trọng hơn là cố thủ tướng Lý Quang Diệu cũng thiết lập “một tiến trình vững chãi và thể chế hóa hệ thống đổi mới lãnh đạo”, đồng thời “đảm bảo chắc chắn việc các nhà lãnh đạo hiện tại quen với việc điều hành đất nước khi không có ông ấy” - nghị sĩ Inderjit Singh nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận