Triển vọng ngành phân bón được dự báo tích cực hơn về nửa cuối năm khi tháng 7 vừa qua, giá hợp đồng tương lai phân urê đột ngột tăng vọt và thiết lập vùng giá mới sau một thời gian dài liên tục giảm.
Ngoài ra nhiều thông tin liên quan từ các nước xuất khẩu urê lớn cũng khiến triển vọng trở nên tích cực hơn, phản ánh ngay vào giá cổ phiếu doanh nghiệp phân bón Việt Nam vài tháng qua.
Tuy nhiên kết quả kinh doanh quý 3-2023 thực tế lại đem tới bất ngờ cho một số nhà đầu tư.
Lợi nhuận Đạm Cà Mau rớt mạnh vì giá bán giảm
Cổ phiếu DCM của Công ty cổ phần Dầu khí Cà Mau (PVCFC) 3 tháng gần đây tăng khoảng 20%. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng Đạm Cà Mau hưởng lợi với triển vọng ngành tích cực.
Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính quý 3 - 2023 vừa công bố, doanh thu phân bón Cà Mau đạt 3.150 tỉ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ.
Còn lợi nhuận sau thuế giảm sâu, về mức 74 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ còn lãi 730 tỉ đồng, tức "rơi" 90%. Hiện cổ phiếu DCM giao dịch vùng giá 31.700 đồng/cổ phiếu, giảm gần 5% sau khi leo lên 33.450 đồng/cổ phiếu hôm 20-10-2023.
Nhìn lại hành trình kinh doanh, có thể thấy lợi nhuận Đạm Cà Mau trong quý 3 này đã rớt mạnh sau cả chục quý liên tiếp đều lãi trên trăm tỉ đồng. Gần đây, Đạm Cà Mau còn lãi trên nghìn tỉ đồng ở nhiều quý.
Lý giải nguyên nhân, lãnh đạo DCM cho biết sản lượng tiêu thụ các loại sản phẩm trong quý này tăng hơn 36%, tuy nhiên giá phân bón lại giảm mạnh so với mức đỉnh năm 2022. Điều này khiến doanh thu bán hàng công ty mẹ giảm hơn 90%, trong khi đó giá vốn bán hàng tăng hơn 21%.
Cũng tại kỳ này, chi phí bán hàng đã tăng hơn 35% do công ty đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến bán hàng, mở rộng thị trường…, theo lãnh đạo DCM.
"Bên cạnh các điểm sáng đạt được trong quý như sản lượng tiêu thụ tăng, doanh thu hoạt động tài chính thuận lợi, giá bán phân bón giảm làm lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ và hợp nhất giảm 90% so với cùng kỳ", lãnh đạo DCM thông tin.
Đáng chú ý, tại thời điểm 30-9-2023, DCM có hơn 9.800 tỉ đồng gửi ngân hàng lấy lãi. Nhờ vậy, doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ ghi nhận tăng mạnh lên 200 tỉ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng đầu năm nay, doanh thu DCM đạt 9.436 tỉ đồng, giảm 20%; lãi sau thuế đạt 616 tỉ đồng, giảm 81%. Riêng khoản lãi tiền gửi DCM nhận về trong 9 tháng đạt gần 400 tỉ đồng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ.
"Ông lớn" khác cũng đau đầu vì giá bán
Quý 3 này, Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) cũng có bức tranh kinh doanh không mấy thuận lợi khi doanh thu thuần đạt 2.463 tỉ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ.
Điểm sáng trong kỳ của "ông lớn" này cũng nằm ở khoản doanh thu hoạt động tài chính khi đạt 203 tỉ đồng, tăng 41%.
Trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán, ông Đào Hữu Duy Anh - tổng giám đốc Hóa chất Đức Giang - cho biết doanh thu giảm là do giá bán giảm vì thị trường trong nước và thế giới đều giảm.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu DGC đạt 7.371 tỉ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ. Còn lãi sau thuế đạt 2.504 tỉ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ.
Với khoản tiền gửi có giá trị 9.593 tỉ đồng (tính đến thời điểm cuối tháng 9-2023), lãi DGC nhận được sau 9 tháng là hơn 464 tỉ đồng, gấp 2,37 lần so với cùng kỳ.
Doanh thu quý 3-2023 một doanh nghiệp lớn khác là Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB) cũng giảm gần 35% so với cùng kỳ, đạt 1.138 tỉ đồng. Giá vốn hàng bán tăng, lợi nhuận gộp trong kỳ của DHB âm 39,7 tỉ đồng.
Trong kỳ, các loại chi phí như bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều giảm, riêng chi phí tài chính tăng vọt 34%, đạt 226 tỉ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế Đạm Hà Bắc âm 308 tỉ đồng, trong khi cùng vẫn lãi 347 tỉ đồng.
Tính chung 9 tháng đầu năm nay, DHB đạt hơn 3.200 tỉ đồng doanh thu, giảm 39% so với cùng kỳ; còn lợi nhuận sau thuế âm 788 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi lớn 1.693 tỉ đồng.
Năm 2023, DHB đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 4.615 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 931 tỉ đồng. Với kết quả đạt được sau chặng đường 9 tháng, khả năng việc hoàn thành chỉ tiêu cổ đông giao phó gần như "bất khả thi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận