Bản đồ được UBND TP.HCM đưa vào vận hành từ đầu năm 2024. Tuổi Trẻ trao đổi với ông Lâm Đình Thắng, giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, xoay quanh công cụ bản đồ thực thi thể chế này.
Minh bạch kết quả, dân cùng giám sát
* Xin ông giải thích thêm về việc làm sao để bảo đảm bộ chỉ số trên Bản đồ thực thi thể chế phản ánh đúng kết quả về hoạt động công vụ đang diễn ra tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn TP theo thời gian thực?
- Tháng 6-2022, Thủ tướng ký quyết định số 766/QĐ-TTg phê duyệt bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử.
Nhằm thực hiện theo dõi bộ chỉ số trên, Văn phòng Chính phủ có triển khai Bản đồ thực thi thể chế quốc gia để theo dõi các bộ ngành, tỉnh thành. TP.HCM triển khai "Bản đồ thực thi thể chế TP.HCM" nhằm giúp theo dõi chỉ số chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước trên địa bàn TP trong thực hiện chuyển đổi số cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân.
Từ tháng 10-2022, TP triển khai vận hành chính thức hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất toàn TP. Đây là nguồn dữ liệu đầu vào để công bố, đánh giá, xếp hạng trên Bản đồ thực thi thể chế TP.
Dữ liệu này phát sinh tự động từ hoạt động công vụ hằng ngày của từng cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân trên môi trường số. Vì vậy, báo cáo này đảm bảo phản ánh trung thực, khách quan và đúng thực chất. Đồng thời, Bản đồ thực thi thể chế TP.HCM được công khai minh bạch tại địa chỉ https://bandotheche.hochiminhcity.gov.vn để người dân TP cùng lãnh đạo đều theo dõi, giám sát.
* Kết quả điểm số trên Bản đồ thực thi thể chế TP.HCM sẽ có ý nghĩa thế nào đối với hoạt động công vụ ở TP, thưa ông?
- Bản đồ thể chế là công cụ phục vụ lãnh đạo các cấp, các ngành và người dân cùng theo dõi, giám sát, kịp thời phát hiện những đơn vị, những hoạt động làm tốt cũng như phát hiện những điểm nghẽn, yếu kém trong quá trình cải cách hành chính và thực hiện chuyển đổi số để kịp thời chỉ đạo khắc phục.
Từng cán bộ công chức cũng có thể theo dõi được mức độ công khai minh bạch, tiến độ giải quyết hồ sơ, mức độ số hóa và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán tại đơn vị mình; so sánh giữa đơn vị mình với các đơn vị khác để phấn đấu thi đua làm tốt hơn nhiệm vụ phục vụ người dân. Qua đó cũng giúp lãnh đạo kịp thời phát hiện, phòng ngừa những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Công cụ "tầm soát nền công vụ số"
* Ngoài bộ chỉ số xây dựng theo quyết định của Thủ tướng, Bản đồ thực thi thể chế TP.HCM có bổ sung thêm những chỉ số, tính năng nào? TP trông đợi gì từ công cụ này?
- Bản đồ thực thi thể chế TP.HCM phải dựa trên cơ sở pháp lý là bộ chỉ số điều hành đã được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định 766/QĐ-TTg.
TP vẫn đang liên tục nâng cấp, bổ sung cho bản đồ thể chế các vấn đề cần quan tâm giám sát, đo lường trong quá trình chuyển đổi số. Đồng thời sẽ phát triển tích hợp trí tuệ nhân tạo và trợ lý ảo để giúp dự báo và thông báo, nhắc nhở phục vụ công tác điều hành nền công vụ. TP mong muốn sẽ sử dụng bản đồ như một trong những công cụ hiệu quả để "tầm soát nền công vụ số".
* Kết quả đánh giá trên Bản đồ thực thi thể chế TP.HCM có được sử dụng để đánh giá, xếp loại hiệu quả nền công vụ số của các cơ quan nhà nước, làm cơ sở khen thưởng, đề bạt...?
- Hiện nay, TP đang sử dụng Bản đồ thực thi thể chế để xác định điểm số các chỉ tiêu liên quan trong chỉ số cải cách hành chính TP và chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số TP (DTI) của các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức, các quận huyện.
Lãnh đạo UBND TP đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị sở, ngành, địa phương phải dùng bản đồ thể chế để giám sát công việc thường xuyên hằng tuần. Kết quả trên bản đồ thể chế đóng góp quan trọng trong tổng thể kết quả cải cách hành chính cuối năm của từng đơn vị, qua đó cũng tác động đến kết quả lao động thi đua của các tập thể, cá nhân.
Sở Thông tin và Truyền thông cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu để tham mưu các hình thức thúc đẩy sự quan tâm, tập trung của các đơn vị đến việc sử dụng và phát huy bản đồ thể chế này.
Quận Phú Nhuận dẫn đầu DTI 2023
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Như Ý, chánh văn phòng UBND quận Phú Nhuận, cho biết quận đã xây dựng những giải pháp, mô hình sát với thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Quận đã tập trung đầu tư vào phần mềm quản lý văn bản và chỉ đạo, điều hành; nâng cấp hạ tầng mạng, mua sắm trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số, dịch vụ công; số hóa tài liệu...
Quận đã phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng (gồm 126 tổ với 510 người tham gia); tuyên truyền thực hiện chữ ký số (đã cấp chữ ký số công vụ cho 425 trường hợp và 13.000 chữ ký số của người dân, doanh nghiệp); từng bước xây dựng đội ngũ "cán bộ công chức số".
TP.HCM xếp thứ 45/63 trên Bản đồ thực thi thể chế quốc gia
Trên Cổng dịch vụ công quốc gia có Bản đồ thực thi thể chế quốc gia (https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-index-tinhthanhpho-tonghop.html).
Kết quả theo thời gian thực (tính đến tối 4-4-2024), TP đạt 63,45/100 điểm, xếp vị trí 45/63 tỉnh thành, cách tỉnh dẫn đầu là Cà Mau (84,21 điểm) đến hơn 20 điểm.
Với thang điểm 100, kết quả đánh giá được chia làm 5 mức: xuất sắc (90 - 100 điểm), tốt (80 - 90), khá (70 - 80), trung bình (50 - 70), yếu (dưới 50). Như vậy, hiện nay TP.HCM đang thuộc nhóm trung bình.
Dẫn đầu chuyển đổi số không đồng nghĩa dẫn đầu trong Bản đồ thực thi thể chế
Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số TP, đã phê duyệt kết quả xếp hạng chuyển đổi số năm 2023 tại các cơ quan nhà nước ở TP.HCM.
Theo đó, chỉ số chuyển đổi số đối với khối sở ngành sẽ đánh giá trên 6 chỉ số chính (gồm: Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số, Nhân lực số, An toàn thông tin mạng, Hoạt động chuyển đổi số) với 32 chỉ số thành phần, thang điểm 330 điểm.
Còn chỉ số chuyển đổi số đối với khối quận huyện, TP Thủ Đức gồm 9 chỉ số chính (gồm: Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số, Nhân lực số, An toàn thông tin mạng, Hoạt động chính quyền số, Hoạt động kinh tế số, Hoạt động xã hội số, Đô thị thông minh) với 51 chỉ số thành phần, thang điểm 660 điểm.
Kết quả xếp hạng chuyển đối số năm 2023, Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA) dẫn đầu khối sở ngành (31 sở ngành) với số điểm 311,82/thang điểm 330. Quận Phú Nhuận dẫn đầu khối quận huyện với 614,91 điểm.
Trong khi đó, Bản đồ thực thi thể chế sẽ đánh giá trên 6 nhóm chỉ số chính (gồm: Công khai, minh bạch; Tiến độ, kết quả giải quyết; Số hóa hồ sơ; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Mức độ hài lòng) với thang điểm 100.
Hiện tại, trên Bản đồ thực thi thể chế TP.HCM thì TP Thủ Đức xếp thứ nhất với 80,31 điểm (tính đến 4-4-2024), xếp nhì là quận Bình Tân (75,97 điểm), quận Phú Nhuận xếp thứ 12/22 quận huyện với 62,24 điểm. Với khối sở ngành thì Sở Thông tin và Truyền thông đang xếp thứ nhất (với 89,12 điểm), xếp nhì là Sở Văn hóa và Thể thao (với 89,07 điểm), còn HEPZA 58,63 điểm xếp thứ 13/17 sở ngành.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng, chỉ số chuyển đổi số (DTI) ở TP sẽ đánh giá trên các tiêu chí chuyên sâu về chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước. Còn Bản đồ thực thi thể chế thiên về đánh giá việc thực hiện chuyển đổi số vào cung cấp dịch vụ công, cải cách thủ tục hành chính.
"Vì vậy, kết quả xếp hạng chuyển đổi số và Bản đồ thực thi thể chế sẽ khác nhau...", ông Thắng giải thích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận