Ông Lê Bá Lại (người ôm rùa) phối hợp cùng lực lượng chức năng Phú Yên thả rùa về biển - Ảnh: HỒNG CHIÊN
"Ô! Được trở lại biển "ổng" sướng "ổng" bơi thật nhanh kìa. Mà "ổng" quay lại, nhô lên kìa, chắc để chào cảm ơn tụi mình đó" - giọng ông Lại đầy cảm xúc khi thấy chú rùa vừa được ông thả xuống vùng biển Tuy Hòa xế chiều 30-4 dường như quyến luyến, bơi vòng lại gần chiếc canô rồi nhô lên trong chốc lát trước khi lặn sâu vào lòng biển cả...
Đổi bia, gà lấy... rùa, vích
Con rùa này nặng khoảng 40kg, được ông Lại đưa từ thôn Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) về Tuy Hòa vào trưa 30-4 và báo cho các cơ quan chức năng để phối hợp đem ra biển thả.
Trước đó, nghe tin có ngư dân ở Đầm Môn đem về bờ một con rùa biển dính lưới đêm trước đó, ông Lại tức tốc vượt mấy chục cây số chạy xe vào gặp dân để "năn nỉ, vận động" họ thả rùa về biển.
"Họ biết tôi thường xuyên thả rùa, vích về biển nên vui vẻ "gửi" rùa liền" - ông kể.
Chỉ vài ngày sau đó, ông lại lặn lội ra xã An Chấn (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), dùng bia, gà... để "vận động" ngư dân ở đây giao cho ông hai con rùa, một con nặng 13,5kg, một con nặng 2,5kg.
Trưa 7-5, canô của bộ đội biên phòng chở ông Lại và đại diện các lực lượng chức năng khác ra cách bờ biển Tuy Hòa khoảng 2 hải lý để thả rùa...
Đôi khi ông Lại "được" rùa như một sự tình cờ, hoặc là cơ duyên để ông gặp và cứu chúng.
Sáng sớm 23-10-2018, ông Lại đi tắm biển Tuy Hòa xong, khi đi bộ về nhà thì phát hiện một "cụ" vích lớn, mai đầy rong rêu, đang thoi thóp trên bãi.
Lúc đó cũng có nhiều thanh niên đi tắm biển về nhìn thấy và rủ nhau bắt "cụ" vích về làm thịt.
Ông Sơn, một người dân chứng kiến sự việc, kể rằng khi đó ông Lại quỳ xuống bãi cát, la lớn tiếng: "Tui thấy nó đầu tiên nên tui được quyền bảo vệ nó, không ai được đụng đến!".
"Khi đó nhiều người đi biển cũng đề nghị phải cứu "cụ" vích nên ông Lại cùng mọi người khiêng vích đưa lên xe ba gác, báo cơ quan chức năng đến làm thủ tục rồi thả về biển" - ông Sơn nhớ lại.
Ông Trần Ngọc Nhạn - chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Phú Yên - cho biết con vích ông Lại thả lần đó nặng khoảng 150kg, có tuổi đời khoảng 80 năm, là loài động vật quý hiếm được bảo vệ nghiêm ngặt theo Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp.
Nhiều người cho hay ông Lại thường bỏ tiền để mua lại rùa, vích, đồi mồi... thả về biển trong nhiều năm qua nhưng khi được hỏi, ông khoát tay cười xòa: "Không có mua bán gì đâu. Tôi vận động, năn nỉ nẫu (phương ngữ, nghĩa là "người ta") là chính.
Nói cho nẫu biết rằng thế giới báo động rùa, vích đã sắp tuyệt chủng, là động vật nguy cấp, cấm đánh bắt, mua bán, nếu không trả lại biển thì sẽ bị xử lý.
Mình hay nói với ngư dân là có làm thịt con rùa, con vích cũng chỉ để nhậu, vậy thì tui mua cặp gà, vài thùng bia gửi anh em nhậu, còn con rùa đưa tôi đem đi thả ra biển.
Cũng có vài trường hợp nhì nhằng, nhưng hầu hết ngư dân đều đồng ý rất nhanh" - ông Lại nở nụ cười hiền khô.
Ông Lại (người vịn lưng rùa) cùng người dân chuẩn bị đưa“cụ” vích 80 tuổi, nặng 150kg trở lại biển vào tháng 10-2018 - Ảnh: HỒNG CHIÊN
Mong có nhiều "ông Lại"
Tôi hỏi ông Lại vì sao ông sốt sắng với việc thả rùa về biển như vậy, nhất là khi ông là một chủ quán nhậu ở TP Tuy Hòa, việc đi năn nỉ ngư dân lấy rùa có thể khiến họ nghi ngờ về động cơ của ông.
Ông Lại cười thật thà: "Ai nghĩ sao thì nghĩ, còn tôi chỉ nghĩ một việc là phải cứu cho bằng được loài động vật nguy cấp quý hiếm này và hành động theo tâm niệm ấy".
Ông Lại khoe biết ông là người thường xuyên thả rùa, vích về biển nên bây giờ có nhiều nguồn tin báo, hễ chỗ nào có rùa, vích, đồi mồi dính lưới là ông biết nên nhanh chóng đến để "xin" ngay.
Ông Lại nói 5 năm qua, ông không nhớ bao nhiêu lần thả rùa, vích, đồi mồi về biển.
"Ban đầu tôi tự đem ra biển thả, nhưng rồi thấy mình cứ thả từ trong bờ, mà ngoài kia có thể có lưới giăng gần bờ, rùa lại dính nữa nên cũng không an tâm. Có lúc tôi cùng nhân viên phải chở đi vùng biển xa Tuy Hòa để thả nhằm đảm bảo an toàn cho rùa.
Vài năm gần đây, có được rùa là tôi báo cho bộ đội biên phòng, cảnh sát môi trường, chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản để tìm khu vực an toàn thả, khi có phương tiện thì chở ra xa bờ vài hải lý thả cho an toàn" - ông Lại cho biết.
Bà Lê Thị Kim Phụng, người bán hàng nước gần quảng trường 1-4 bên bãi biển Tuy Hòa, cho biết nhiều lần chứng kiến ông Lại mang rùa xuống biển thả.
"Hành động bảo vệ động vật hoang dã của anh Lại rất quý. Nếu có nhiều người như anh ấy thì việc bảo vệ động vật nguy cấp sẽ tốt hơn rất nhiều".
Còn ông Trần Ngọc Nhạn cũng đánh giá cao việc làm của ông Lại: "Chúng tôi đã hai lần phối hợp với ông Lại thả loài rùa biển lớn về lại đại dương, còn những lần khác có thể là rùa nhỏ nên ông không báo.
Những người như ông Lại xứng đáng được tuyên dương và mong rằng mọi người cũng có ý thức bảo vệ động vật hoang dã như ông ấy" - ông Nhạn nói.
Biên phòng cũng cảm kích ông Lại
Đại tá Nguyễn Văn Minh - chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên - bày tỏ: "Chúng tôi rất cảm kích trước ý thức và hành động bảo vệ rùa biển của ông Lê Bá Lại.
Rất hi vọng từ việc làm đầy ý nghĩa của ông Lại, ngày càng có thêm nhiều "ông Lại" có ý thức trong bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ loài rùa nói riêng và những sinh vật quý hiếm nguy cấp nói chung".
Về phần mình, ông Lại chỉ mong muốn rằng ngư dân khi vô tình đánh bắt được rùa, vích thì cố gắng để chúng không bị tổn thương và trả về biển càng sớm càng tốt để loài động vật này được sống yên ổn trong lòng đại dương bao la...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận