24/04/2015 09:32 GMT+7

​“Ống kính”... quá lố

PHÚC NGUYÊN
PHÚC NGUYÊN

TT - Thời buổi mà công nghệ và truyền thông bùng nổ, rất nhiều người đang sử dụng smartphone (điện thoại thông minh) hay các loại máy tính bảng có chức năng chụp ảnh.

Ở mặt tích cực đã có nhiều câu chuyện nhân văn được truyền đi từ những “ống kính” (cách nhìn vấn đề) này làm rung động xã hội hoặc những câu chuyện chưa tốt, không hay cũng được đưa đến cộng đồng để trở thành vấn đề xã hội, giúp xã hội có cơ hội phát triển hơn.

Những hình ảnh từ loại “ống kính” này đã phản ánh trung thực về câu chuyện “văn hóa... vượt rào” ở công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) vào chủ nhật vừa qua là một ví dụ.

Nhưng không phải lúc nào những “ống kính” này cũng làm được những việc có ý nghĩa ấy khiến người ta phải cảm thấy dường như có sự... quá lố.

Nói cách khác đó là cách tùy tiện chụp ảnh mà chỉ đem lại sự phiền toái, ngán ngẩm cho người khác và tôi nghĩ từ những hành động này, chân dung người cầm máy là người thiếu lịch sự, thiếu tế nhị, thậm chí xâm phạm sự riêng tư của người khác đã được “chụp” lại trong suy nghĩ của nhiều người khác. Có thể kể ra vài ví dụ:

- Các trang mạng đang tràn ngập những cảnh “đắng lòng”, “xôn xao cộng đồng mạng”... từ chính những bức ảnh chụp vô tội vạ chuyện riêng tư của người khác. Trong số những bức ảnh ấy không ít ảnh có lẽ chụp, quay ngay cảnh bạn bè “diễn trò” trong phạm vi bạn bè rồi bị đăng lên làm trò cười chung.

Thậm chí những bức ảnh ấy còn dính dáng đến những người chẳng liên quan gì, cũng bị “tương” hết lên mạng rồi thay nhau bình phẩm làm trò cười. “Ống kính” khi ấy có quá lố?

- Việc để “ống kính” mọi lúc mọi nơi khiến ảnh hưởng đến người khác và biến mình thành người bất lịch sự thì nhiều vô kể. Ví dụ, bản thân tôi có con học mẫu giáo, cuối năm hầu hết bé nào ở trường cũng được tặng thưởng danh hiệu “bé khỏe bé ngoan”.

Thế rồi buổi lễ tổng kết chẳng khác nào cái chợ khi phụ huynh nào cũng “phi” lên sân khấu lúc con mình được nhận thưởng, quay quay chụp chụp trong khi nhà trường đã có nhờ thợ ảnh để chụp. Và tất nhiên cảnh này không chỉ xuất hiện ở trường mẫu giáo mà cũng nhan nhản trong các loại lễ lạt có trao, nhận khác.

Người tham dự ngồi dưới chẳng thấy gì trên sân khấu ngoài một đám đông nhốn nháo. Các hội nghị, hội thảo khác cũng không ngoại lệ, lúc nào cũng có người đi tới đi lui chụp và chụp (tôi không tính thành phần phóng viên ảnh hay người của ban tổ chức trong đây).

Mới đây trong đám cưới một người bạn, ngoài thợ ảnh lại xuất hiện thêm mấy người cầm iPad “múa may” trong suốt buổi tiệc. Họ không chỉ chụp hình khi cử hành hôn lễ mà còn “đè vào mặt” bất cứ ai lúc đang dự tiệc. “Ống kính” khi ấy có quá lố?

- “Ống kính” hoạt động “mọi lúc mọi nơi nên cũng chẳng chừa những khoảnh khắc trang nghiêm. Tôi từng rất khó chịu khi cũng có người cầm smartphone quay qua quay lại ngay trong lễ chào cờ trên sân vận động.

Một lần khác khi tham dự thắp nến tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sĩ, trong khi người dân đã đứng chờ đoàn lãnh đạo rất lâu nhưng vừa xuống xe không ít người (chủ yếu là phụ nữ) cũng rút iPad ra quay quay chụp chụp ngay tại thời điểm đó, trong không gian đó - vừa bất lịch sự vừa kém trang nghiêm. “Ống kính” khi ấy có quá lố?

- Liên quan đến giới showbiz thì khỏi nói, có hẳn những “ống kính” chỉ luôn chăm chăm chú chú vào bất cứ sơ hở nào của những thành phần trong giới này tại một sự kiện nào đó để chụp, để đăng, để bình phẩm.

Những “ống kính” này toàn chọn những góc chụp có chủ đích để “phê phán”. Nhưng tôi nghĩ chỉ những đầu óc “có vấn đề” mới điều khiển “ống kính” của mình đến những chuyện như vậy, hơn là chủ đề chung của sự kiện đang diễn ra. “Ống kính” đó có quá lố?

Bạn đang có “ống kính” trong tay. Bạn có quyền chụp những gì bạn muốn. Nhưng có bao giờ bạn đặt câu hỏi: “ống kính” của mình có quá lố không?

 

PHÚC NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp