08/05/2018 21:24 GMT+7

Ông Kim vừa rời Trung Quốc, ông Trump điện cho ‘ông bạn Tập’

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Tổng thống Mỹ Donald Trump nhanh chóng thể hiện mình không đứng ngoài cuộc chơi vấn đề Triều Tiên khi thấy quan hệ Trung - Triều gia tăng cấp tập.

Ông Kim vừa rời Trung Quốc, ông Trump điện cho ‘ông bạn Tập’ - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã có cuộc hội đàm trong hai ngày 7 và 8- 5 tại Đại Liên để "trao đổi quan điểm sâu rộng và nhiều mặt về quan hệ giữa hai nước và các vấn đề chung mà hai bên cùng quan tâm", theo thông báo của Tân Hoa xã - Ảnh: THX

Ngay sau khi phía Trung Quốc chính thức xác nhận chuyến thăm của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, lần thứ hai chỉ trong vòng 6 tuần, Tổng thống Trump đã thông báo sẽ có cuộc điện đàm với "ông bạn tôi", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông chủ Nhà Trắng cũng xác định rõ nội dung của cuộc điện đàm trong dòng tweet viết chỉ ít giờ sau khi kết thúc cuộc hội đàm Trung - Triều tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc.

Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump viết: "Tôi sẽ nói chuyện với ông bạn tôi, Chủ tịch Tập Cận Bình vào lúc 8h30 sáng 8-5 (giờ địa phương, tối cùng ngày theo giờ Việt Nam). Các chủ đề chính sẽ là thương mại, mà những điều tốt đẹp sắp diễn ra, và Triều Tiên, mà các mối liên hệ và niềm tin đang được xây dựng".

Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đón Lãnh đạo Kim Jong Un lần thứ 2 - Video: CGTN

Thực ra trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 3 vừa qua của ông Kim Jong Un, Trung Quốc đã gửi thông điệp riêng của Chủ tịch Tập tới Tổng thống Trump và thông báo về chuyến thăm.

Trong thông báo hôm 27-3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders xác nhận điều đó và cho biết thêm rằng "Mỹ vẫn duy trì liên lạc chặt chẽ với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật của mình. Chúng tôi coi động thái này là một bằng chứng nữa cho thấy chiến dịch gây sức ép tối đa của chúng tôi đang tạo ra bầu không khí phù hợp để đối thoại với Triều Tiên".

Trong thời điểm trước cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều sắp diễn ra nhằm thảo luận việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, có vẻ các bên đều đang chạy nước rút trong việc nắm quan điểm và ý định của nhau.

Đặc biệt với những nước lớn có mặt trong cuộc chơi này như Mỹ, Trung Quốc, Nhật…

Sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều được đánh giá là thành công ngoài mong đợi hôm 27-4, thái độ của Trung Quốc tích cực hơn hẳn với chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị đến Triều Tiên vào đầu tháng 5 này và nay là chuyến thăm thứ hai của ông Kim sang Trung Quốc.

Ông Kim vừa rời Trung Quốc, ông Trump điện cho ‘ông bạn Tập’ - Ảnh 3.

Lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã ký kết được Tuyên bố Bàn Môn Điếm sau cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27-4 vừa qua - Ảnh: AFP

Không quá khó hiểu khi các nước lớn khó lòng buông bàn tay kiểm soát đã thực thi hàng chục năm qua trong vấn đề rất nóng mang tính khu vực và thế giới này.

Nhưng cần chú ý thông điệp của tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Lao động Triều Tiên - ngay trong ngày 7-5 là ngày ông Kim đặt chân sang Đại Liên.

Bài viết khẳng định việc tái thống nhất giữa hai miền Triều Tiên trong tương lai cần dựa trên nguyên tắc độc lập dân tộc và không có sự can thiệp từ bên ngoài.

Trong bài bình luận về Tuyên bố Bàn Môn Điếm, vừa được ông Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ký kết hôm 27-4, tờ Rodong Sinmun khẳng định "việc bảo vệ nguyên tắc độc lập dân tộc có vai trò sống còn đối với triển vọng của mối quan hệ liên Triều".

Trong tuyên bố chung đó, hai nhà lãnh đạo đã cam kết theo đuổi phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên và sớm ký một hiệp định hòa bình để từ đó thiết lập nền hòa bình lâu dài.

Về bản chất, tái thống nhất dân tộc chính là việc nối lại tình máu mủ vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các thế lực từ bên ngoài. Vấn đề tái thống nhất dân tộc sẽ không bao giờ được giải quyết nếu một bên phụ thuộc vào các nước bên ngoài"

Bài bình luận tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Lao động Triều Tiên

Ông Kim vừa rời Trung Quốc, ông Trump điện cho ‘ông bạn Tập’ - Ảnh 5.

Hình ảnh ông Kim Jong Un (trái) tiếp Ủy viên Quốc vụ viện, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bình Nhưỡng mới được phía Triều Tiên công bố ngày 4-5 - Ảnh: REUTERS/KCNA

Trong những tháng gần đây, mối quan hệ nhiều thăng trầm giữa hai miền Triều Tiên đã có tín hiệu đảo chiều, sau một loạt động thái tích cực từ cả nước.

Sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên sau 11 năm và cũng là lần đầu tiên được tổ chức bên phía Hàn Quốc, một loạt động thái tiếp tục được xây dựng từ cả hai phía nhằm thể hiện thiện chí hướng đến hòa bình, hòa giải.

Ngay sau cuộc gặp lịch sử, tờ Rodong Sinmun cũng đã dành 4 trang đầu trong tổng số 6 trang của tờ báo này để đưa tin, trong đó đăng tổng cộng 60 ảnh.

Báo này ca ngợi cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều là kết quả từ quyết định táo bạo của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Theo báo này, đây là sự kiện mang tính lịch sử phản ánh những nỗ lực không ngừng của Bình Nhưỡng trong việc hướng tới đối thoại và hòa bình.

Bên cạnh đó, tờ Rodong Sinmun cũng khẳng định việc cải thiện quan hệ liên Triều là điều kiện cần thiết để thống nhất hai miền.

Trong khi đó, vai trò của Hàn Quốc nâng lên nhanh chóng như một trung gian cho các cuộc gặp giữa Triều Tiên với Mỹ, Nhật... để hướng đến giải quyết nhiều vấn đề tưởng chừng nan giải trước đây.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp