Kim Jong Un (phải) trò chuyện với ông Moon Jae In trên cầu gỗ mà không cần thông dịch viên hỗ trợ - Ảnh: REUTERS
Chất giọng đa văn hóa của ông Kim Jong Un đã khiến biết bao khán giả xem trực tiếp thượng đỉnh liên Triều hôm qua phải ngỡ ngàng. Người dân Hàn Quốc tỏ vẻ thích thú với giọng nói pha âm hưởng Thụy Sĩ của nhà lãnh đạo nghe sao hay ho quá.
Điều đó cũng đúng bởi thời niên thiếu của mình, ông Kim đã nhiều năm theo học tại một trường tiếng Đức gần thủ đô Bern của Thụy Sĩ, nơi ông sống dưới cái tên "Pak Un" kể từ năm 15 tuổi, theo báo South China Morning Post của Hong Kong.
"Giọng của ông ấy nghe chững chạc và vừa phải, như thể của một người đàn ông lớn tuổi hơn. Mọi người cứ nghĩ rằng chất giọng của ông sẽ giống một cậu bé, nhưng thật ra ông ấy nói rất hay, đặc biệt khi ông nói đùa về chuyện mang món mì lạnh của Triều Tiên tới Hàn Quốc. Chúng tôi ai cũng ngạc nhiên hết!" - ông Wonjin Yoon, một khán giả Hàn Quốc, nhận xét.
Mặc dù sử dụng ngôn ngữ chung nhưng những điểm khác biệt trong ngôn ngữ hai miền bán đảo Triều Tiên, đặc biệt do ảnh hưởng của việc chia tách trong nhiều thập niên qua, từ lâu được xem là rào cản lớn đối với những người Triều Tiên đào tẩu muốn hòa nhập với xã hội Hàn Quốc.
Nhiều người Triều Tiên tâm sự rằng những khác biệt trong giọng điệu, từ vựng và những lối nói thông dụng đã khiến họ cảm thấy là "những người ngoài cuộc". Một số người đào tẩu cố thích nghi bằng cách học nói giọng chuẩn Seoul hoặc Gyeonggi.
"Vấn đề lớn nhất trong giao tiếp giữa người Hàn Quốc và Triều Tiên là lối nói thông dụng và từ lóng tiếng Anh. Tiếng lóng Hàn Quốc, đặc biệt là tiếng lóng trên mạng, thường bắt nguồn từ tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ khác, hay có thể là từ viết tắt của một cụm tiếng Hàn dài hơn" - bà Jenna Gibson, giám đốc truyền thông tại Viện kinh tế Hàn Quốc (KEI), nhận định.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cùng phu nhân Ri Sol Ju dự tiệc thết đãi ở Nhà Hòa bình hôm qua - Ảnh: REUTERS
Người Hàn Quốc thường hay sử dụng từ tiếng Anh được Hàn hóa, đặc biệt những từ liên quan tới công nghệ. Trong khi đó, người Triều Tiên thì dùng từ lóng bắt nguồn từ tiếng Nga hoặc ngôn ngữ tự sáng tạo.
Mặc dù vậy, quan chức hai nước vẫn tránh sử dụng thông dịch viên tại các cuộc hội đàm liên Triều. Cuộc hội đàm ngày 27-4 giữa ông Kim Jong Un và ông Moon Jae In, cũng như hai cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hồi năm 2000 và 2007 đều không sử dụng thông dịch viên.
Trong cuộc hội đàm cũng như các hoạt động bên lề trong khuôn khổ thượng đỉnh hôm qua, người ta nhận thấy ông Kim Jong Un sử dụng tiếng Triều Tiên với chất giọng Thụy Sĩ nghe "hay hay" để giao tiếp nhưng vẫn không gặp vấn đề trong việc hiểu các quan chức miền nam.
"Có thể hai phái đoàn đã không sử dụng nhiều từ mượn tiếng Anh trong cuộc gặp vì để phù hợp với nghi thức. Tuy nhiên, các quan chức tháp tùng ông Kim thật ra vẫn hiểu vì có thể đã trải qua đào tạo hoặc tiếp xúc với tiếng Anh" - bà Gibson đánh giá.
Vị chuyên gia lý giải vì đây là cuộc gặp đầu tiên nên hai bên sẽ phải mất một chút thời gian để hiểu nhau và có thể không cần đi sâu vào những vấn đề đụng chạm tới từ ngữ chuyên môn gây khó hiểu.
Theo bà, nếu ông Moon Jae In có cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim Jong Il - tức cha của ông Kim Jong Un - cách đây chục năm thì rào cản ngôn ngữ dễ dàng nhận thấy.
Nhưng vì ông Kim Jong Un trẻ tuổi và có cơ hội tiếp xúc lâu nhiều với ngôn ngữ phương Tây, nên ông có thể sẽ quen với các từ mượn và từ lóng nước ngoài gần đây.
Trong cuộc gặp hôm qua, ông Kim và ông Moon dường như không gặp vấn đề về trong việc hiểu đối phương nói gì. Cả hai đều rất tự tin trong việc trao đổi. Hai nhà lãnh đạo thậm chí trò chuyện riêng trên một cây cầu gỗ trong khoảng 30 phút mà không cần thông dịch viên nào hỗ trợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận