Ông Kim Jong Un và ông Tập Cận Bình tại cuộc gặp ngày 19-6 - Ảnh: Twitter Tân Hoa Xã
Truyền thông trung ương Trung Quốc ngày 19-6 cho hay lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đến Bắc Kinh cùng ngày, bắt đầu chuyến thăm kéo dài hai ngày.
Sự có mặt của ông Kim Jong Un tương đối bất ngờ, và theo giới quan sát quốc tế, sự kiện này ẩn chứa nhiều thông điệp.
Nhiều khác biệt
Ông Kim Jong Un đã ghé Đại Liên vào tháng 5-2018, và trước đó là Bắc Kinh vào tháng 3-2018. Chuyến đi lần này cũng có một số khác biệt đáng chú ý.
Đầu tiên, ông Kim được cho đã đáp máy bay đến Trung Quốc chứ không đi tàu lửa. Theo Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), vị lãnh đạo Triều Tiên đã đi chuyến bay của Air Koryo tới Bắc Kinh và đến thẳng nhà khách Điếu Ngư Đài.
Tân Hoa xã công bố thông tin về chuyến thăm của ông Kim Jong Un không lâu sau khi có tin cho thấy lãnh đạo Triều Tiên đáp chuyến bay đến Trung Quốc sáng 19-6.
Đây là cách thể hiện rất khác biệt so với những lần trước, vì truyền thông Triều Tiên và Trung Quốc thường kín như bưng tại các sự kiện này, chỉ công bố sau khi ông Kim về lại Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không cho biết chi tiết về chuyến đi của ông Kim, ngoài việc cho hay Bắc Kinh hi vọng sự kiện này sẽ thắt chặt quan hệ giữa hai nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong cuộc họp báo ngày 19-6 nói Bắc Kinh ủng hộ lời kêu gọi của Nga hồi tuần trước về việc bỏ lập tức các lệnh cấm vận đơn phương đang áp lên Triều Tiên.
Đây cũng rất có thể là một trong những nội dung chủ yếu trong chuyến đi của ông Kim, và lãnh đạo Triều Tiên gần như chắc chắn sẽ trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về cấm vận, theo Washington Post.
Thông điệp gửi Washington
Chuyến đi của ông Kim diễn ra đúng một tuần sau khi lãnh đạo Triều Tiên gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore ngày 12-6, với kết quả là những hứa hẹn về phi hạt nhân hóa.
Sự kiện lần này kết hợp với một số diễn biến liên quan có thể dẫn tới những kỳ vọng, tiên đoán về tình hình trong tương lai gần.
Trước hết, đây có vẻ là một kiểu ngoại giao xoay vòng đơn thuần. Sau khi gặp ông Trump, ông Kim sẽ gặp ông Tập, vì Triều Tiên phải cân bằng lợi ích.
Trung Quốc vẫn là đồng minh quan trọng nhất, trong khi phía Mỹ cũng mở ra cho Triều Tiên những hứa hẹn về tài chính, kinh tế.
Theo giáo sư Kim Hyun Wook tại Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc, Triều Tiên cũng muốn sử dụng Trung Quốc để tạo ảnh hưởng lên các cuộc đàm phán tiếp theo với Mỹ về vấn đề hạt nhân.
Về phía Trung Quốc, ông Tập Cận Bình "đang đặt nhiều ảnh hưởng từ phía sau. Tôi cho rằng họ sẽ bàn về phương án và những ưu tiên sắp tới" nhằm đảm bảo Bắc Kinh tham gia vào bất kỳ đàm phán nào về hiệp ước hòa bình và thúc đẩy Mỹ rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên, theo Bonnie Glaser - cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS).
Ngoài ra, việc tiếp đón ông Kim Jong Un cũng được công bố chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa chỉ đạo áp thuế 10% đối với 200 tỉ USD giá trị hàng nhập khẩu Trung Quốc.
Nếu Bắc Kinh thể hiện vai trò trong vấn đề Triều Tiên, nhiều khả năng đó cũng là một cách để họ nhắn nhủ Mỹ về những nhượng bộ trong các vấn đề khác.
Giải pháp phi hạt nhân hóa
Sau chuyến thăm bất ngờ tới Đại Liên hồi tháng 5 vừa qua, ông Kim Jong Un bất ngờ chỉ trích các cuộc tập trận Mỹ - Hàn. Sự thay đổi thái độ ấy dẫn tới việc suýt hủy sự kiện gặp giữa ông Trump và ông Kim.
Truyền thông quốc tế cũng lo ngại về kịch bản tương tự, vì sau thỏa thuận giữa ông Trump và ông Kim, Mỹ và Triều Tiên vẫn tiếp tục thảo luận sâu hơn, chi tiết hơn về tình hình phi hạt nhân hóa cũng như giải pháp tháo gỡ cấm vận cho Triều Tiên.
Dù vậy, khả năng hai bên tranh cãi lần này khá thấp vì Mỹ đã ít nhiều khẳng định sẽ chấm dứt "những cuộc tập trận quy mô lớn".
Thay vào đó, giới quan sát từ Hàn Quốc nghiêng về hướng ông Kim sẽ gặp ông Tập để bàn về các giải pháp phi hạt nhân hóa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận