Tuổi Trẻ Start-up Award 2024: Nhóm Green Future gồm 5 thành viên là sinh viên của trường Đại học Công Thương TP.HCM với mong muốn tạo ra những vật dụng xanh để bảo vệ môi trường. Sản phẩm tiên phong của dự án là ống hút làm từ lá dừa, lá chuối.
Mất một năm rưỡi lên ý tưởng và thực nghiệm, ống hút từ lá cây của nhóm Green Future của năm cô bạn Thanh Duyên, Thảo Ngân, Thanh Ngân, Hồng Nhung và Thanh Trúc (đều là sinh viên Trường đại học Công Thương TP.HCM) tạo ra khá ổn, có thể thay ống hút nhựa.
Chế tác từ lá cây vốn chỉ bỏ đi
Thanh Duyên - trưởng nhóm Green Future - nói tạo ra một sản phẩm thân thiện và bảo vệ môi trường vốn là mục tiêu của nhóm. Tên gọi Green Future của nhóm cũng xuất phát từ quyết tâm đó.
Có khoảng 8 triệu tấn rác nhựa đổ ra đại dương mỗi năm. Theo một nghiên cứu do Hiệp hội Nghiên cứu biển Hoa Kỳ thực hiện vào năm 2018, có tới 8,3 tỉ ống hút nhựa đang làm ô nhiễm gần như mọi bãi biển trên toàn thế giới.
Dù ống hút chỉ chiếm 0,025% trong số đó nhưng nó vẫn được các chiến dịch môi trường chú ý và nhắc đến.
Phong trào cấm ống hút nhựa sớm khởi phát rồi lan đến nhiều quốc gia, khu vực trên toàn thế giới càng cho thấy tác hại ghê gớm của ống hút nhựa đến môi trường.
Tác hại của ống hút nhựa đến môi trường khá rõ nhưng sự tiện lợi, giá "rẻ bèo" là thách thức lớn với một sản phẩm thay thế.
Những loại ống hút hiện có trên thị trường, được đánh giá là thân thiện môi trường làm từ giấy, cỏ bàng, tre, inox hay chất sinh học… đều có giá cao hơn nhiều lần ống hút nhựa.
"Một ống hút nhựa có giá chỉ hơn 110 đồng khiến nó trở nên phổ biến. Nên sản phẩm mình làm ra dù đảm bảo thân thiện môi trường nhưng giá cao cũng khó thuyết phục số đông người dùng", Duyên bày tỏ.
Để giải quyết bài toán khó về nguyên liệu giá rẻ, nhóm nghĩ ngay đến các loại lá. Cụ thể lá dừa, lá chuối với bản lá to, dài, độ bền cao. Thực nghiệm và thấy liền hiệu quả, nhóm mừng đến muốn hét lên.
Duyên nói nếu sản xuất hàng loạt, nhóm có thể mua lá dừa, lá chuối tươi với giá 7.500 đồng/kg, lá khô sẽ đắt hơn.
Mức giá này nhóm đã khảo sát và được nhiều hộ nông dân ở Long An, Bến Tre đồng ý. Nếu không bán, họ cũng không biết làm gì ngoài chặt bỏ, phơi khô để nhóm lửa.
Có thể thay ống hút nhựa cả về giá thành
Thực nghiệm thành công bước đầu, thách thức mới xuất hiện khi cần tìm ra loại keo kết dính để ngay cả khi ngâm trong nước cũng phải đảm bảo sức khỏe cho người dùng.
Thanh Duyên nói ống hút sinh học nếu ngâm trong nước cao nhất sau 3 giờ sẽ mục rã.
Nhóm đã nghiên cứu công thức pha chế keo vừa đảm bảo yêu cầu kết dính, an toàn sức khỏe cho người dùng vừa có thời hạn đến 6 tiếng khi ngâm trong nước.
Vì đi sau trong nhóm ống hút xanh thân thiện môi trường, sản phẩm cần có sự khác biệt.
Thay vì xay nguyên liệu rồi đúc tạo hình như thông thường, các bạn tự đặt ra yêu cầu ống hút phải giữ được nguyên bản lá.
Người dùng khi nhìn vào sẽ dễ dàng nhận ra ống hút được làm từ lá chuối hay lá dừa. Keo và việc tạo hình là hai thử thách làm nhóm đau đầu 6 tháng trời. Đây là những điều tạo nên thành công, như một bí quyết độc quyền làm tăng độ dai, đàn hồi cho sản phẩm.
Thanh Duyên cho biết các bạn đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ với sản phẩm. Các bạn tự tin có thể mở rộng quy mô sản xuất ống hút từ lá, trước mắt là gần 145.000 hộp mỗi năm.
Đây chỉ là con số được tính dựa vào năng lực một dự án khởi nghiệp của sinh viên. Còn nếu có nhà xưởng, máy móc quy mô, con số sẽ còn lớn hơn nhiều.
Giá mỗi hộp 20 ống hút lá hiện là 10.000 đồng, tương đương 500 đồng/ống (ống hút sinh học trên thị trường hiện khoảng 700 - 1.200 đồng/ống). Giá này vẫn chưa làm nhóm hài lòng, nhất là với mục tiêu tiếp cận mọi khách hàng, hàng quán vì vẫn cao hơn ống hút nhựa.
Nhưng các bạn tin nếu mua nguyên vật liệu với số lượng lớn, tối ưu quá trình vận chuyển, sản xuất công nghiệp… giá bán ống hút lá cây hoàn toàn có thể cạnh tranh với ống hút nhựa.
Dự án Green Future vừa đoạt giải nhì cuộc thi "Sinh viên Công Thương với ý tưởng khởi nghiệp" lần 5 năm 2024, do Trường đại học Công Thương TP.HCM tổ chức mới đây.
Với công nghệ xử lý lá, keo dán, nhóm còn đang nghiên cứu việc sản xuất bát đĩa từ lá. Dự án được đánh giá mang lại sự an toàn cho khách hàng.
Sản phẩm không giới hạn phạm vi sử dụng, tự phân hủy sinh học, phù hợp với xu hướng được quan tâm trong ngành công nghiệp đồ uống và thực phẩm, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường.
20-10: Hạn chót gửi đăng ký dự án tham gia
Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 do báo Tuổi Trẻ và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức, phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam).
Hội đồng thẩm định sẽ tiếp xúc và kết nối với start-up qua hình thức chấm giải đặc biệt Coffee Talk. Những start-up sáng giá sẽ được vinh danh trong gala dự kiến tổ chức vào tháng 11-2024.
Ngoài chia sẻ câu chuyện trên mặt báo, các dự án khởi nghiệp tham dự chương trình có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như được truyền thông, quảng bá hình ảnh đến cộng đồng.
Top 20 start-up được chọn vào chung kết sẽ được hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, Ngân hàng ACB, Volvo, KN Group, Dai-ichi Life Việt Nam, An Hòa, Faslink, Ecco Golf Vietnam, Tín Nghĩa...
Trong đó giải đặc biệt (100 triệu đồng) từ ban cố vấn chương trình là ông Phạm Phú Ngọc Trai - chủ tịch PRO Vietnam.
Chương trình đang nhận hồ sơ tham gia của các dự án đến ngày 20-10 tại email: [email protected], hoặc truy cập chuyên trang Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 để nhận form đăng ký và gửi bài tham dự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận