28/06/2018 09:08 GMT+7

Ống hút nhựa, kẻ giết người thầm lặng!

LƯU ĐÌNH LONG
LƯU ĐÌNH LONG

TTO - Chúng ta nói nhiều về sống xanh, về bảo vệ môi trường. Nhưng chúng ta đang gây tổn hại môi trường và sức khỏe bản thân bằng sự dễ dãi và thói quen dùng chế phẩm từ nhựa.

Ống hút nhựa, kẻ giết người thầm lặng! - Ảnh 1.

Ống hút tre ở quán cà phê trên đường Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng - Ảnh: Đ.L.

Chuyện ở quán cà phê tại Đà Nẵng...

Mỗi ngày, bao nhiêu ống hút nhựa?

Nhân chuyến công tác tại Đà Nẵng, tôi ghé vào quán cà phê trên đường Ông Ích Khiêm. Quán nhẹ nhàng, dễ thương và hiện đại. Tôi ấn tượng nhất việc sử dụng ống hút tre với lời kêu gọi tha thiết: "Hằng ngày quán thải ra vài chục cái ống hút. 

Tính ra mỗi tháng, mỗi năm, quán thải ra hàng trăm hàng ngàn cái ống hút. Mấy trăm triệu cái ống hút này được sản xuất bằng nhựa hỗn tạp, kích thước nhỏ, vì vậy không thể tái chế mà được đổ vào lòng đại dương".

Và câu chuyện của chủ quán: những ống hút đó, cá nhìn thấy, tưởng thức ăn nên ăn luôn. Có con mắc cổ chết ngay lập tức, có con cả đời mang cái ống hút nghiệt ngã trong bụng. Cá và chim là những động vật trực tiếp chịu đựng mấy cái ống hút. Muối biển cũng sẽ lẫn hạt vi nhựa. Con người ăn cả chim, cá và muối biển. Vậy chẳng khác gì mình đã ăn chất độc từ ống hút kinh dị đó!

Giải pháp của chủ quán này: "Để tránh trường hợp ăn phải ống hút, chúng ta tập chia tay mấy cái ống hút nhựa. Đối với những món bắt buộc phải dùng ống hút cho thanh tao nhã nhặn, quán chúng tôi dùng ống hút tre. Nếu bạn bỏ hẳn được thói quen dùng ống hút, xin vui lòng báo cho chúng tôi, chẳng có gì để tặng bạn, nhưng chủ quán hứa sẽ hạnh phúc vui mừng!". 

Theo đó, quán này đã bắt đầu xài ống hút tre từ tháng 4-2018.

Chuyện của quán khiến tôi chợt nhớ, Tuổi Trẻ Online có đưa tin về một chú cá nhà táng chết vì nuốt đến 29kg các loại rác nhựa. Chú cá xấu số được tìm thấy ở bờ biển Murcia, miền nam Tây Ban Nha cuối tháng 2. 

Người ta tìm ra rất nhiều túi nilông, lưới, các loại túi nhựa, thậm chí cả nhựa dẻo trong dạ dày và ruột cá. Bài báo còn thông tin: ước tính xấp xỉ 5.000 tỉ mảnh rác thải nhựa đang trôi nổi khắp các đại dương trên thế giới, tổng trọng lượng rác nhựa ở đại dương có thể vượt cả số cá trên thế giới vào năm 2050...

Tiện nhưng không lợi

Ven đường các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng... ngày càng nhiều các quầy bán cà phê, nước ép trái cây mang đi. Họ luôn dùng ly nhựa chứa nước uống, mỗi ly kèm theo một ống hút nhựa và một túi nilông (ống hút và ly chưa rửa trước khi mang ra đựng nước uống). 

Người mua bận rộn mua mang đi ngay, người bán không cần bày bàn ghế, thậm chí không tốn công rửa ly. Nhiều hàng quán có bàn ghế hẳn hoi cũng vẫn bán những ly nhựa cho khách uống tại chỗ và khách có nhu cầu mang về. Việc nghĩ là bình thường này hằng ngày sẽ thải ra môi trường bao nhiêu rác thải nhựa? Và mớ rác này hàng trăm năm mới có thể tiêu hủy hết...

Các bà nội trợ ngày nay đi chợ không cần mang giỏ xách và mang về hàng chục bao nilông. Nghĩ về chuyện đi chợ ngày trước, mọi thứ gói trong lá chuối và bỏ vào giỏ xách mang về. 

Lối sống xưa nhưng quả thật rất văn minh vì không làm ô nhiễm môi trường mới thực sự là sống xanh. Nay, chúng ta nói nhiều đến sống xanh, ý thức bảo vệ môi trường nhưng lại quên mất những thói quen sống nhỏ nhặt hằng ngày đã ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe bản thân.

Thực ra, không phải cái gì tiện dụng cũng tốt bởi nó chỉ tiện dụng nhưng không lợi (tác hại dài lâu và rất lớn). Điều đó cần được đánh động để thay đổi! Các cơ sở kinh doanh, thương hiệu cà phê, nước uống nếu đều ý thức như chủ quán cà phê ở Đà Nẵng thì hay biết mấy!

ThS.BS LÊ QUỐC TUẤN (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM):

Những kẻ giết người thầm lặng

Trong khi giới y học đang cố gắng tìm các phương pháp để chữa trị các bệnh hiểm nghèo, hằng ngày chính chúng ta lại đang liên tục đưa độc chất sinh bệnh vào người. Giới khoa học đã tìm ra được nhiều hoạt chất sinh ung thư cũng như đột biến gen trong đồ nhựa, nguy hiểm nhất khi đựng thức ăn, nước uống nóng.

Ly nhựa, chai nhựa, ống hút nhựa... chính là những kẻ giết người thầm lặng. Đa số những sản phẩm này lại được tái chế nhiều lần trong công nghiệp càng làm cho độc tính tăng lên nhiều lần. Nên tránh xa những dụng cụ chứa thức ăn có nguồn gốc từ nhựa công nghiệp.

TẤN KHÔI ghi

8 triệu tấn nhựa trôi vào biển: Người nổi tiếng nói không với đồ nhựa

TTO - Theo UNEP, mỗi năm, hơn 8 triệu tấn nhựa trôi vào đại dương và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh vật biển, ngành đánh bắt cá, du lịch và gây ra thiệt hại đối với hệ sinh thái biển ước tính ít nhất là 8 tỉ USD.

LƯU ĐÌNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp