Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái) gặp Thống tướng Min Aung Hlaing ở thủ đô Naypyidaw (Myanmar) vào hôm 7-1 - Ảnh: AFP
Chuyến thăm của Thủ tướng Campuchia, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN, được kỳ vọng giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar kéo dài kể từ cuộc chính biến ngày 1-2 năm ngoái.
"Nếu các cuộc thảo luận ở Myanmar thành công, tôi có thể hoãn ngày về nước sang 9-1" - báo Khmer Times dẫn lời Thủ tướng Hun Sen nói hôm 5-1.
Kỳ vọng chấm dứt bạo lực
Đầu tuần này, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn đánh giá cuộc khủng hoảng chính trị và an ninh ở Myanmar đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế, y tế và nhân đạo. Ông Prak Sokhonn cho rằng Myanmar đang hội đủ yếu tố làm bùng lên cuộc nội chiến.
Tình hình Myanmar đang ngày càng bất ổn trầm trọng do các cuộc đụng độ giữa quân đội và người biểu tình cũng như với các nhóm vũ trang thiểu số ở nước này, kể từ khi quân đội Myanmar phế truất chính quyền dân sự và bắt giữ Tổng thống Win Myint, Cố vấn nhà nước San Suu Kyi và các thành viên nội các hồi tháng 2-2021.
Thủ tướng Hun Sen kỳ vọng chuyến thăm của ông sẽ đóng góp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar. "Nếu hòa bình và dân chủ quay trở lại Myanmar, tất cả người dân Myanmar sẽ được hưởng lợi từ những nỗ lực tạo thuận lợi của các quốc gia thành viên ASEAN. Tuy nhiên, mọi thứ phải được tiến hành dưới quyền hạn của Myanmar vì chúng tôi là những người ngoài cuộc" - ông Hun Sen nhấn mạnh trong thông điệp trước khi đến Naypyidaw.
Trong thông báo ngày 7-1, Bộ Thông tin Myanmar cho biết ông Hun Sen và Thống tướng Min Aung Hlaing đã hội đàm về quan hệ song phương và các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có ASEAN. Tuy nhiên, họ không cung cấp nội dung chi tiết. Còn theo thông tin của Bộ Ngoại giao Campuchia, ông Hun Sen gặp lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar để "thảo luận và trao đổi quan điểm về hợp tác song phương và đa phương" cũng như những diễn biến gần đây bên trong ASEAN.
Giới chỉ trích cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Hun Sen có thể hợp pháp hóa chính quyền quân sự Myanmar. Tuy nhiên, theo báo Phnom Penh Post, ông Hun Sen khẳng định mục đích của chuyến thăm là để "làm lắng dịu cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Myanmar và thúc giục tất cả các bên kiềm chế để chấm dứt bạo lực ở nước này".
Nhấn mạnh đồng thuận 5 điểm
ASEAN và quốc gia chủ tịch Campuchia đang thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar và đã thông qua kế hoạch "đồng thuận" gồm 5 điểm vào tháng 4-2021 nhằm khôi phục ổn định tại Myanmar.
Đồng thuận 5 điểm này bao gồm: chấm dứt hành vi bạo lực ở Myanmar, đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan, một đặc phái viên ASEAN sẽ tạo điều kiện cho quá trình đối thoại, ASEAN cung cấp viện trợ nhân đạo và đặc phái viên ASEAN đến Myanmar gặp tất cả các bên liên quan.
Tuy nhiên, chính quyền quân sự Myanmar không thực hiện kế hoạch này khiến một số quốc gia ASEAN, trong đó có Indonesia, Malaysia và Singapore, đã bày tỏ sự thất vọng. Kết quả là ASEAN không mời Thống tướng Min Aung Hlaing dự 2 sự kiện quan trọng của khối này là Hội nghị cấp cao ASEAN lần 38 và 39 (tháng 10-2021) và Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc (tháng 12-2021).
Thủ tướng Hun Sen cho biết, trong cuộc gặp với Thống tướng Min Aung Hlaing, ông nhấn mạnh kế hoạch đồng thuận 5 điểm mà các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí. Ông Hunter Marston - nhà quan sát ASEAN và là thành viên tại Diễn đàn Thái Bình Dương - cho rằng Thống tướng Min Aung Hlaing "sẽ lắng nghe Thủ tướng Hun Sen", nhưng sẽ chỉ để tìm kiếm một đối tác có lợi cho chương trình nghị sự chính trị của mình.
Còn nhà nghiên cứu Bunna Vann tại Viện Hợp tác và hòa bình Campuchia đánh giá với vị trí Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Campuchia cảm thấy họ có nghĩa vụ giải quyết vấn đề Myanmar và tìm ra các giải pháp khả thi. Nếu Campuchia có thể gắn kết các bên khác nhau ở Myanmar thì đó sẽ là thành công lớn của Phnom Penh.
Campuchia tặng Myanmar hơn 3 triệu khẩu trang
Tháp tùng Thủ tướng Hun Sen thăm Myanmar có Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và hợp tác quốc tế Prak Sokhonn, Bộ trưởng cao cấp và Bộ trưởng Công nghiệp, khoa học, công nghệ và đổi mới Cham Prasidh cùng một số quan chức cấp cao khác.
Thủ tướng Hun Sen cũng mang theo các vật tư và thiết bị y tế của Campuchia tặng cho Myanmar bao gồm 3,2 triệu khẩu trang, 100.000 kính bảo hộ, 30.000 thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), 30.000 tấm che mặt, 50 máy thở, 50 thiết bị tạo oxy... Đây là lần thứ ba Chính phủ Campuchia hỗ trợ vật tư y tế chống dịch COVID-19 cho Myanmar.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận