Thủ tướng Campuchia Hun Sen - Ảnh: Khmer Times
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 21-9 nhân Ngày hòa bình quốc tế, Thủ tướng Campuchia Hun Sen phàn nàn rằng các nước phương Tây đã không đánh giá cao "những thành tựu tuyệt vời" của Campuchia trong 4 thập niên qua, theo Hãng tin DPA.
"Những thành tựu tuyệt vời mà Campuchia đã đạt được trong hơn 40 năm qua chưa bao giờ nhận được sự khen ngợi hay ngưỡng mộ từ một số cường quốc và các nước phương Tây. Những nước này chỉ có các chương trình nghị sự chính trị nhằm đưa Campuchia trở thành một bàn đạp để phục vụ các tham vọng chính trị của họ", ông Hun Sen nói.
Nhà lãnh đạo Campuchia cho rằng nước này đã trở thành nạn nhân của "tiêu chuẩn kép" khi một số quốc gia phương Tây đánh giá về vấn đề quyền con người ở xứ sở chùa tháp.
"Họ cũng sử dụng vấn đề quyền con người để làm công cụ chính trị hoặc cái cớ nhằm can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm chủ quyền và sự độc lập của Campuchia cùng các quốc gia yếu khác", báo Phnom Penh Post dẫn lại lời của ông Hun Sen.
Hồi tháng 8, Liên minh châu Âu (EU) đã ngưng một phần các ưu đãi thương mại dành cho Campuchia để phản ứng với các hoạt động mà theo họ là vi phạm quyền con người, gồm việc ép giải tán đảng đối lập. Trước đó, Campuchia đã được hưởng lợi từ cơ chế thương mại “mọi thứ trừ vũ khí” (EBA) của EU.
Tháng 1-2019, các thượng nghị sĩ Mỹ là Ted Cruz và Chris Coons đã đề xuất Đạo luật thương mại Campuchia 2019, theo đó yêu cầu chính phủ Mỹ xem xét lại ưu đãi đặc biệt mà Campuchia đã nhận dưới Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP).
Báo Khmer Times của Campuchia dẫn lời ông Pa Chanroeun, chủ tịch Viện Dân chủ Campuchia, nói rằng nếu Campuchia chấp nhận các điều kiện về ưu đãi thuế quan giống như GSP từ Mỹ hay EBA từ EU, Campuchia sẽ "luôn bị ảnh hưởng bởi các sức ép chính trị".
Ông nói rằng các nước đang phát triển nên có một chính sách đối ngoại khôn ngoan để sử dụng sức ép như vậy một cách có lợi. Theo quan điểm của chuyên gia này, các quốc gia nên giữ quan điểm trung lập và tuân thủ các luật hiến pháp của mình để có thể duy trì quan hệ cân bằng giữa các nước đang phát triển và các nước mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận