11/09/2018 10:34 GMT+7

Ông "hiệu trưởng" trường… khu phố

Đ.NHẠN - V.HÙNG
Đ.NHẠN - V.HÙNG

TTO - Chưa học đến lớp 3, chật vật tìm kiếm từng con chữ trong thời chiến tranh loạn lạc, nay được sống trong hòa bình, ông Võ Văn Đức (69 tuổi) đã mở ngôi "trường khu phố" thắp thêm ánh sáng rọi con chữ cho trẻ em nghèo.

Ông hiệu trưởng trường…  khu phố - Ảnh 1.

Ông Đức (trái) trao phần thưởng cho những học sinh có thành tích tốt của "trường khu phố" - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Người dân ở khu dân cư Quang Thành 4A5, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng quý mến gọi ông là "hiệu trưởng trường khu phố". Riêng ông chưa bao giờ dám nhận cái danh xưng ấy.

Ngôi trường… mấy mươi học trò

Một chiều giữa tháng 9, lũ trẻ vài chục đứa cao xâm xấp nhau tựu về nhà văn hóa tổ dân cư 38. Sau ngày khai giảng ở trường ít hôm, bọn trẻ lại được đón ngày "bế giảng" tại ngôi "trường khu phố" được tổ chức ấm áp, giản đơn.

Ông "hiệu trưởng" dáng lênh khênh, khuôn mặt hiền lành trao từng phần thưởng kèm những lời dặn dò các cháu trở lại trường vào kỳ học hè tới. Ngoài quà bánh liên hoan ngày bế giảng, các em còn được nhận phần thưởng là sách vở, dụng cụ học tập… nên đứa nào đứa nấy khoái cười tít mắt.

Không chỉ đồ dùng học, các em khó khăn còn được nhận cả mỳ tôm, gạo, các nhu yếu phẩm mà ông Đức quyên góp được. Em Nguyễn Thị An Nguyên (lớp 5) hí hửng khoe: "Ở lớp hè, em được cô giáo dạy các môn học chính rất dễ hiểu, được tập hát, sinh hoạt và ăn bánh kẹo mỗi cuối tuần. Kỳ này em học tốt nên được tặng tập vở, còn được nhận một thùng mì tôm bự nữa".

Giải thích về ngày bế giảng ngược dòng, ông Đức cho biết vì các lớp học bắt đầu từ cuối tháng 6 và nay kết thúc kỳ nghỉ hè là xem như bế giảng để các em tập trung học ở trường.

"Bà con gọi là "trường" cho "oách" vì có đủ các lớp từ lớp 1 đến lớp 5. Nhưng mỗi lớp nhiều thì mấy chục cháu, ít thì vài cháu. Chốt lại cũng chỉ được mấy mươi học trò. Các cháu đa số có bố mẹ làm công nhân ở khu công nghiệp, làm thuê mướn, nhiều đứa mồ côi, nhà khó khăn dữ lắm" - ông Đức nói.

Đấy là hiện tại, chứ cách đây 6 năm, khi ông Đức mới mở lớp học này thì chỉ có vài em theo học. Cả ông và ông Nguyễn Đức Cử (tổ trưởng tổ dân phố 38) vừa lặn lội đi tìm giáo viên đứng lớp, sắm sửa bàn ghế, bảng đen… ông Đức còn phải gỏ cửa từng nhà để "dụ" học sinh, xin phụ huynh cho con đi học.

Đứng lớp hiện là hai cô giáo một đã về hưu, một còn trẻ tuổi tình nguyện giảng dạy không lương cho các em các môn học chính. Có giai đoạn còn có cả sinh viên đại học, tình nguyện kèm cho các em.

Nhà sinh hoạt cộng đồng của tổ dân phố 38 là lớp học luân phiên nhau đón học sinh đều đặn mỗi tuần từ thứ 2 đến thứ 6. Các em không chỉ được học kiến thức, còn được dạy kỹ năng, lễ nghĩa.

"Vì tôi… dốt nên thương các cháu"

Nhiều người thường nhắc về ông Đức là người "vác tù và hàng tổng". Từ việc đến các chợ xin thực phẩm về cho bếp ăn từ thiện ở bệnh viện tâm thần, rồi lại đi liên hệ mệnh thường quân khắp nơi hỗ trợ các gia đình khó khăn, đi khuyên răn thiếu niên bỏ học quay lại trường… nhưng nghe chuyện ông đứng ra mở lớp dạy học thì là điều lạ bơi ông chỉ học chưa đến lớp 3.

Ông Đức bảo rằng cũng chính vì lẽ đó mà ông mới nặng lòng với trẻ em và khao khát tiếp con chữ cho những đứa trẻ khó khăn.

"Vì tôi… dốt nên thương các cháu" - ông Đức bắt đầu câu chuyện bằng một câu nói như rút từ tận tâm can. Ông bảo rằng chính vì mình "dốt" chữ nghĩa, nên hiểu cái "cực" của nó, không muốn một đứa trẻ nào cũng vì hoàn cảnh mà không được học.

Ông Đức kể lại rằng, ngày chiến tranh tàn khốc, cơm ăn bữa đói bữa no. Ông Đức là anh cả trong gia đình 11 người con nên chuyện học hành sớm bỏ dở khi ông lên lớp 3.

Sau này ông tham gia cách mạng và bị địch bắt giam ở nhà tù Côn Đảo. Thời gian ấy, ông cùng bạn tù giúp nhau học chữ. Người học lớp lớn dạy cho người lớp nhỏ. Dùng mảnh sành làm phấn viết trên nền đất. Người này học thì người khác canh chừng. Hễ bị cai ngục phát hiện là bị đánh nhừ tử nhưng ai nấy đều gắng học.

"Hồi đó thèm được học mà không được là đã khổ, nay nhiều cháu nhà nghèo cũng không có điều kiện học, lắm gia đình ba mẹ bận kiếm tiền không thể kèm cặp trong hè nên các cháu cứ sa vào game điện tử, những trò chơi không lành mạnh. Chỉ mong lớp học này giúp phần nào cho các cháu" - ông Đức bộc bạch.

Suốt những năm qua, ông Đức đã giúp đỡ, động viên cho nhiều học sinh vì khó khăn, ham chơi mà bỏ học quay lại lớp hoặc chọn đường học nghề. Nhiều em từ bỏ học lêu lỏng đã tu chí học hành, nay có việc làm ổn định.

Ông Trần Văn Khôi (tổ phó tổ 38, khu dân cư Quang Thành 4A5) cho biết: "Đa số người dân ở trong khu dân cư là công nhân lao động phổ thông, điều kiện cho con em đi học hè, học thêm là rất ít. Lớp học hè này là nơi chăm sóc, giáo dục trẻ dịp hè để cha mẹ các cháu yên tâm đi làm, bổ sung thêm kiến thức cho các cháu chuẩn bị cho năm học mới".

​Ra mắt chuyên mục "Tôi yêu Đà Nẵng" trên báo Tuổi Trẻ

TTO - Sáng 23-3, tại Đà Nẵng, báo Tuổi Trẻ và UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức lễ ra mắt chuyên mục Tôi yêu Đà Nẵng.



Đ.NHẠN - V.HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp