Sau hai lần vào bệnh viện Thống Nhất và Chợ Rẫy chữa căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối, ông được về ăn tết tại nhà con gái ông ở quận 2, TP.HCM.
Trông ông xanh xao và yếu nhiều. Ông bảo mấy tháng qua sút hơn chục cân. Thế nhưng ông vẫn vui cười, lạc quan và hẹn tết năm sau sẽ nói chuyện nhiều hơn.
Lúc tôi từ biệt, ông lưu luyến tiếc rằng năm nay ông không mời được 2 món ruột mà mọi năm ông vẫn tự làm bếp là cơm nếp cháy và bánh xèo "ăn là ghiền". Có lẽ do linh cảm sắp đi xa mãi mãi nên ông muốn giữ tôi lại để nói chuyện tiếp, mặc dù có những khoảng lặng mà ông bảo "dạo này hay quên, có lúc dường như không nhớ gì cả" rồi ông cười "nhưng giờ nhớ lại rồi!".
Đó là lần cuối tôi ngồi với ông Hai Nghĩa để nghe về chuyện làm vườn của ông ở Giồng Trôm, Bến Tre. Ông lo mùa hạn mặn năm nay làm hư hết những cây bưởi da xanh quý giá ít ỏi còn lại của ông. Ông lo bà con hàng xóm và dân đồng bằng sẽ đối diện với đợt hạn mặn khắc nghiệt hơn năm trước.
Đó cũng là lần cuối tôi cùng đàm đạo với ông Trương Vĩnh Trọng về tình hình thời sự đất nước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng lên trở lại. Ông lo nhưng vẫn lạc quan vì theo ông, bây giờ là thời của những người phải làm được việc chứ không phải là thời của những người lo giữ ghế, nói nhiều và làm không được việc.
Nhiều lúc thật khó phân biệt đâu là Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và đâu là phó thường dân Hai Nghĩa.
Ông làm tốt cả hai vai có lẽ nhờ sống thật ở vai này giúp ông làm tốt hơn ở vai kia. Ông Hai Nghĩa gần dân, nghe dân để ông Trương Vĩnh Trọng chịu trách nhiệm giải quyết những vấn đề của dân. Cánh cửa nhà công vụ ở phố Đội Cấn (Hà Nội) của ông thường được mở ngoài giờ để tiếp hàng xóm và tiếp luôn bà con khiếu kiện.
Ông khuyên bà con nộp đơn đúng địa chỉ bởi ông không thể giải quyết hết mọi chuyện, nhưng ông sẵn lòng nghe hết những câu chuyện bức xúc, oan khuất của họ. Họ tin tưởng ông khi giãi bày, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình vì ông được tiếng "nghe nhiều, nói ít và làm thật", không rao giảng hay hứa hẹn qua loa, đại khái.
Nhiều người dân khiếu kiện ngạc nhiên vì ông nhớ rõ tên tuổi, nội dung và tiến độ giải quyết vụ việc của họ. Nếu không làm thật, ông không thể nhớ cụ thể như vậy. Và ông xem đó là trách nhiệm phải giải quyết chứ không phải ra tay ban ơn, cứu giúp người khiếu kiện.
Ông thật sự là một nông dân biết lo cho mình nhưng lại là một chính khách biết lo cho người khác!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận