ông Phạm văn Chiêu và cuốn hồi ký cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào Gia định 1945-1954 - Ảnh: TỰ TRUNG |
Ông đốc học chọn hoạt động yêu nước
Sinh ra trong một gia đình nông dân ở vùng Long Thạnh Mỹ, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định vào những năm đầu thế kỷ 20, gần như con đường tiếp tục trở thành một nông dân đã sắp sẵn trước mắt cậu Bảy Chiêu.
Nhưng không, ông Phạm Minh Hiền, con trai ông Phạm Văn Chiêu, mỉm cười nói: “Có lẽ nhờ ảnh hưởng của người thầy giáo làng đầu tiên mà tầm mắt của cậu bé ấy đã mở rộng, vươn ra khỏi lũy tre, hướng đến chân trời mới của xã hội - thành phố - phát triển. Năm 10 tuổi, Phạm Văn Chiêu đã một mình rời nhà, lên thành phố học tập”.
Các nhà nghiên cứu lịch sử đã tìm lại được những văn bằng cao đẳng tiểu học Pháp bản xứ mà ông Phạm Văn Chiêu đã đạt được năm 19 tuổi, rồi chứng chỉ khả năng sư phạm năm 20 tuổi, giấy bổ nhiệm giáo viên, bổ nhiệm hiệu trưởng trường tổng Hóc Môn, thăng giáo viên hạng 1...
Khi đã trở thành một ông đốc học có tiếng tăm, địa vị, cuộc sống gia đình ổn định, vững chắc thì ông lại tiếp tục một lựa chọn nữa: những hoạt động yêu nước.
Thành lập Hội Ái hữu giáo viên - học sinh Gò Vấp, nhóm Minh Đức văn tập (Hóc Môn), tham gia hoạt động ủng hộ Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh, tham gia đám tang cụ Phan Chu Trinh, du khảo xe đạp ra Huế thăm cụ Phan Bội Châu...
Với những hoạt động trên, cùng sự nuôi dưỡng lòng yêu nước, nhen nhóm hoạt động cách mạng, năm 1942 thầy giáo Phạm Văn Chiêu bị nhà cầm quyền Pháp bắt giam. Cuộc sống yên ổn của cả gia đình bị xé tan.
Nhưng trong nhà tù, thầy Bảy Chiêu lại mạnh mẽ hơn, bước hẳn vào con đường cách mạng, chính thức trở thành một người cộng sản.
Hôm nay, nhắc lại những quyết định táo bạo của tuổi trẻ cha mình, ông Phạm Minh Hiền nhấn mạnh: “Quá trình chuyển biến của Phạm Văn Chiêu là một quá trình thuận: thuận theo xu hướng phát triển của thời đại, thuận theo chí hướng của những người dân yêu nước, những trí thức tiến bộ”.
Ông Phạm Minh Hiền (bên phải), con trai ông Phạm Văn Chiêu, tại cuộc tọa đàm khoa học “Đồng chí Phạm Văn Chiêu với Đảng bộ và nhân dân Gia Định - TP.HCM” do Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 8-7 - Ảnh: TỰ TRUNG |
Quyết không rời khỏi Gia Định
Một lựa chọn nữa của nhà cách mạng Phạm Văn Chiêu mà hầu hết những người tham gia hội thảo hôm nay đều nhấn mạnh: chọn An Phú Đông làm chiến khu kháng Pháp, bám lấy Gia Định, bám đất, bám dân.
Hăng hái lao vào cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, không ngần ngại bước vào cuộc kháng chiến của Nam Bộ liền ngay sau đó, ông Phạm Văn Chiêu được bầu làm chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Gia Định.
Lúc đó chính quyền non trẻ phải đương đầu với lực lượng quá lớn của quân Pháp, lần lượt các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang buộc phải rút khỏi nội ô Sài Gòn, ra ngoại thành, rồi về các tỉnh Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bà Rịa, Tây Ninh.
Xứ ủy Nam Bộ chủ trương “lập những khu kháng chiến ở ngoại ô, phụ cận Sài Gòn”, chủ tịch Phạm Văn Chiêu cùng các cán bộ Ủy ban hành chính Gia Định tập trung xây dựng chỗ đứng chân cho chính mình. Ông quyết không rời khỏi Gia Định. Và căn cứ An Phú Đông, chỉ cách trung tâm Sài Gòn có 7km đường chim bay, ra đời.
Hôm nay, ông Võ Anh Tuấn vẫn còn tấm tắc: “An Phú Đông là chiến khu đầu tiên của Nam Bộ. Suốt cuộc kháng chiến vẫn luôn là ngọn cờ đầu, dù bao nhiêu bom cày đạn xới, là nơi đứng chân vững vàng của tất cả các đơn vị khi tiến đến Sài Gòn”.
Còn ông Nguyễn Trọng Xuất nhẩm lại bài thơ nổi tiếng ngày ấy: “Bạn đã từng nghe An Phú Đông/ Một làng nho nhỏ ở ven sông/ Một năm chinh chiến, ôi chinh chiến/ Sông nước Sài Côn nhuộm máu hồng”.
Giữa chiến khu ác liệt ấy, ông chủ tịch - nhà giáo Phạm Văn Chiêu vẫn tổ chức các lớp bình dân học vụ, xóa mù chữ, đưa xã Quới Xuân trở thành xã đầu tiên xóa được nạn mù chữ ở Nam Bộ.
Khi hòa bình, thống nhất, ông Phạm Văn Chiêu về lại TP.HCM. Thành phố cấp cho ông một căn nhà ở trung tâm quận 1. Ông đến xem rồi lắc đầu: "Công lao của tôi không xứng để nhân dân thành phố phải cho nhà to đẹp như vậy". |
“Phần tôi đủ rồi”
Ông Phạm Minh Hiền kể thêm một câu chuyện về cha: năm 1946, chủ trương tiêu thổ kháng chiến yêu cầu tất cả các nhà ngói, tường xây đều phải phá hết, không để giặc làm đồn bót. Nhà cha mẹ ông Phạm Văn Chiêu cũng nằm trong diện đó. Anh em làm nhiệm vụ do dự, dừng lại chờ ý kiến cấp trên.
Ông Bảy Chiêu nghe được, ông nói: thực hiện ngay. “Ông nội tôi lắc đầu: 'Tưởng sao, nuôi cho ăn học thành tài, làm tới chức tỉnh trưởng, rồi ra lệnh phá nhà cha mẹ'. Tới lúc mọi người giải thích, ông nội hiểu ra mới bảo: 'Nó như vậy là có hiếu đó'...”, ông Hiền nói.
Còn ông Huỳnh Văn Cang lại kể về người bạn chiến đấu của mình: “Hòa bình, thống nhất rồi, anh Bảy về lại TP.HCM. Thành phố cấp cho anh một căn nhà ở trung tâm quận 1. Anh đến xem rồi lắc đầu: 'Công lao của tôi không xứng để nhân dân thành phố phải cho nhà to đẹp như vậy'.
Đến khi cơ quan tăng lương, anh lại đến bảo: 'Lương tôi như thế là đủ rồi. Nhà nước còn khó khăn, hãy dành khoản ấy tăng thêm cho những người lương thấp'. Đời có mấy ai như anh Bảy Chiêu”.
Cuốn hồi ký của ông Phạm Văn Chiêu được tái bản, và gửi tặng cho các khách mời tham dự hội thảo.
Lật giở xem, từ phần lời mở đầu cho đến trang cuối, ông Phạm Văn Chiêu chỉ viết về nhân dân Gia Định, về cuộc kháng chiến của đồng bào Gia Định. Không tìm thấy trang nào, dòng nào ông viết về bản thân mình. Thế hệ của ông là những người như vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận