98 tuổi nhưng ông Tư vẫn luôn nở nụ cười sảng khoái, tinh anh - Ảnh: QUỐC VIỆT
Điều thú vị là không chỉ dân Sài Gòn nói về ông, mà cả người Hà Nội cũng nhận xét ông như thế. Lần nào gặp nhau ở thủ đô, các nhà sử học hàng đầu Văn Tạo, Đỗ Văn Ninh cũng hỏi thăm: "Cụ Tư Sài Gòn thế nào rồi, vẫn khỏe chứ? Chúng tôi ngoài này vẫn theo dõi và quý cụ ấy".
“Làm việc và viết chung sách với ông Tư, tôi rất quý. Ông Tư thật sự là người trí thức đạo đức, tâm huyết nghiên cứu và cầm bút rất nghiêm cẩn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quyết Thắng
"Ông Tư ơi ông Tư"
Giờ thì cả hai nhà sử học Hà thành đều đã về tiên tổ, nhưng ông Nguyễn Đình Tư vẫn minh mẫn để viết và làm "từ điển sống" cho những ai muốn tìm hiểu về mảnh đất Sài Gòn trải hơn 300 năm với biết bao biến động thời cuộc.
Khoảng 60 đầu sách các loại của ông được xếp trang trọng trong nhiều tủ sách, từ những công trình nghiên cứu địa chí miền Trung đến các sách lịch sử, văn hóa, mà đặc biệt là bộ Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ, Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ và Đường phố nội thành Sài Gòn...
Còn nhớ lần đầu ghé thăm ông Tư ở con hẻm nhỏ trong đường Chu Văn An, tôi đã bị lạc đường. Căn nhà gạch không được hoàn thiện, cũ kỹ, nằm cuối hẻm lại bị che khuất bởi những ngôi mộ xưa um tùm cây cối.
Tuy nhiên, nghe tôi hỏi tìm ông Tư, ai cũng biết. "Ồ, ông Tư đó hả? Ông cụ mấy lần thấy nhận giải thưởng sách trên tivi đó hả? Để tui dẫn anh vô trỏng" - một phụ nữ đứng tuổi nhiệt tình. Vừa tới trước cửa nhà, bà đã ơi ới: "Ông Tư ơi ông Tư. Có khách kìa".
Chưa dứt tiếng gọi, tôi đã thấy ông cụ tóc bạc, da đồi mồi thò đầu ra bancông gác: "Cậu đợi chút xíu nhé. Tôi xuống liền". Chỉ vài phút sau, ông đã nhanh nhẹn mở cửa với giọng sang sảng: "Cậu tìm nhà khó không?". Thật sự, tôi bất ngờ với ông cụ sinh năm 1922 mà vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn đến thế. Dẫn tôi lên gác, ông đi phăm phăm và còn dặn dò: "Cậu cẩn thận nhe. Cầu thang tạm, dễ trượt chân".
Đó là lần đầu tôi được hầu chuyện "ông già Sài Gòn" cách đây khoảng mươi năm. Sau này, tôi còn nhiều lần gặp ông mà hầu hết đều trong những hoàn cảnh na ná như thế.
Ông thường ở trên gác, đọc sách hoặc lộc cộc gõ máy đánh chữ chắc đã có từ hồi tôi còn tắm mưa. Mà thư phòng làm việc ông đã viết ra bao đầu sách quý cũng thiệt giản đơn, thậm chí sơ sài, thiếu thốn. Mọi thứ đều cũ, rất cũ, từ cái tủ sách đến bàn nước, giường ngủ đều cũ mục, chắp vá tạm bợ.
Nếu chưa lật giở những đầu sách quý trang trọng ghi tên tác giả Nguyễn Đình Tư ở trang bìa, người mới nhìn cảnh này sẽ khó nghĩ đó là một nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử nghiêm cẩn...
Những lần vào Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, nhất là Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2, tôi có nghe các nhân viên ở đây nhắc về ông Tư. Một số người còn coi ông như bạn khi ông thường xuyên lui tới, sưu tra tư liệu.
Ông làm việc đam mê và công phu đến mức có thể bỏ ra ròng rã hàng năm để lục tìm tư liệu gốc cho các công trình nghiên cứu Đường phố nội thành Sài Gòn hay Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ... Ông quen hết mọi người làm việc ở nơi lưu giữ sách vở, tài liệu này, và ngược lại họ cũng xem ông như bạn thân thiết của mình.
"Hồi những năm 1940, kháng Pháp, tôi đã viết sách báo ở quê nhà Nghệ An rồi. Hình như đam mê cầm bút đã thành cái nghiệp vào thân từ nhỏ" - ông Tư chậm rãi kể cho lứa hậu sinh như tôi nghe cái duyên cầm bút của mình.
Sau năm 1954, ông vào làm ở các ty điền địa Phú Yên, Khánh Hòa và càng mải mê viết nhiều hơn nữa. Ngành điền địa cho ông điều kiện đi thực địa, và nhiều cuốn sách nghiên cứu lịch sử - địa chí Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Trị... lần lượt được ông cho ra đời. Cuốn nào cũng có giá trị học thuật mà nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu thì "các sách của ông Tư đều xứng đáng nằm trong tủ sách nghiên cứu uy tín".
... Và ông vẫn làm việc nơi gác sách giản dị - Ảnh: Q.VIỆT
Viết sách bên thùng đồ nghề sửa xe đạp
Vào Sài Gòn, ông Tư tiếp tục gắn bó với ngành điền địa và viết sách. Những năm tháng đời sống khó khăn sau năm 1975, ông vẫn không rời cây bút.
"Có thời gian dài tôi ngồi vá xe đạp trên vỉa hè Sài Gòn. Chật vật áo cơm, nhưng cũng khá rảnh bởi hồi đó đâu có mấy xe mà vá. Vậy là tôi lại tranh thủ viết ngay trên thùng đồ nghề sửa xe. Bộ sách nhiều tập Loạn 12 sứ quân ra đời trên những trang bản thảo lấm lem dầu nhớt như thế" - ông cười nhẹ nhàng kể bước ngoặt đời mình.
Chỉ tôi xem những cuốn sách bạc màu thời gian trong tủ gỗ cũng đã nứt nẻ, phai mờ nước sơn, ông cụ cả đời cầm bút này tâm sự một bước ngoặt nữa lại đến với mình khi ông viết sách đường phố Sài Gòn.
Cuốn sách không thể thiếu cho bất kỳ ai muốn nghiên cứu đô thị này, tôi chưa kịp hỏi chuyện ông đã nói ngay: "Cũng có một số người hỏi tôi "cơ duyên" nào lại viết cuốn sách quá tỉ mỉ, mất nhiều thời gian này. Tôi trả lời chắc là do hồi trước mình làm ngành điền địa nên quan tâm chuyện đường, chuyện phố, thế thôi".
Ông Tư lại cười nheo nheo cặp mắt hiền từ, tinh anh nhưng tôi hiểu cái "thế thôi" nhẹ như gió thoảng mà không hề đơn giản. Sách đường phố Sài Gòn của ông đâu phải tạp văn trôi theo cảm xúc, nó có đầu có đuôi, có chiều dài có chiều rộng, có mốc điểm lịch sử chính xác, có "ông Nguyễn Huệ gặp ông Lê Lợi" ở đoạn đường nào. Chỉ cần đọc lướt qua cũng thấy mồ hôi thực địa của ông đẫm trong cuốn sách này.
"Hồi đó, tôi có chiếc xe đạp mini cũ, cứ thế mà đạp thôi. Muốn viết đường nào thì phải đạp đến đường đó. Mà đâu phải chỉ một lần, nhiều đường tôi phải đạp đến mấy lần, loanh quanh ngày này qua ngày nọ mới hỏi chuyện, mới đo đạc được chính xác".
Ông nói cũng may mình làm điền địa nên có kinh nghiệm viết sách này. Điều kiện hồi đó đâu cho ông được ghé cơm hàng cơm quán. "Mỗi sáng, tôi đạp xe đi thực địa đều gói theo nắm cơm hoặc ổ bánh mì, chai nước. Vậy mà xe mòn nhưng người không mòn" - ông cụ lại cười nheo mắt.
Các lần vào Trung tâm Lưu trữ quốc gia, tôi cũng nghe họ kể về ông: "Ông cụ thiệt hiền lành, mải mê đọc tài liệu từ sáng đến chiều, chỉ ăn cơm nắm hay bánh mì mang theo".
Đó là họ nói về thời gian ông tìm tư liệu viết những bộ sách khảo cứu Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ, Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc. Sự thông thạo tiếng Pháp của ông là một lợi thế rất lớn khi nghiên cứu về giai đoạn lịch sử này.
Ở đời này, ai cũng hiểu nghiệp văn vốn dĩ nghèo. Gặp ông Tư, tôi càng quý khi hiểu rõ ông đam mê viết mà không màng chuyện tiền bạc, khác hẳn không ít kẻ thời nay chưa chấp bút đã chạy tiền đề án.
Nhiều lần leo cầu thang, trở lại phòng viết của "ông già Sài Gòn", tôi có buột miệng hỏi: "Viết mãi, thế có khi nào ông chán viết không?". Ông chỉ cười nheo mắt, không thèm trả lời câu hỏi vô duyên của kẻ hậu sinh. Nhưng mới hôm qua, nghe con trai ông bảo: "Cha tôi hồi đêm vẫn đánh máy chữ đến tận 1h sáng. Tôi kêu đi ngủ, ông vẫn không chịu".
Và tết này, ông đã sang tuổi 98...
Được nhiều giải thưởng, vinh danh
Bộ sách quý của ông được trao giải A sách hay - Ảnh: Q.V.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã được trao tặng nhiều giải thưởng sách, trong đó có bộ sách 2 tập Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ 1859-1954 nhận giải A sách hay năm 2018. Đặc biệt năm 2017, ông cũng được Hội Sử học Việt Nam vinh danh và trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp sử học Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận