Nguyễn Hữu Phong đóng vai ông già Noel đi trao quà mùa Giáng sinh 2017 - Ảnh: Ý NHUNG
Dù rất đông bạn trẻ chọn tụ tập bạn bè đi chơi hoặc đón Giáng sinh bên gia đình, Nguyễn Hữu Phong và nhóm bạn chọn cách đặc biệt hơn: đóng vai ông già Noel, trao quà cho các em nhỏ trong đêm Noel.
Thu nhập không cao
Phong là sinh viên khoa Cơ khí trường ĐH Sư Phạm Kỹ thuật TP.HCM, nhưng rất thích nghề tổ chức sự kiện. Anh quyết định theo đuổi con đường này bằng việc tìm kiếm việc làm thêm có liên quan, vừa để cũng cố kĩ năng, vừa kiếm thêm thu nhập. Giao quà Giáng sinh là một trong những công việc làm thêm đó.
Anh cho hay, những ngày cao điểm nhất để giao quà là từ 22-12 đến ngày 25-12, cả ngày lẫn đêm. Nhóm của Phong có 8 người. Mỗi mùa giáng sinh, Phong nhận giao từ khoảng 200-300 phần quà.
Ban đầu, dịch vụ của Phong chủ yếu lan truyền qua miệng và mạng xã hội. Sau này Phong lập web để tiện hơn cho công việc. Họ nhận thông tin từ phụ huynh các bé, sắp xếp thời gian và tự chuẩn bị quà tặng.
Thông thường, mỗi suất trao quà có giá 120.000 đồng. Mỗi phần các bạn thu được lợi nhuận từ 60.000-80.000 đồng. Công việc chính của họ là đến trò chuyện, tặng quà, hát hò nhảy múa cùng các em nhỏ.
Phong chia sẻ lợi nhuận của nhóm từ dịch vụ này không hề nhiều. Anh phải chuẩn bị dụng cụ cần thiết như trang phục ông già Noel, chuông, bánh kẹo, xăng xe. Song cả nhóm đều cảm thấy vui vẻ khi làm việc này.
Đóng vai ông già Noel mùa Giáng sinh là công việc đem lại nhiều niềm vui - Ảnh: Ý NHUNG
Niềm vui nho nhỏ
Phong luôn quan niệm, chỉ khi làm công việc mình yêu thích, hiệu quả mới cao. Công việc giao quà tưởng chừng nhẹ nhàng, đơn giản nhưng anh cũng gặp đủ sự cố với những tình huống vô cùng trớ trêu.
Lần đầu đi giao quà, anh cho hay mình cũng bị bỡ ngỡ vì ít tiếp xúc với trẻ con. Lần ấy, Phong giao quà cho bé trai 4 tuổi. Bé đã chờ đợi ông già Noel trước cả tuần lễ. Thế nhưng, khi Phong xuất hiện với bộ trang phục của ông già Noel cùng bộ râu và chiếc chuông, bé hét toáng lên, trốn vào góc giường vì sợ.
"Mọi người đều đứng hình. Bố mẹ bảo do bé có chứng sợ người lạ. Sau một hồi dỗ dành hết lời, bé cũng cười, vuốt bộ râu giả của ông già Noel", Phong kể.
Để mỗi lần giao quà trở nên có ý nghĩa hơn, thông thường Phong và các bạn tìm hiểu rõ thông tin về từng bé, tên, tuổi, sở thích, thói quen, tật xấu. Đặc biệt trong mỗi câu chuyện, Phong luôn cố gắng lồng ghép những điều hay, lẽ phải, khuyên nhủ bé bỏ những tật xấu và gieo rắc những ước mơ vào các em.
"Mình nhớ nhất là những câu trả lời ngây ngô của mấy em nhỏ. Có bạn bảo ông già Noel 20 tuổi, có bạn lại bảo 200 tuổi, có khi lại bảo ông già Noel lái máy bay tới… Mỗi câu nói hồn nhiên của các bé xua tan đi mệt mỏi trong lúc bọn mình làm việc" .
Giáng sinh đặc biệt
Những hôm cao điểm như 23 và 24-12, nhóm của Phong phải giao quà rất nhiều địa điểm, từ Bình Dương đến Đồng Nai và cả Sài Gòn. Những lúc kẹt xe, hỏng xe, mọi người lại bị lỡ giờ giao quà. Nhiều khi anh cũng bị phàn nàn và phải giải thích rất nhiều với các em nhỏ.
"Trẻ con rất tin vào lời hứa. Có khi bố mẹ báo 8h tối bọn mình đến, nhưng mình đến trễ, vậy là bị mấy đứa nhỏ bắt bẻ chuyện giờ giấc. Mấy bé còn khó tính hơn cả phụ huynh. Có bé lại thích ông già Noel quá, không cho tụi mình về, kết cục là tụi mình lại bị trễ với các bé sau".
Nhiều lúc đến khuya, các "ông già Noel" này chưa được ăn tối vì sợ lỡ giờ, qua đêm Noel thì không còn ý nghĩa.
Chia sẻ về việc có tủi thân hay buồn bã vì không được đi chơi lễ, cả nhóm đều cho hay họ không cảm thấy buồn. "Bọn mình thường tranh thủ dẫn bạn gái, người thân đi chơi vào những hôm trước, hoặc ban ngày, để bạn ấy không buồn. Còn thời gian cao điểm, bọn mình vẫn đi làm".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận