30/12/2012 05:05 GMT+7

Ông già giữa rừng săng lẻ

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - Ngược lên thị trấn Hòa Bình, huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An), tôi đi giữa khu rừng săng lẻ đẹp như tranh hiện lên hai bên quốc lộ 7.

Dẫu đã sang đông nhưng không ít xe chở du khách dừng lại đây để ngắm cây, nghe chim hót và tận hưởng không khí mát lạnh của khu rừng.

QLPcPivX.jpgPhóng to
Cánh rừng săng lẻ chạy dài theo quốc lộ 7 - Ảnh: Vũ Toàn

Theo người dân địa phương, muốn hiểu về khu rừng săng lẻ này phải bắt đầu từ ông già Nghĩa (Vi Chính Nghĩa, 84 tuổi, dân tộc Thái). Hiện ông đang trú trong căn nhà mái nứa giữa khu rừng săng lẻ rộng hơn 100ha.

Sáng kiến của bí thư huyện

Khi tôi đến, ông đang ngồi trên chiếc võng gai đu đưa, mắt nhìn ra khu rừng. Ông nói: “Người ta ví khu rừng này là cái máy lạnh khổng lổ quả không sai đâu bởi nhiệt độ ở đây giảm hơn 5OC so với bên ngoài. Mùa hè, vào đến cửa rừng là mát hẳn”. Và câu chuyện của ông đưa tôi về năm tháng ông làm bí thư Huyện ủy Tương Dương với sáng kiến giữ rừng và bao nhiêu thăng trầm với từng cây săng lẻ.

Năm 1962, khi đang làm bí thư Huyện ủy Tương Dương, biết Lâm trường Tương Dương chuẩn bị khai thác hàng ngàn hecta rừng săng lẻ ở địa bàn xã Tam Đình, ông Nghĩa khẩn trương đề xuất thường vụ huyện ủy “phải chỉ đạo xã Tam Đình khoanh lấy một vùng rừng săng lẻ để giữ lại, nếu không họ khai thác hết thì xót xa lắm”.

Thường vụ nhất trí. Ông bí thư đích thân đạp xe đi 13km về bàn với hợp tác xã Quang Thịnh thuộc bản Quang Thịnh, xã Tam Đình cách nơi khoanh rừng 100ha. Dạo ấy rừng còn nhiều lại được huyện ủy can thiệp nên lâm trường sẵn sàng nhường lại một góc rừng này. Nhưng cái khó đầu tiên là “có rừng rồi nhưng không có ai bảo vệ, quản lý vì chỉ riêng hợp tác xã thì làm không xuể”.

Ông Nghĩa kể: “Năm 1966, tôi chuyển xuống thành phố Vinh làm phó Ban dân tộc và miền núi tỉnh, chuyện giữ rừng ở huyện không còn sâu nặng lắm nên năm 1980, hợp tác xã bàn giao trở lại cho lâm trường quản lý. Đây cũng là thời kỳ lâm tặc bắt đầu tấn công vô rừng nên năm 1983 lâm trường phải bàn giao khu rừng cho Hạt kiểm lâm Tương Dương. Kiểm lâm cử người bảo vệ nhưng đêm đến là lâm tặc đưa trâu vào kéo gỗ, mõ trâu vang khắp rừng. Vì gỗ săng lẻ nhìn là mê lắm. Thân cây gỗ dài và thẳng tăm tắp. Ngoài lâm tặc chặt trộm thì dân làm nhà đều nhìn vô đây”.

Do các cơ quan quản lý không nổi lại biết ông Nghĩa đã về hưu nên năm 1992 Hạt kiểm lâm Tương Dương đến bàn, nhờ ông bảo vệ khu rừng. Ông Nghĩa nói: “Đẻ con ra thì phải nuôi. Ý tưởng của mình đề xướng thì phải cố giữ để biến thành hiện thực. Các anh giao thì tôi nhận làm. Lương 2 triệu đồng/năm cũng được nhưng phải xử lý những tồn tại. Cụ thể là phải có cách giáo dục người ăn cắp rừng, không để người dân hóa thành lâm tặc”. Mấy cán bộ kiểm lâm thấy khó vì “biết ai phá rừng mà giáo dục”. Ông bảo: “Các anh cứ mời công an về đây, tôi bày cho”. Do là người địa phương nên ông Nghĩa hiểu rõ và cung cấp cho công an danh sách những người phá rừng với cưa xăng, cưa tay và gỗ lậu thu giấu từ khe suối đến làng bản.

ob9Wjj8c.jpgPhóng to
Ông Nghĩa kể chuyện bảo vệ rừng săng lẻ - Ảnh: Vũ Toàn

Ông già canh rừng

Năm đầu tiên nhận trọng trách giữ rừng, ông Nghĩa gặp vô vàn cam go vì “họ muốn ăn trộm nên mình phải rình mới theo dõi được. Một người ăn trộm trót lọt thì có nhiều người ăn trộm theo. Qua nhiều đêm bị tôi theo dõi, họ tìm cách đối phó. Họ nhét lá vào mõ trâu để giảm tiếng mõ kêu. Rừng đêm mênh mông, biết nó kéo gỗ ngả nào mà lần rừng bám theo, nhưng nếu nản là thua cuộc. Khi tôi làm rát, lâm tặc nhiều phen tháo chạy, bỏ lại trâu, gỗ giữa rừng”.

Biết trâu của nhà ai, ông Nghĩa đến nhà đó giải thích: “Rừng này là của dân, của bản ta, xã ta. Dân phải bảo vệ, phải quản lý để giữ lấy môi trường. Chặt sạch rừng thì có cái nhà đẹp thật đấy, nhưng lũ lụt tràn về cuốn trôi nhà cửa thì cũng chẳng ích gì và còn nguy hiểm đến tính mạng của con cháu ta và nhiều người nữa. Nên tôi trả trâu. Gỗ nộp cho kiểm lâm, còn bà con không được phép phá rừng nữa”.

Nhưng chỉ có một ít người nghe lời ông Nghĩa. Kẻ xấu lại lách rừng vào tận khe sâu dùng cưa xăng thay rìu để tiếp tục khai thác gỗ lậu. Ông nói: “Một mình, con mắt không thể nhìn thấy hết người đi phá rừng; cái tai không thể nghe thấu tiếng cưa gỗ trong khe kín nên tôi đi tận từng nhà có thể tin cậy để vận động họ, nếu biết ai đi làm gỗ lậu thì báo tin cho mình. Nhưng khi theo tin báo bắt được đối tượng thì hắn dọa “không phải rừng của ông, ông giữ làm gì, ông mà giữ thì sẽ bị ăn đòn”. Có người đòi đánh buộc tôi phải huy động mấy đứa con thay nhau cùng cha đi bảo vệ rừng đêm đêm”.

Từng làm bí thư huyện ủy, ông Nghĩa chủ trương “làm êm dịu, không gây căng thẳng, không tạo điểm nóng”. Đồng thời ông tranh thủ đi giải thích với dân bản: “Tôi không thiếu nghề, chăn nuôi đàn bò cũng có thể kiếm sống được. Vì sao về hưu rồi tôi vẫn đi bảo vệ rừng. Mà rừng có phải riêng của tôi đâu”. Nhưng cũng có lúc căng thẳng quá, ông phải mời kiểm lâm đến tịch thu gỗ và phạt tiền. Cứ kiên trì như thế đến năm 2000, khu rừng trở nên yên ắng.

Ông tâm sự: “Đến lúc mình già rồi, không leo trèo núi non được nữa thì dân bản cũng sống có nền nếp. Giờ thì gỗ mọc cao vút bên đường cũng không thấy ai thèm. Xưa mình có công khoanh rừng lại. Giờ rừng thành điểm dừng chân của người dân lẫn người nước ngoài. Một số dân bản đến đây mở quán bán hàng giải khát phục vụ khách thập phương.

Nghĩ cũng vui”.

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp