Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chủ trương quan hệ nồng ấm với Trung Quốc để đổi lấy các lợi ích kinh tế ngắn hạn - Ảnh: REUTERS
Người phát ngôn của ông Duterte, ông Salvador Panelo, xác nhận sự việc trong cuộc họp báo ngày 11-2 tại Manila. Ông Panelo dẫn lại lời Tổng thống Duterte nhấn mạnh rằng đã tới lúc Philippines cần phải độc lập về quân sự và không lệ thuộc vào Mỹ.
"Đây sẽ là lúc chúng tôi dựa vào chính mình. Philippines sẽ tăng cường khả năng phòng thủ, chiến đấu và không dựa vào bất kỳ nước nào khác", người phát ngôn của ông Duterte tuyên bố.
Theo Hãng tin Reuters, quyết định hủy VFA được ông Duterte đưa ra sau khi thượng nghị sĩ Ronald dela Rosa, một đồng minh thân cận của ông Duterte, bị Mỹ hủy visa vì vai trò trong các chiến dịch trấn áp ma túy ở Philippines.
Ông Rosa, cựu cảnh sát trưởng quốc gia Philippines, được xem là cánh tay mặt của Tổng thống Duterte trong cuộc chiến chống ma túy bị phương Tây cáo buộc là giết hàng ngàn người không qua xét xử.
Mối quan hệ đồng minh hiệp ước giữa Mỹ và Philippines được điều chỉnh bởi Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) được ký vào năm 1951 và Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) đạt được dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama.
VFA được ký vào năm 1998, cho phép hàng ngàn binh sĩ Mỹ đóng trú luân phiên ở Philippines để tham gia các cuộc tập trận quân sự và chiến dịch hỗ trợ nhân đạo. Theo Reuters, có khoảng 300 hoạt động như vậy mỗi năm, bao gồm các chuyến viếng thăm của tàu chiến Mỹ.
Tổng thống Philippines không giấu thái độ tiêu cực với Mỹ. Trong bài phát biểu ngày 10-2, ông Duterte cáo buộc quân đội Mỹ từ lâu đã có các hoạt động quân sự bí mật qua mặt Philippines và nói rằng Washington đã đối xử với Manila "như một con chó bị xích".
Đỉnh điểm của những cáo buộc này là chuyện ông Duterte nói Mỹ đã lén lút đưa vũ khí hạt nhân đến Philippines dù không trưng ra được bằng chứng. Nhà lãnh đạo Philippines sau đó còn lập luận sự hiện diện của Mỹ biến Philippines thành mục tiêu bị tấn công và xâm lược tiềm năng.
"Tổng thống Donald Trump và những người khác sẽ cố gắng cứu VFA. Nhưng tôi nói tôi hủy là hủy và sẽ không thay đổi quyết định", ông Duterte tỏ ra kiên định.
Trên thực tế, nhiều chính trị gia và chuyên gia Philippines đã phản đối hành động của ông Duterte, cho rằng đây là một động thái "dại dột".
Trên trang Facebook cá nhân, ông Jay L. Batongbacal, giám đốc Viện hàng hải thuộc Đại học Philippines, nhận định Trung Quốc sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ quyết định này.
"Philippines không phải chưa từng trải qua điều này. Chúng ta đã duy trì MDT mà không có VFA từ năm 1992 đến năm 1999. Đó cũng là giai đoạn Trung Quốc xua quân chiếm bãi Vành Khăn từ Philippines", ông Batongbacal nhắc lại lịch sử.
Thỏa thuận này, theo ông Batongbacal, cũng đã góp phần ngăn cản Trung Quốc quân sự hóa bãi cạn Scarborough chiếm từ Philippines năm 2012.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận