Người dân Hàn Quốc theo dõi bản tin về cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại một ga tàu ở Seoul ngày 9-3 - Ảnh: AFP
PGS.TS Vũ Minh Khương - giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, ĐH Quốc gia Singapore - cho rằng Hà Nội là địa điểm lý tưởng cho cuộc gặp lịch sử này.
Tuổi Trẻ Online lược dịch bài phân tích của PGS.TS Vũ Minh Khương đăng trên Diễn đàn Đông Á (East Asia Forum).
Địa điểm diễn ra sự kiện lịch sử này sẽ mang tính biểu tượng cao, và chính vì vậy có thể trở thành một bước đi chiến lược có giá trị cho cả hai bên.
Thông qua kinh nghiệm gần đây của chính mình, Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm cho các nhà hoạch định chính sách Triều Tiên làm thế nào để chuyển đổi nền kinh tế cô lập và kinh tế kế hoạch hóa tập trung thành nền kinh tế thị trường và hội nhập toàn cầu
Hội đủ 3 tiêu chuẩn
Hà Nội là một lựa chọn lý tưởng đảm bảo được ba tiêu chuẩn quan trọng để có một kết quả thành công:
1. Minh chứng cho thể hiện sự quan tâm nghiêm túc đến xây dựng nền tảng tăng cường quan hệ Mỹ - Triều Tiên.
2. Có thể gửi tín hiệu biểu tượng mạnh mẽ với cộng đồng thế giới rằng đây là một nơi mà Việt Nam và Mỹ đã đẩy lùi quá khứ thương đau, "gác lại quá khứ, hướng đến tương lai"
3. Chỉ ra các bước chuẩn bị mà Bình Nhưỡng cần làm để hội nhập cộng đồng thế giới.
Bằng việc chọn Hà Nội là địa điểm gặp gỡ, cả hai bên đều khẳng định họ nghiêm túc để tiến hành các bước thay đổi quan trọng trong chiến lược để tiến đến với nhau.
Hà Nội là thành phố phản ánh rằng chỉ trong một thế hệ, quan hệ ngoại giao đã chuyển từ thù địch sang hợp tác và hỗ trợ qua lại lẫn nhau.
Trong chiến tranh Việt Nam và ngay cả trước khi bắt đầu quá trình đổi mới kinh tế năm 1986, Hà Nội là trung tâm của sự hận thù và nghi kỵ với Mỹ.
Ngược lại, giờ Mỹ lại rất cảm thấy thoải mái với thái độ chào đón ở Hà Nội, nơi đã trở thành một trung tâm kinh tế năng động, du lịch và trao đổi văn hóa…
Cả Việt Nam và Mỹ đều muốn tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược trong tương lai. Chuyến thăm lịch sử của tàu sân bay USS Carl Vinson đến Đà Nẵng tháng 3-2018 là một ví dụ minh chứng cho cam kết nghiêm túc này của hai bên.
Cơ hội tạo nên lịch sử
Bằng việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội, cả Mỹ và Triều Tiên sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế về những cách tiếp cận mà họ muốn cải thiện mối quan hệ: hướng đến tương lai, thực tế và không can thiệp chính trị nội bộ lẫn nhau.
Việt Nam là một thí dụ thích hợp cho Triều Tiên để tính toán các chiến lược thích ứng nhằm bình thường hóa quan hệ với Mỹ và xúc tiến những cải cách nền kinh tế.
Hà Nội là một lựa chọn lý tưởng khi Mỹ và Triều Tiên trù tính những bước đi sắp tới để biến hội nghị cấp cao này thành một tiến trình hợp tác thực chất.
Hàn Quốc trong những năm qua là một trong những nhà đầu tư lớn nhất và có cam kết đầu tư mạnh mẽ ở VN, điều này cũng có thể minh chứng cho khả năng Triều Tiên có thể phát triển thịnh vượng thông qua bình thường hóa quan hệ, hiện đại hóa nền kinh tế và hội nhập toàn cầu.
Đến tháng 12-2017, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 57,7 tỉ USD. Chỉ tính riêng đầu tư của Samsung và LG đã giúp xuất khẩu linh kiện điện tử sản xuất từ Việt Nam lên đến gần 50 tỉ USD, giúp Việt Nam đạt tăng trưởng xuất khẩu nhanh chóng, thay đổi cán cân thương mại từ thâm hụt sang thặng dư.
Nếu Triều Tiên bày tỏ mong muốn chân thành hòa giải, họ sẽ có thể kỳ vọng Hàn Quốc sẵn sàng giúp đỡ người hàng xóm mình thành công.
Tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên ở Hà Nội là cơ hội tạo nên lịch sử và thúc đẩy các mục tiêu ngoại giao ở một nơi có lịch sử tương đồng…
Việt Nam có thể đóng góp cho phát triển, hòa bình thế giới
PGS.TS Vũ Minh Khương - Ảnh: L.N.
PGS.TS Vũ Minh Khương khẳng định như vậy với Tuổi Trẻ, sau khi đề xuất chọn Hà Nội là nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên (nếu có) của ông được dư luận quan tâm và có những phản ứng trái chiều.
PGS.TS VŨ MINH KHƯƠNG nói: Khả năng lựa chọn Hà Nội cho cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên vào tháng 5 tới (nếu có) có lẽ còn rất thấp, nhưng triển vọng nó sẽ diễn ra trong tương lai là rất cao bởi 3 lý do sau đây.
Thứ nhất, Triều Tiên có dấu hiệu đang tìm con đường cải cách (một minh chứng nhỏ là Trường Chính sách công Lý Quang Diệu nơi tôi giảng dạy đã có một số học sinh có chức vị từ Triều Tiên đến học).
Thứ hai, giá trị chiến lược của một cuộc họp thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên ở Việt Nam vô cùng lớn, vượt xa giá trị mà các địa điểm khác (chẳng hạn, khu phi quân sự Bàn Môn Điếm, Bắc Kinh, Geneva, Stockholm, Ulan Bato - theo gợi ý của báo New York Times) mang lại.
Việt Nam đã có một cuộc chiến tàn khốc và thù hận sâu với Mỹ, nhưng sự hòa giải và mối quan hệ đặc biệt mới đã đem lại những thành quả ấn tượng.
Thứ ba, quyết định chọn Hà Nội đòi hỏi tính quyết đoán cao và tầm nhìn lâu dài. Về tính quyết đoán, tôi tin cả hai ông Trump và Kim đều là người có thể làm những điều mạnh bạo, ít ai ngờ.
* Từ khi chia sẻ ý kiến này, đã có phản hồi hoặc trao đổi gì thêm với ông chưa và nếu có thì đó là những vấn đề gì?
- Tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi. Nhiều ý kiến ủng hộ, nhiều ý kiến nghi ngờ. Tuy nhiên, không ai phê phán Việt Nam không là một lựa chọn hay nếu hai vị lãnh đạo có tầm nhìn. Đặc biệt, phóng viên tạp chí Economist hỏi tôi là theo tôi, khả năng họp tại Hà Nội có hiện thực không.
* Hoàn cảnh nào dẫn đến việc ông đưa ra đề xuất này?
- Tôi thấy Việt Nam có những nguồn lực lớn và vô giá từ quá khứ đau thương và trải nghiệm lịch sử của mình. Nó có thể giúp Việt Nam rất nhiều trong nỗ lực vươn lên của chính mình, cũng như đóng góp cho phát triển và hòa bình của thế giới.
Việt Nam có thể làm được rất nhiều cho chính mình và cho thế giới bằng tầm nhìn đột phá. Trong 30 năm qua, chúng ta đã đi được một bước dài nhờ "đổi mới tư duy", nghĩa là "theo kịp thế giới về nhận thức".
Trong 30 năm tới, tôi nghĩ chúng ta sẽ trỗi dậy mạnh mẽ nhờ "đổi thay cách nghĩ", nghĩa là có tầm nhìn hướng xa về tương lai. Sẽ không có đổi thay kỳ vĩ nếu không có phỏng đoán dũng cảm.
L.NAM thực hiện
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận