21/01/2025 09:05 GMT+7

Ông Donald Trump đã trở lại

Trưa 20-1 (giờ địa phương, tức rạng sáng 21-1 theo giờ Việt Nam), Tổng thống thứ 45 của Mỹ Donald Trump tuyên thệ trở thành tổng thống thứ 47.

Ông Donald Trump đã trở lại - Ảnh 1.

Nhà Biden chuyển giao “chìa khóa” Nhà Trắng cho nhà Trump vào sáng 20-1 giờ địa phương - Ảnh: AFP

Với lý do thời tiết lạnh nguy hiểm, lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump được dời vào bên trong Điện Capitol - trụ sở Quốc hội Mỹ. Đã 40 năm rồi, điều ấy mới xảy ra một lần nữa.

Trở lại đầy tự tin

"Tôi trở lại chức tổng thống với sự tự tin và lạc quan rằng chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một kỷ nguyên mới đầy hứng khởi về thành công của quốc gia. Một làn sóng thay đổi đang lan tỏa khắp đất nước.

Thông điệp của tôi gửi đến người dân Mỹ ngày hôm nay là đã đến lúc chúng ta một lần nữa hành động với lòng dũng cảm, khí phách và sức sống của nền văn minh vĩ đại nhất trong lịch sử" - tờ Wall Street Journal trích dự thảo phát biểu của Tổng thống Trump trong lễ nhậm chức cho biết.

Quyết định tổ chức buổi lễ ngay bên dưới mái vòm tròn của Điện Capitol không phải đơn thuần vì lý do thời tiết. Đó là một động thái mang ý nghĩa lớn, cho thấy sự tự tin của ông Trump trong lần thứ hai trở lại Nhà Trắng.

Mái vòm tròn, biểu tượng của Điện Capitol, là nơi vào năm 1985 Tổng thống Ronald Reagan tuyên thệ sau chiến thắng vang dội với 525 phiếu đại cử tri. Trong cuộc bầu cử vào tháng 11-2024, ông Trump đã giành được cả đa số phiếu phổ thông và phiếu đại cử tri - điều mà nhiều năm trước đó các ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa không làm được.

Rõ ràng Tổng thống Trump đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào nhiệm kỳ thứ hai lần này. Có người nói ông mang dáng dấp của một chính trị gia hơn trong lần trở lại này, một chỉ dấu cho thấy ông đã hiểu rõ hơn cách thức hoạt động của nền chính trị Mỹ. Sự am hiểu này sẽ sớm cho thấy kết quả là những quyết sách, động thái mạnh mẽ hơn của tân chủ nhân Nhà Trắng.

Sự tự tin của ông Trump còn dựa trên nhiều cơ sở khác. Phần lớn người Mỹ lạc quan về bốn năm tiếp theo của ông Trump, thậm chí còn lạc quan hơn so với năm 2017 khi ông bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên với 60% của năm 2025 so với 56% của năm 2017 theo cuộc khảo sát của CBS News với trang YouGov công bố ngày 19-1.

Kinh tế và lạm phát, những vấn đề đã thúc đẩy ông Trump giành chiến thắng khi là mối quan tâm hàng đầu của cử tri trong bầu cử, giờ đây tiếp tục là những vấn đề mà những người tham gia khảo sát muốn ông Trump ưu tiên ngay sau khi nhậm chức.

Nhìn ra nước ngoài, nhiều người nghĩ rằng Tổng thống Trump sẽ tăng cường hòa bình và ổn định trên thế giới, cụ thể là giảm xung đột giữa Israel và các nước láng giềng ở Trung Đông.

Cuộc khảo sát cũng đã cho thấy quan điểm của cử tri, bao gồm những người đã bỏ phiếu cho ông Trump về một số vấn đề, theo CBS News. Họ không ủng hộ việc mua lại Greenland từ Đan Mạch và phản đối việc tăng thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ một số nước, song nhóm người đã bỏ phiếu cho ông Trump lại nhiệt thành ủng hộ tăng thuế quan.

Tuy nhiên, hầu hết người Mỹ cho biết họ lo ngại về tình hình chính trị Mỹ hiện nay và mối lo ngại đó cao nhất là ở Đảng Dân chủ. Nhiều đảng viên đảng này tự mô tả mình "mất tinh thần", cùng với việc "kiệt sức" và "lo lắng" khi được yêu cầu chọn từ để diễn tả tâm trạng của mình.

Đó là những vấn đề ông Trump sẽ phải đối mặt hoặc tìm cách giải quyết để củng cố đoàn kết của nước Mỹ hoặc tập trung vào những ưu tiên khác bởi sự phân cực từ lâu đã là đặc trưng của chính trị Mỹ.

Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới chính quyền Trump 2.0 cũng nhận được nhiều quan tâm, dù rằng đây sẽ không phải là ưu tiên hàng đầu của ông sau khi nhậm chức. Theo Đại sứ Hoàng Anh Tuấn - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Ngoại giao), "Học thuyết Trump" về đối ngoại đang được định hình ngày một rõ nét ngay cả khi ông Trump chưa chính thức nhậm chức trong nhiệm kỳ thứ hai. Học thuyết này có năm thành tố chính.

Trong đó, một là ưu tiên lợi ích quốc gia thông qua tự chủ kinh tế và bảo hộ thương mại. Thứ hai, cạnh tranh quyết liệt với các siêu cường như Nga và Trung Quốc.

Thứ ba là xây dựng trật tự mới của thế giới phương Tây dựa trên ý thức hệ bảo thủ. Thứ tư là xây dựng nền hòa bình dựa trên sức mạnh. Và cuối cùng là theo đuổi chủ nghĩa đa phương một cách thực dụng.

Ông Donald Trump đã trở lại - Ảnh 2.

Nguồn: Gallup, Statista - Việt hóa: Uyên Phương - Đồ họa: T.ĐẠT

Trung Quốc vừa lạc quan vừa thận trọng

Lẽ tự nhiên, nhiều người sẽ nhìn về cách Tổng thống Trump hành xử với Trung Quốc để đoán các bước tiếp theo mà chính quyền Mỹ mới sẽ áp dụng với mình, đặc biệt các quốc gia có thâm hụt thương mại với Washington.

Các quan chức Trung Quốc và dân thường đang hy vọng nhưng cũng lo lắng khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. Họ mong muốn tránh lặp lại cuộc chiến thương mại đã gây chia rẽ giữa các siêu cường kinh tế trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.

Phó chủ tịch nước Trung Quốc Hàn Chính, người tham dự lễ nhậm chức của ông Trump, đã phát đi thông điệp của Bắc Kinh đến các doanh nghiệp Mỹ. Trong các cuộc họp với Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk và các thành viên khác của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ trước lễ nhậm chức của ông Trump, ông hy vọng các công ty Mỹ sẽ "bám rễ" tại Trung Quốc và giúp ổn định quan hệ song phương.

Bà Mao Ninh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã đề cập đến "một điểm khởi đầu mới" trong quan hệ Trung - Mỹ tại một cuộc họp báo thường kỳ ngày 20-1 (giờ Bắc Kinh). Vào cuối tuần trước, một cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tạo ra nhiều kỳ vọng về một giai đoạn mới ổn định hơn trong quan hệ giữa hai siêu cường.

Các hy vọng trên đang đan xen với những lo lắng. "Từ bây giờ cho đến khi tình hình trở nên sáng tỏ hơn một chút, tất cả khách hàng Mỹ của chúng tôi đều phải trả trước", ông Dominic Desmarais - giám đốc của Lira Solutions, một công ty có trụ sở tại Tô Châu chuyên kết nối các nhà sản xuất Trung Quốc với người mua nước ngoài - nói với Hãng tin Reuters.

"Nếu ông Trump thực sự áp thuế 40% hoặc bất kỳ mức thuế nào đối với các sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, tôi không muốn bị mắc kẹt với đống hàng hóa được sản xuất riêng cho những khách hàng cụ thể rồi lại biến mất dạng" - ông này nói thêm và cho biết tình trạng đó đã từng xảy ra khi ông Trump áp thuế quan 25% với 85% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ông Sam Stovall, chiến lược gia trưởng về thị trường tại CFRA Research, mô tả các nhà đầu tư nói chung đều cảnh giác và đang tìm câu trả lời cho các câu hỏi như liệu mối đe dọa về thuế quan có trở thành hiện thực hay vẫn chỉ là một chiêu trò đàm phán vào ngày đầu tiên.

Ông Trump có kế hoạch khởi động nhiệm kỳ tổng thống của mình bằng một loạt sắc lệnh hành pháp nhắm vào các lĩnh vực chính sách quan trọng, bao gồm nhập cư và năng lượng.

Tổng thống tiền điện tử

Ngành công nghiệp tiền điện tử kỳ vọng Tổng thống Trump sẽ thực hiện lời hứa trong chiến dịch của mình là trở thành một "tổng thống tiền điện tử" bằng cách tạo ra một kho dự trữ bitcoin liên bang, mở rộng quyền truy cập ngân hàng và thành lập một hội đồng tiền điện tử, theo Reuters.

Trong năm đầu tiên của chính quyền Trump 1.0, chỉ số S&P 500 tăng 19,4%, sau đợt tăng 5% trong 100 ngày đầu tiên của ông tại Phòng Bầu dục. Trong toàn bộ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, S&P 500 tăng gần 68%, nhưng thị trường chứng kiến những đợt biến động, một phần bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại mà ông đã tiến hành với Trung Quốc.

Ông Donald Trump đã trở lại - Ảnh 3.Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris, ông Trump ký sắc lệnh bảo vệ ông Biden

Ông Trump công khai ký một số văn bản, trong đó có việc rút Washington khỏi Hiệp định Paris và nghiêm cấm "vũ khí hóa" chính phủ nhằm chống lại nhiệm kỳ trước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp