Bóng đá VN cần thêm nhiều lò đào tạo trẻ - Ảnh: S.H.
Thành công của bóng đá nước nhà đã và đang kích thích nhiều hơn tình yêu bóng đá không chỉ với các bậc phụ huynh, mà còn lan tỏa đến với con cháu của họ. Chắc chắn rằng nhiều trẻ em đang ấp ủ giấc mơ trở thành những Xuân Trường, Quang Hải, Công Phượng... trong tương lai
Ông Đoàn Nguyên Đức
Theo ông, nếu chúng ta có nhiều học viện hay trung tâm đào tạo trẻ có uy tín, có đội ngũ HLV hùng hậu, giỏi nghề thì đội tuyển hay CLB không bao giờ rơi vào cảnh thiếu hụt nhân sự.
Và đây là ý kiến của bầu Đức:
Để có được thành tích của hôm nay, không ít nơi trên cả nước đã đầu tư rất nhiều cho công tác đào tạo trẻ. Nhờ vậy, đội tuyển Việt Nam mới có được dàn cầu thủ hội đủ các yếu tố nhanh - khỏe - đồng đều về chuyên môn.
Nhờ điều này mà HLV Park Hang Seo có nhiều sự lựa chọn, dẹp tan những nghi ngờ: Tại sao không xếp A đá chính mà lại chọn B? Tôi cho rằng A hay B không quan trọng, vấn đề là tuyển thủ đó đã chơi như thế nào trên sân.
HAGL tiếp tục đào tạo để cung cấp tài năng cho đội tuyển
Làm gì để bóng đá VN vươn lên mạnh mẽ hơn sau thành công của năm 2018? Có nhiều cách làm, tùy quan điểm người đứng đầu và những điều kiện đi kèm của đơn vị đó.
Có những học viện bóng đá như PVF (Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam) của anh Phạm Nhật Vượng hay NutiFood JMG của anh Trần Thanh Hải đề ra mục tiêu ngay từ ban đầu: tuyển chọn, đào tạo tài năng trẻ để đóng góp cho đội tuyển quốc gia ở các lứa tuổi. Có nơi đào tạo trẻ để sử dụng cho CLB của họ như Hà Nội, Viettel, Sông Lam Nghệ An, SHB Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Tháp...
Còn với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), sau hơn chục năm mở học viện đầu tiên trên cả nước, tôi vẫn trung thành với quan điểm: đào tạo trẻ để cung cấp cho đội tuyển quốc gia. Đây là một ý tưởng mà tôi từng bị chỉ trích rất nhiều khi phát biểu trong lễ khánh thành học viện.
Cách huấn luyện của Học viện HAGL JMG từng hứng chịu không ít chê bai lẫn ngờ vực, chẳng hạn tại sao lại bắt cầu thủ trẻ làm quen với trái bóng bằng đôi chân trần, tới năm 15 hay 16 tuổi mới được mang giày đá bóng?
Đào tạo trẻ phải căn cơ, bền vững
Nhắc lại chuyện cũ, tôi muốn nhấn mạnh đã làm bóng đá trẻ thì phải kiên định, làm đến tận cùng theo đúng lộ trình mà mình đã vạch ra. Đầu tư cho ra lò một thế hệ cầu thủ rất tốn kém và cũng chưa hẳn sẽ có được một lứa cầu thủ xuất sắc.
Do vậy, nếu muốn phát triển bền vững thì cần phải kêu gọi, huy động mọi nguồn lực trong xã hội tài trợ, chung tay góp sức vào học viện hay trung tâm mới mong đi đến sự thành công. Yếu tố bền vững, cách làm thiết thực và hiệu quả của những nơi đào tạo trẻ ấy là cơ sở để phụ huynh yên tâm khi gửi con em mình vào môi trường đó.
Nhiều nhà chuyên môn nói rằng tương lai của một nền bóng đá nói chung và CLB nói riêng phụ thuộc hoàn toàn vào công tác đào tạo trẻ. Tôi hoàn toàn tán đồng quan điểm này bởi tiềm năng của bóng đá nước nhà rất lớn, thời nào cũng có những ngôi sao thực sự.
Vấn đề là làm sao phát hiện các tài năng đó để mang về đào tạo bài bản, từ cách chơi bóng đến học văn hóa để đội tuyển quốc gia có được cầu thủ giỏi về chuyên môn, tư cách đạo đức và cách hành xử chuẩn mực trên sân cỏ lẫn ngoài đời.
Thành công của bóng đá nước nhà đã và đang kích thích nhiều hơn nữa sự đam mê thể thao, tình yêu bóng đá không chỉ với các bậc phụ huynh, mà còn lan tỏa đến với con cháu của họ.
Chắc chắn rằng nhiều trẻ em đang ấp ủ giấc mơ trở thành những Xuân Trường, Quang Hải, Công Phượng, Duy Mạnh, Ngọc Hải, Đức Chinh, Anh Đức, Văn Lâm... trong tương lai. Những viên ngọc thô, những tài năng bóng đá đang ẩn mình ở đâu đó trên khắp cả nước chờ vận may được khai phá bởi các lò đào tạo trẻ".
Diễn đàn nhận được nhiều ý kiến tâm huyết
Trong gần một tuần mở diễn đàn "Để bóng đá là môn thể thao quốc gia" từ ý tưởng của ông Lê Long Sơn - tổng giám đốc Công ty TNHH Esuhai, TP.HCM - khi chứng kiến sự kỳ diệu của bóng đá kết nối hàng chục triệu trái tim Việt trong đêm đăng quang của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018, Tuổi Trẻ đã nhận được hàng trăm ý kiến từ bạn đọc, chuyên gia, HLV, cầu thủ.
Điều bất ngờ là hầu hết các ý kiến đều ủng hộ, với cùng một mong muốn là nếu tận dụng được tinh thần dân tộc, cùng một lòng tập trung đưa bóng đá thành môn thể thao quốc gia thì hiệu quả có được sẽ vô cùng to lớn. Khi ấy, bóng đá học đường sẽ được chăm chút nhiều hơn, doanh nghiệp sẽ tìm đến bóng đá nhiều hơn, người dân sẽ quan tâm bóng đá nhiều hơn...
Có rất nhiều ý kiến tâm huyết, đó là lời kêu gọi chung tay đầu tư cho bóng đá học đường của ông bầu Võ Quốc Thắng. "Đầu tư cho bóng đá học đường hãy khoan nghĩ đến việc tìm tài năng cho bóng đá nước nhà, mà chủ yếu giúp học sinh có được những giờ phút vui chơi thoải mái, giúp các em rèn luyện sức khỏe trước lúc quay lại với những buổi học căng thẳng" - ông Thắng viết.
Đó là ý tưởng nên chọn HLV Park Hang Seo làm đại sứ bóng đá Việt Nam của bạn đọc Cẩm Hà: "Ông Park xứng đáng được chọn làm "đại sứ bóng đá Việt Nam" để kết nối
những con tim yêu bóng đá Việt, để khuyến khích mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, tìm đến với bóng đá nhiều hơn, để thúc giục các bậc phụ huynh thúc đẩy con em mình đến với sân bóng...".
Đó là nhận xét của chủ tịch CLB Hà Nội Nguyễn Quốc Hội: "Tiền đâu để làm bóng đá trẻ là vấn đề của nhiều CLB. Nhưng tôi nghĩ cứ làm với cái tâm, với tất cả nhiệt huyết thì chúng ta vẫn hoàn toàn có thể làm tốt bóng đá trẻ".
Tuổi Trẻ xin khép lại diễn đàn này và cảm ơn tất cả ý kiến, ý tưởng, chia sẻ từ mọi người. Chúng tôi hi vọng trong một ngày gần đây sẽ có cơ hội đứng ra tổ chức hội thảo về chủ đề này, để giới chuyên môn có cơ hội đóng góp ý tưởng nhiều hơn trong nỗ lực cùng chung tay đưa bóng đá Việt Nam vươn tới tầm châu lục sau chức vô địch AFF Cup 2018.
K.B.
Thăm dò ý kiến
Bạn có đồng ý với đề xuất chọn bóng đá làm môn thể thao quốc gia?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận