12/10/2017 07:27 GMT+7

'Ông đồ gàn' chưa kịp xong thì thầy Cương đã ra đi...

TS. LÊ THỐNG NHẤT
TS. LÊ THỐNG NHẤT

TTO - Nghe tin thầy Văn Như Cương về cõi vĩnh hằng, nhóm làm phim thuộc Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương" ngơ ngẩn nhìn nhau. Thế là mong ước được thầy xem bộ phim về thầy đã không thể thực hiện.

Ông đồ gàn chưa kịp xong thì thầy Cương đã ra đi... - Ảnh 1.

PGS-TS Văn Như Cương - Ảnh: VIỆT DŨNG

Đầu tháng 8-2017, con gái Văn Thùy Dương của thầy Cương gọi điện cho tôi: "Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương đang làm phim tài liệu về bố em. Anh biết nhiều đồng nghiệp của bố và hiểu nhiều về bố nên em có nói với nhóm làm phim liên hệ với anh. Có gì anh giúp nhé!".

Tôi nhận lời, nghĩ một bộ phim tài liệu về thầy là rất nên làm như một kỷ niệm về một người thầy của nhiều thế hệ học trò (thầy là một trong những người thầy đầu tiên của trường Đại học Sư phạm Vinh).

Trong đầu tôi đã nghĩ đến cổng làng Quỳnh Đôi, tới Xóm Điếm gắn bó với tuổi thơ của thầy. Tôi đã vào Đại học Vinh bàn với bạn Nguyễn Hồng Soa, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp về việc làm phim này. Bạn Soa đã nhanh chóng nhận lời báo cáo với lãnh đạo trường để hỗ trợ nhóm làm phim.

Rồi thầy cũng điện cho tôi: "Mình không muốn nhưng gia đình và anh em cứ thuyết phục mãi nên mình cũng đồng ý. Thử xem xem "nó" thế nào... Có gì cậu tham gia với nhóm nhé!".

Tôi "Dạ" và hứa với thầy sẽ làm việc với nhóm làm phim...

Bây giờ, tôi vừa điện cho một bạn trong nhóm làm phim đang đi công tác ở Lào chia sẻ điều tiếc nuối của mình khi bộ phim chưa kịp làm để thầy xem và xin phép trích một số đoạn kịch bản chia sẻ với mọi người như một nén hương tưởng nhớ thầy. 

Anh đồng ý. Kịch bản do bạn Trần Hương Phúc biên soạn. 

Ông đồ gàn chưa kịp xong thì thầy Cương đã ra đi... - Ảnh 2.

Đoạn trích 1:

Bộ phim này kể về chân dung người thầy giáo giản dị Văn Như Cương, một ông đồ gàn khó tính nhiều khi đến khó chịu nhưng ẩn sau đó là một tình yêu thương bao la đối với các em học trò. 

Thông qua chân dung thầy giáo Văn Như Cương, bộ phim ca ngợi tình cảm lớn lao giữa thầy - trò, và ngược lại, giữ trọn đạo nghĩa thầy trò của dân tộc ta từ hàng nghìn năm qua. Hơn cả tình cảm dành cho người thầy đáng kính, nó còn thể hiện sự lan tỏa và kết nối hàng nghìn trái tim biết sẻ chia yêu thương.

Tên phim hiện lên: Ông đồ gàn

Một buổi sáng mùa thu đẹp trời. Sân trường PTTH Lương Thế Vinh chan hòa ánh nắng. Mọi người, từ các thầy cô giáo đến các em học sinh đang chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới. 

Khuôn mặt ai cũng hân hoan, hào hứng. Tiếng trống trường bỗng vang lên nhiều hồi, rồi tất cả xếp hàng gọn gàng, ngay ngắn để chờ đón giờ phút tựu trường mới.

Thầy giáo Văn Như Cương, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh Hà Nội - ngôi trường PTTH dân lập đầu tiên của thủ đô và của Việt Nam. 

Trong không khí trang nghiêm, thầy Cương với chòm râu trắng cước như một "ông tiên" hiền từ phía dưới bước lên bục lễ. 

Sức khỏe của thầy giờ đây không được tốt nên thầy nói khá chậm rãi, tuy nhiên mỗi câu từ đều rõ ràng rành mạch. Các thầy cô giáo cùng các em im lặng lắng nghe chăm chú.

Thầy Cương chia sẻ một đôi điều để tạo cảm giác gần gũi cho các em học sinh trong buổi đầu khai giảng năm học mới trước khi vào phần lễ. Tính thầy là vậy! Khó tính trong công việc nhưng bên ngoài luôn muốn tạo ngay một cảm giác thân quen cho người đối diện. 

Thầy có thói quen, cứ đầu năm học mới lại đọc một lá thư gửi đến các em nhân ngày khai trường. Từng lời đọc của thầy vang lên khiến các em học sinh ngồi yên như nuốt lấy từng chữ.

Ông đồ gàn chưa kịp xong thì thầy Cương đã ra đi... - Ảnh 3.

Đoạn trích 2:

Nhiều người gọi PGS.TS Văn Như Cương là ông đồ gàn và ông cũng cảm thấy mình gàn thật! Nhưng cái gàn của ông không phải là "dở hơi", mà những việc ông làm đều dựa trên cơ sở thực tế, từ đó ông làm theo nguyên tắc của mình đã đặt ra rồi cứ thế mà thực hiện. 

Ông luôn nghĩ rằng con đường là do mình đi mà có, đi mãi rồi cũng đến đích. 

Cái đích của ông hướng đến là có một ngôi trường để các em học trò thực sự xem đó là ngôi nhà thứ hai của mình. Nghĩ được đã khó, làm được còn khó hơn. Vậy mà con đường ông đi nay đã gần 30 năm.

Đoạn trích 3:

Thầy Cương bồi hồi kể chuyện cũ: "Nghĩ lại chuyện gần 30 năm về trước khi tôi xin phép mở trường Lương Thế Vinh, tôi cảm thấy mình quá liều lĩnh. 

Liều lĩnh vì một dự kiến lớn như vậy mà tất cả đều xuất phát từ số 0: không thầy giáo, không học trò, không phòng học, không bàn ghế… và nhất là không tiền vốn. 

Hồi đó hai vợ chồng tôi không có sổ tiết kiệm, nghĩa là tháng nào cũng tiêu hết lương của mình và cả phần kiếm thêm do nuôi lợn. Mặc dù vậy tôi vẫn quyết tâm thực hiện bởi lúc bấy giờ rất muốn có một cái gì đổi mới. 

Tôi đã nghĩ phải có loại trường khác với trường công lập, tạm gọi nó là trường ngoài công lập như bây giờ ta thường gọi. Và tôi đã làm đơn xin thành lập Trường Dân lập Lương Thế Vinh" - thầy Cương chia sẻ về nguyên nhân ra đời ngôi trường dân lập Lương Thế Vinh.

Bản thân ông cũng thực sự bất ngờ khi được sự ủng hộ của các cơ quan chức năng, được sự hưởng ứng nhiệt liệt của phụ huynh, của học sinh và của các thầy cô giáo khắp nơi.

Thầy Cương mừng rơi nước mắt khi đợt tuyển sinh đầu tiên nhà trường nhận được 1.600 đơn dự tuyển, trong đó có 800 đơn lớp 10, 400 đơn lớp 11 và 400 đơn lớp 12. 

Ông kể mà đôi mắt lấp lánh niềm vui: "Tôi không nghĩ rằng các phụ huynh và các em học sinh lại có mong muốn học nhiều đến thế. 

Không ngờ rằng một ngôi trường mới mở ra như chúng tôi lại được mọi người đón nhận và mong chờ nhiều vậy. Chứng tỏ ở thời kỳ nào người Việt Nam chúng ta cũng luôn ham học".

Ông và các cộng sự phải vật lộn, phải đôn đáo ngược xuôi để đi tìm thuê các phòng học cho 800 học sinh lúc ban đầu và sau đó tăng lên đến hơn 3.000 học sinh. 

Đó là một công việc khó khăn, tốn kém, nhưng đã đâm lao thì phải theo lao.

"Người đã phụ giúp tôi trong những ngày tháng đầu tiên thành lập trường ngoài gia đình là thầy Nguyễn Xuân Khang. Cậu ấy ít tuổi hơn tôi nhưng là người có cùng chí hướng với tôi. 

Thời kỳ đầu khó khăn, cậu ấy đã cho tôi mượn 1 chỉ vàng để lo công việc cho trường. Ơn đó không bao giờ tôi quên. 

Dù bây giờ mỗi người một công việc, không gặp nhau thường xuyên không có nghĩa là không nghĩ về nhau, về một thời khốn khó của chúng tôi" - thầy Cương bùi ngùi chia sẻ về người cộng sự của mình.

Ông đồ gàn chưa kịp xong thì thầy Cương đã ra đi... - Ảnh 4.

Ảnh chụp màn hình lá thư tết PGS-TS Văn Như Cương gởi học trò

Đoạn trích 4:

Thầy Cương nói: "Ở trường tôi, thầy cô nào để học trò và phụ huynh phản ánh là dạy không hiểu, không tận tình, không khơi được sự say mê của học sinh để chúng có thể phát huy hết trí lực... xét thấy không thể đáp ứng được là tôi sẽ dùng giấy bút viết một bức thư cảm ơn. 

Đại ý bức thư này là: " Cảm ơn thầy/cô đã đóng góp cho trường nhưng trong thời gian tới trường chưa sắp xếp được lớp. Mong thầy/cô thông cảm!".

"Đơn giản" là thế nhưng gần hai chục năm nay cũng chỉ có vài ba giáo viên phải nhận "thư cảm ơn". 

Và cũng chỉ thế thôi và mặc dù học sinh đầu vào lấy điểm cũng không cao hơn các trường "Top" của Hà Nội, nhưng hàng năm tỉ lệ tốt nghiệp và đỗ vào đại học rất cao. 

Năm vừa rồi học sinh tốt nghiệp 100%, vào đại học 93%! Số học sinh dự thi, dự tuyển vào trường cứ leo thang, năm sau cao hơn năm trước...

Ông đồ gàn chưa kịp xong thì thầy Cương đã ra đi... - Ảnh 5.

PGS Văn Như Cương cho biết, thời gian tuyển sinh ông thường phải tắt điện thoại "trốn" lên Tam Đảo hay ra Đồ Sơn viết sách. Cũng có lần ông đi du lịch nước ngoài thật nhưng nhiều khi cũng chẳng thoát. 

Nhiều người muốn xin cho con vào học nhưng ông đã thẳng thắn nói: "Điểm của con anh thấp, tôi không thể nhận được. Đây là quy định tuyển sinh do tôi đặt ra và thực hiện công khai. Bây giờ tôi nhận con anh thì cấp dưới họ sẽ không phục"...

Cứng nhắc quá cũng không được. Nhưng phải có lý có tình và phải được giáo viên và phụ huynh học sinh đồng tình. Lần nhận cháu của cố GS Tạ Quang Bửu, thầy giáo cũ, ông cũng phải nói rõ để cho mọi người hiểu.

Lần khác là một cháu khiếm thị, học rất giỏi ở một lớp hòa đồng nhưng khi đậu vào một trường khác họ lại không nhận, ông cũng nói rõ lý do. 

Lần gần đây nhất là học sinh có bố là chiến sĩ quân giải phóng, người lái xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào thời khắc lịch sử ngày 30-4-1975. Ông nửa đùa nửa thật: "Nhận nó vì bố nó thế, mình không nhận có ngày nó húc đổ trường mình" - PGS.TS Văn Như Cương hóm hỉnh chia sẻ...

Đoạn trích 6:

PGS.TS Văn Như Cương có ba cô con gái thì cả ba đều dốc toàn tâm toàn lực cho ngôi trường mà bố mình gây dựng nên. Cô con gái út là chị Văn Thùy Dương là người gần gũi với thầy Cương nhất. Chị hiện là phó Hiệu trưởng của trường Lương Thế Vinh. 

Chị chia sẻ những kỷ niệm về bố: "Tôi nhớ nhiều kỉ niệm về bố mà bây giờ có kể ra cũng không bao giờ hết. Sinh nhật 16 tuổi, bố đưa tôi đi xem phim. Năm 18 tuổi, ông lại dẫn tôi đi mua những thứ rất nhỏ nhặt, thể hiện sự quan tâm chân thành của bố đối với mình. 

Tôi cảm nhận bố là người cha vô cùng tuyệt vời. Tôi nghĩ chắc phải có phúc phận lắm, mình mới được sống trong một gia đình như thế. 

Mẹ tôi luôn yêu thương, chăm sóc bố còn bố thì cả đời chưa bao giờ gọi em xưng anh với bất cứ người phụ nữ nào ngoài mẹ và em gái. Trong mắt tôi, bố là người đàn ông rất mẫu mực và hết lòng yêu thương vợ, con".

Ông đồ gàn chưa kịp xong thì thầy Cương đã ra đi... - Ảnh 6.

Đoạn trích 7:

Nhiều người nghĩ rằng khi thầy Cương mất đi, trường Lương Thế Vinh cũng sẽ tiêu tan. Thậm chí cách đây 5-7 năm, đã có lời đồn rằng thầy Cương nghỉ rồi nên chất lượng dạy và học sẽ không được như xưa. 

Tuy nhiên, thực tế nhiều năm nay, ông đã dần lui về phía sau, giao lại công việc quan trọng cho các cô hiệu phó nhưng năm nào tỉ lệ đỗ đại học của học sinh vẫn rất cao. Các em đều chăm ngoan và đạt thành tích tốt.

Chị Dương chia sẻ: "Tôi thường nói với phụ huynh rằng con cái chúng ta sẽ là cuộc đời kéo dài của chính chúng ta. Và cũng như thế, chúng tôi sẽ là cuộc đời kéo dài của thầy Cương. 

Ngôi trường Lương Thế Vinh này tốt bao nhiêu thì bố tôi sẽ cảm thấy an lòng, thanh thản bấy nhiêu. 

Không ai có thể sống mãi với thời gian nhưng họ sẽ chỉ thật sự mất đi khi tất cả những hình ảnh, kí ức, tinh thần và sức ảnh hưởng của họ bị tan biến"...

TS. LÊ THỐNG NHẤT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp