08/05/2023 11:37 GMT+7

Ông Chuang 30 năm trồng trà Oolong ở Đà Lạt

Đến Việt Nam năm 1993 để trồng trà Oolong, Lin Chin Chuang (người Đài Loan) không ngờ vùng Cầu Đất (Đà Lạt) đã trở thành quê hương thứ hai của mình. Tính ra, ông đã sống khoảng 20 năm ở Việt Nam.

Chuẩn bị trà để sấy lạnh tại nhà máy trà Hayih ở Cầu Đất  - Ảnh: HỒNG VÂN

Chuẩn bị trà để sấy lạnh tại nhà máy trà Hayih ở Cầu Đất - Ảnh: HỒNG VÂN

Ông Chuang là một trong những người đầu tiên đưa cây trà Oolong vào Việt Nam, hợp tác thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (Công ty Fusheng) tại xã Xuân Trường (Đà Lạt) vào cuối thế kỷ trước.

Năm 2000, ông tách ra thành lập công ty riêng là Haiyih rồi liên kết với hàng chục hộ nông dân tại địa phương để trồng và sản xuất trà Oolong.

Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi.

Ông Lin Chin Chuang

Cơ duyên với Việt Nam

Ông Chuang cho biết mình uống trà từ nhỏ và nửa đời làm nghề kinh doanh bất động sản ở Đài Loan.

Nhận thấy Việt Nam có ưu đãi đầu tư, năm 1993 ông sang tìm hiểu cơ hội làm ăn. Thấy thời tiết, thổ nhưỡng ở Cầu Đất thích hợp để trồng trà, loại thức uống quốc dân ở Đài Loan và Trung Quốc đại lục, nên sau đó ông đã quyết định sang Việt Nam khởi nghiệp cùng một số chuyên gia ngành trà.

Trong những năm đầu, quá trình mang cây giống cũng như cành trà về Cầu Đất trồng vô cùng gian nan. Hiện nay, Công ty trà Haiyih của ông Chuang đang có khoảng 50ha đất trồng trà ở Cầu Đất. Trong đó, công ty thuê 20ha đất và 30ha là từ các hộ dân hợp tác trồng trà.

Quy trình trồng trà được công ty thử nghiệm và kiểm nghiệm, có hiệu quả thì mới chuyển giao cho người dân. Cây trà cho thu hoạch chút đỉnh sau 1 năm nhưng phải đến năm thứ 3-4 thì mới đạt sản lượng tốt nhất.

Ông Chuang đảm bảo nếu nông dân trồng đúng theo quy trình, hướng dẫn của công ty thì chắc chắn 100% trà sẽ đạt chất lượng A - mức tốt nhất - và được thu mua với giá cao nhất.

Đi mở rộng thị trường ở Trung Quốc rồi bị kẹt dịch COVID-19 tại Quảng Châu suốt 2 năm, từ đầu năm 2022, ông Chuang vui mừng vì được trở về sống ở xưởng trà của mình tại Cầu Đất, thủ phủ trà của Đà Lạt.

Nơi đây, mỗi ngày nhà máy của ông chế biến khoảng 4 tấn trà tươi từ vườn trà của công ty và các hộ dân hợp tác trồng trà với công ty.

Đồi trà của công ty Haiyih ở Cầu Đất, Đà Lạt - Ảnh: HAIYIH

Đồi trà của công ty Haiyih ở Cầu Đất, Đà Lạt - Ảnh: HAIYIH

Anh Nguyễn Công Hồng, từng phụ trách sản xuất của Công ty trà Haiyih ở Đà Lạt nay về làm riêng, cho biết ông chủ của mình cần mẫn hơn bất cứ công nhân hay nhân viên nào. Vì sống ngay ở nhà xưởng, ngày ngày dù là trà tươi hái về hay trà khô thành phẩm, ông Chuang đều tự mình kiểm tra chất lượng nguyên liệu và thành phẩm.

"Tôi rất tự hào với trà tôi sản xuất. Đó là loại trà mà dù uống lúc mới thức dậy hay trước khi đi ngủ thì cũng đều mang lại cảm giác thoải mái chứ không phải khó chịu, cồn cào", ông Chuang nói.

Trước đây hầu hết trà Oolong của công ty đều xuất về Đài Loan, nhưng bây giờ người Việt Nam đã thay đổi khẩu vị, thích uống trà Oolong nên thị trường nội địa bắt đầu nhộn nhịp.

"Khách hàng người Việt chủ yếu là khối cơ quan, doanh nghiệp và một số là khách hàng cá nhân. Họ có thể không mua loại trà đắt nhất nhưng trà vụn hơn, trà quạt (lá trà vỡ còn một nửa), trà cám thì có bao nhiêu cũng không đủ bán vì hình thức dù không đẹp nhưng chất lượng trà thì cũng như loại cao cấp nhất", ông Chuang chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Hái trà ở đồi trà Cầu Đất, Đà Lạt - Ảnh: HAIYIH

Hái trà ở đồi trà Cầu Đất, Đà Lạt - Ảnh: HAIYIH

Để trà Việt ra thế giới

Theo ông Chuang, ở Đài Loan ngành trà rất quan trọng. Hiệp hội trà có rất nhiều hoạt động như thi trà ngon, triển lãm trà, khuyến khích trồng trà theo phương pháp hữu cơ, ưu tiên các biện pháp sinh học, hạn chế dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu, các hoạt động nghiên cứu, phát triển, quảng bá...

Đài Loan cũng có nông dân trồng trà, nhưng khác là ở Đài Loan, người dân thường kết hợp làm du lịch sinh thái nên họ có tiền hơn. Ông trăn trở: "Nông dân ở đâu cũng vất vả như nhau, nhưng tôi thấy nông dân tại Đài Loan có thể tự do đầu tư hơn vì họ có vốn.

Ở Việt Nam thì được thiên nhiên ưu đãi, có thể tạo ra sản phẩm tốt, nhưng người dân lại tiếc tiền đầu tư nên chất lượng trà kém. Muốn kiếm tiền thì phải có điều kiện như có đất, có tiền, có kỹ thuật nhưng nông dân Việt Nam thì ít người có đủ các yếu tố này".

Ông cho biết Đà Lạt và một số nơi có điều kiện thổ nhưỡng tương tự để trồng trà ngon, nhưng Việt Nam lại chưa định vị được vị thế là cường quốc về trà trên thế giới. Hiện nay, trà Việt Nam xuất sang Đài Loan rồi từ Đài Loan xuất đi các nước khác, nhưng thế giới không biết họ đang uống trà Việt Nam mà chỉ biết đến trà Đài Loan.

Để trà Việt Nam ra thế giới, theo ông, trà cần trở thành thức uống yêu thích, người dân có thương hiệu trà quốc gia yêu thích để từ đó họ tự hào giới thiệu trà của nước mình đến người nước ngoài.

Quan trọng hơn là vai trò của hiệp hội, các hoạt động triển lãm, quảng bá và sự quan tâm của chính quyền. Các cơ quan quản lý có thể thường xuyên họp với các doanh nghiệp, nông trại trồng trà, người dân để tháo gỡ kịp thời các khó khăn.

Trong ngành trà, ông Chuang cho biết nguyên liệu đầu vào từ người nông dân rất quan trọng vì có trà tốt công ty mới sản xuất được trà chất lượng cao và bán được hàng. Ngược lại, càng có nhiều trà vụn, trà cám thì càng lỗ.

Để có trà đẹp, nông dân phải chấp nhận đầu tư đúng mức, tuân thủ đúng quy trình, bón phân vi sinh, không xịt thuốc bừa bãi để không có dư lượng thuốc trên lá trà khi thu hoạch.

Đồi trà của công ty Haiyih giữa ngàn thông reo ở Cầu Đất, Đà Lạt - Ảnh: HAIYIH

Đồi trà của công ty Haiyih giữa ngàn thông reo ở Cầu Đất, Đà Lạt - Ảnh: HAIYIH

Trong khoảng 30 năm trồng và sản xuất trà Oolong tại Việt Nam, 2 năm dịch bệnh COVID-19 là giai đoạn khó khăn nhất với Công ty Haiyih của ông.

Hai con ông Chuang đều đang phụ giúp ông trong công việc kinh doanh và đã hiểu biết rất nhiều nghề trà cũng như có những ý tưởng mới cho sự phát triển của công ty. Gần 70 tuổi, ông cho biết mình đã nghĩ đến việc dưỡng già ở Việt Nam.

"Tôi sống ở đồi trà, ngủ tại xưởng trà ở Cầu Đất. Trung tâm Đà Lạt chỉ cách 20km, nhưng tôi cũng ít đi. Cuộc sống của tôi bây giờ đơn giản và hoàn mỹ vì ngày ngày ở nông trường, được gần với thiên nhiên.

Sau này, khi con cái tiếp quản doanh nghiệp, tôi muốn dưỡng già ở Cầu Đất, mở một bảo tàng trà" - ông Chuang nói và chia sẻ ước mơ xây một bảo tàng trà, đón du khách đến du lịch trải nghiệm đồi trà, trải nghiệm làm trà, sao trà, uống trà tại nông trại.

Cách nhận biết trà ngon

Từ một người không biết nghề trà, giờ đây ông Chuang có thể nói say sưa về các điều kiện, kỹ thuật trồng trà và cách nhận biết trà ngon. Ông cho biết trà ngon theo tiêu chuẩn Đài Loan là lá trà phải đẹp, tròn, xanh, nước xanh, mùi thoải mái, uống ngon ngọt (ít vị đắng, chát).

"Trong nghề, máy móc chính xác có thể kiểm tra nhiều tiêu chí, như dư lượng hóa chất, nhưng kiểm tra chất lượng trà thì tốt nhất vẫn phải xem bằng mắt và cảm nhận mùi hương, vị trà. Những cái này rất khó giải thích, chỉ bằng kinh nghiệm lâu năm và kỹ thuật riêng của mỗi công ty trà" - người đàn ông Đài Loan chia sẻ.

55,23%

Đây là thống kê của Cơ quan quản lý ngoại thương Đài Loan (BOFT). Việt Nam tiếp tục là đối tác cung ứng mặt hàng trà vào Đài Loan nhiều nhất trong năm 2021 với 18.330 tấn, đạt 28,91 triệu USD, tăng 7,1% về lượng và 7,47% về giá trị so với năm 2020. Số lượng này chiếm tỉ trọng 55,23% thị phần nhập khẩu vào Đài Loan.

Đà Lạt mở rộng đô thị về vùng xanh Cầu Đất, Lạc DươngĐà Lạt mở rộng đô thị về vùng xanh Cầu Đất, Lạc Dương

Thủ tướng đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045. Theo đó, định hướng Đà Lạt mở rộng địa giới hành chính về phía Cầu Đất, Lạc Dương...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp