15/05/2024 11:43 GMT+7

Ông Bùi Văn Cường thông tin việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội

Theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội ở kỳ họp thứ 7 là 26 ngày. Khai mạc ngày 20-5, dự kiến bế mạc chiều 27-6.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường - Ảnh: GIA HÂN

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 15-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 và tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp dự kiến chia 2 đợt, xem xét nhiều nội dung quan trọng

Trình bày báo cáo về chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến điều chỉnh một số nội dung trong chương trình kỳ họp.

Theo đó, bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland vào dự kiến chương trình kỳ họp.

Đồng thời, không bố trí trong chương trình nội dung trình Quốc hội xem xét quyết định một số dự án sử dụng dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.

Cùng với đó, điều chỉnh thứ tự, thời điểm, thời gian xem xét, việc bố trí thảo luận tổ, hội trường với một số nội dung cho phù hợp, tránh dồn quá nhiều nội dung vào một buổi.

Trong đó, giảm thời gian phiên giám sát chuyên đề tại kỳ họp từ 1 ngày xuống 0,75 ngày do một số chính sách đã kết thúc, chỉ cần tập trung thảo luận về giải pháp đối với các chính sách chưa thực hiện xong và một số dự án quan trọng quốc gia.

Bố trí thảo luận riêng tại tổ với nội dung về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Và điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Bố trí Quốc hội họp riêng đối với nội dung về quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Như vậy, theo ông Cường, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó, có 24 nội dung thuộc công tác lập pháp,15 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 26 ngày; khai mạc vào ngày 20-5 và dự kiến bế mạc vào chiều ngày 27-6 (trong đó Quốc hội làm việc thứ 7 ngày 25-5 và ngày 8-6).

Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt, cụ thể đợt 1 là 17 ngày, từ ngày 20-5 đến 8-6. Đợt 2 là 9 ngày, từ ngày 17-6 đến 27-6; dự phòng ngày 28-6.

Phấn đấu thông qua dự Luật Bảo hiểm xã hội 

Về một số nội dung cụ thể, theo ông Cường, có ý kiến đề nghị cân nhắc thời điểm thông qua dự Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do chính sách bảo hiểm xã hội là chính sách đi sau cải cách tiền lương (trong khi cải cách tiền lương sẽ được thực hiện từ ngày 1-7).

Ý kiến khác đề nghị lùi thời điểm trình Quốc hội thông qua dự luật này sang kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Giải trình ý kiến này, theo ông Cường, dự luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện, bảo đảm được đa số đồng thuận trước khi trình Quốc hội.

Đồng thời, đánh giá kỹ tác động của cải cách chính sách tiền lương đối với lương hưu của người nghỉ hưu trước và sau ngày 1-7, những người có mức lương hưu thấp, nhất là nhóm nghỉ hưu trước năm 1995.

Trình Quốc hội xem xét việc thông qua dự luật tại kỳ họp thứ 7 nếu bảo đảm đủ điều kiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Do đó, đề nghị trong dự kiến chương trình kỳ họp vẫn thể hiện quy trình Quốc hội xem xét, thông qua dự luật này.

Trường hợp qua thảo luận còn có nhiều ý kiến khác nhau, chưa đạt được sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh thời điểm thông qua với dự luật theo ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Báo cáo thêm sau đó về dự luật này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết dự kiến chiều nay Chính phủ sẽ có báo cáo các nội dung liên quan gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch thường trực điều hành hoạt động của Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý phấn đấu quyết tâm, quyết liệt thông qua dự Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kỳ họp này.

Ông Trần Thanh Mẫn: Tập trung xem xét các nội dung quan trọng trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hộiÔng Trần Thanh Mẫn: Tập trung xem xét các nội dung quan trọng trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ rà soát, xem xét các nội dung trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp