15/11/2021 08:35 GMT+7

Ông Ba Vũ và ân tình với đất nước chùa tháp

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Hôm nay (15-11), gia đình và đồng đội tiễn ông Trương Minh Nhựt về với đất mẹ sau hành trình 70 năm cuộc đời với huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Ông Ba Vũ và ân tình với đất nước chùa tháp - Ảnh 1.

Ông Trương Minh Nhựt, chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia TP.HCM, trao huy hiệu “Vì nghĩa vụ quốc tế” do Thủ tướng tặng các cán bộ, chuyên gia đã góp phần giúp cách mạng Campuchia từ năm 1979 - 1989 (ảnh chụp tháng 2-2014) - Ảnh: THANH ĐẠM

Ông từng giữ nhiều vị trí công tác, từ trong kháng chiến đến sau này, nên khi gọi ông, nếu kể hết các chức danh sẽ khá dài. Vậy nên gia đình và những người quen biết vẫn hay gọi ông bằng bí danh "Ba Vũ" thân quen.

Trong ký ức gia đình

Như lật lại từng trang ký ức đời mình, bà Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm) - chị hai của ông Trương Minh Nhựt - nhớ lúc Ba Vũ chào đời, cha bà đi làm cách mạng, một mình má Sáu Hòa ở nhà lo cho đàn con nhỏ. "Ba Vũ sinh thiếu tháng, từ nhỏ đã hơi yếu nhưng lại là đứa có nhiều năng khiếu trong nhà, thích thơ văn" - bà Tư Liêm kể.

Cha là con một, lại tham gia cách mạng đi biền biệt, Ba Vũ được má gửi vào ở cùng bà nội để có người hủ hỉ sớm tối. Còn má Sáu Hòa, danh nghĩa làm nghề buôn bán vải, may đo quần áo nhưng thực ra là cơ sở hoạt động bí mật của cách mạng khi ấy.

Có lẽ được sinh từ "cái nôi" gia đình cách mạng nên từ bé, ngoài nhiệm vụ đi học, cậu học trò Trương Minh Nhựt còn làm nhiệm vụ quân báo. Bà Tư Liêm nói sau này khi "móc" em trai lên Sài Gòn hoạt động trong Tổng đoàn học sinh mà mãi một thời gian sau mới biết "thằng năm trong nhà đã làm được khá nhiều việc".

"Vừa đi học, vừa tìm hiểu rồi về mô tả lại sơ đồ vậy mà đã giúp các anh, các chú biết và đánh chính xác vào nhiều mục tiêu của địch khi ấy tại Gò Công" - bà Tư Liêm nhắc lại lời kể của đàn anh hoạt động cách mạng tại Gò Công năm xưa.

Hoạt động ở Sài Gòn, ông Ba Vũ đã hai lần bị bắt. Lần đầu năm 1971, nhưng lúc này không khai thác được gì nên thả nhanh. Tuy nhiên lần thứ hai bị bắt vào năm 1975, địch khẳng định chắc chắn "thằng này theo cách mạng" nên ông bị tra tấn rất nhiều. Ngày 29-4-1975 được thả khỏi Nha cảnh sát đô thành, ông vẫn phải nằm trên băng ca.

Mối thâm tình với Campuchia

Ông có một tình cảm đặc biệt với Campuchia. Khi đang làm phó bí thư Thành đoàn TP.HCM, ông được phân công làm chuyên gia qua giúp nước bạn 3 năm. Sự gắn bó ấy đã theo ông đi dài trên con đường công tác. Để rồi sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở huyện Bình Chánh, quận 4, Ban tư tưởng - văn hóa (nay là Ban tuyên giáo) Thành ủy, rồi HĐND TP.HCM, lúc nghỉ hưu, ông đã làm chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia TP.HCM đến nay sắp hết nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp.

Bà Trần Hoàng Khánh Vân - phó chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM - nói: "Chú là lớp đi trước, liên hiệp cũng không phải cấp trên nhưng khi làm việc, chú luôn thể hiện sự tôn trọng với chúng tôi, luôn dùng từ báo cáo mỗi khi nhắc đến công việc và xin ý kiến chỉ đạo".

Ít hôm trước ngày mất, ông còn gọi điện cho lãnh đạo liên hiệp nói bác sĩ không cho làm nữa, chắc lần này phải nhờ liên hiệp tìm người thay. "Chúng tôi mới chuẩn bị quy trình để báo cáo thành phố và có ý định mời chú sẽ tiếp tục làm cố vấn vì uy tín của chú lớn lắm, nhưng không kịp nữa rồi..." - bà Khánh Vân chia sẻ.

Bí thư Thành đoàn Phan Thị Thanh Phương nói chú Ba Vũ góp phần thúc đẩy việc chăm lo cho sinh viên Campuchia đang học tập tại TP.HCM tốt hơn.

Trong tập thơ Somsokha hạnh phúc với bút danh Trương Chính Tâm mà ông Ba Vũ vừa kịp hoàn thành trước ngày đi xa, Tổng lãnh sự Campuchia tại TP.HCM Sok Dareth viết: "Tập thơ đã làm bật lên tình đoàn kết và quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Campuchia - Việt Nam, đặc biệt giữa thủ đô Phnom Penh và TP.HCM".

Người viết sử phong trào thanh niên TP.HCM

Ông Ba Vũ từng là phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, lại là tiến sĩ khoa học lịch sử nên rất quan tâm và tự đặt cho mình nhiệm vụ tập hợp tư liệu, làm sách lịch sử về truyền thống của Đoàn và phong trào thanh niên Sài Gòn - TP.HCM. Có thể kể đến một vài đầu sách ông góp công biên soạn như: Lịch sử Đoàn thanh niên nông thôn và vùng ven Sài Gòn - Gia Định trong chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975, Thành đoàn cùng quân và dân Sài Gòn - Gia Định tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh...

"Chúng tôi tự hào vì Thành đoàn có hệ thống tư liệu, sách lịch sử, truyền thống dồi dào mà không thể không kể đến công của chú Ba Vũ. Chúng tôi hiện vẫn học cách này, làm gì cũng ghi chép, lưu giữ lại tư liệu cho thế hệ sau" - bí thư Thành đoàn TP.HCM Phan Thị Thanh Phương nói.

'Anh Ba Vũ' Trương Minh Nhựt từ trần

TTO - Ông Trương Minh Nhựt (bí danh Ba Vũ), sinh ngày 2-3-1952, từ trần lúc 12h30 ngày 13-11 (nhằm ngày 9 tháng 10 năm Tân Sửu), hưởng thọ 70 tuổi.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp