06/06/2014 07:05 GMT+7

Ôn thi, thi đại học: mấy vấn đề đặt ra

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG(hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng)
NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG(hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng)

TT - Phần lớn trong số hơn 900.000 thí sinh vừa thi tốt nghiệp THPT sẽ tiếp tục ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Làm sao để ôn tập hiệu quả, ôn tập ở đâu? Ôn tập những gì và như thế nào?

pdmJptHu.jpgPhóng to
Thí sinh trao đổi bài sau khi thi xong môn hóa kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 tại hội đồng thi Trường Lê Hồng Phong, TP.HCM chiều 3-6 - Ảnh: Như Hùng

Về mặt thời gian, nếu thi đại học khối A, A1 thì thời gian ôn thực tế chỉ có 28 ngày (cứ tạm tính từ ngày 5-6 đến 2-7) tức chỉ có bốn tuần. Đó là tính với học sinh ở địa phương nơi có các trường đại học tổ chức thi, chứ với học sinh ở vùng xa, tỉnh lẻ thì phải “cơm đùm, gạo bới” từ ngày 30-6 để tìm chỗ ở, ăn và trường thi thì được 25 ngày là cùng. Với quỹ thời gian như vậy đòi hỏi các em phải học tập hết sức tích cực và có phương pháp phù hợp để tái hiện, củng cố, rèn luyện lại kỹ năng cần thiết khi phải đối mặt với kỳ thi hết sức cam go.

Nên dành thời gian tự học là chính

Với các trường THPT, cần tạo điều kiện thuận lợi để học sinh tự học như thư viện nên mở cửa trong hè để các em đến mượn tài liệu tham khảo, tự học, học nhóm. Bố trí thầy cô hướng dẫn và giúp các em tự học tốt hơn. Sử dụng Facebook (website) của trường cung cấp tài liệu hoặc đường link giúp các em định hướng tài liệu tự ôn tập.

Đối với thầy cô, quỹ thời gian đó phần lớn sẽ được dành để giải các đề thi và nhấn mạnh, giúp các em hiểu rõ hơn một số kiến thức khó, kỹ năng để trả lời các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Thật ra cũng không nhiều thầy cô dạy trúng các câu hỏi vận dụng cao trong đề thi đâu! Thực tế cho thấy phần lớn thí sinh (trừ một số ít xuất sắc) đều bó tay (nếu là đề tự luận) và “đánh lụi” (nếu là trắc nghiệm khách quan) trước những câu vận dụng cao mà đến thầy cô đang ôn thi cho các em cũng thú nhận “mới gặp!”. Ngay đề thi văn kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi ở phần làm văn có vẻ như học sinh không được thầy cô chuẩn bị tốt lắm!

Vì lẽ đó học sinh có học lực trung bình trở lên nên dành thời gian tự học là chính. Tài liệu các em nên dựa vào là sách bài tập, sách giáo khoa, các đề thi đại học, cao đẳng (đề và bài giải chi tiết) của những năm trước đây. Các em chuẩn bị đề, tự làm, sử dụng các kiến thức trong tài liệu giáo khoa làm công cụ. Sau khi hoàn tất kiểm tra lại qua bài giải. Những câu không làm được thì đọc kỹ hướng dẫn giải, nếu vẫn không hiểu hỏi qua bạn bè, thầy cô. Giải xong mỗi đề, cần viết - học - học kỹ những kiến thức cần thiết. Sau một thời gian cần tự mình tái hiện. Đối với các môn toán, lý, hóa chú ý kỹ năng tính toán, chắc chắn - nhanh (yếu tố thời gian luôn thách thức đối với các em). Khi làm cần lưu ý câu dễ, vừa sức làm trước để dành câu khó làm sau. Đề thi vật lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi có một số học sinh khá mà về nhà mặt buồn rười rượi vì cứ dừng lại câu khó lâu quá, đến khi gần hết thời gian thì quýnh quáng và đến câu nhận biết cũng... làm sai!

Học hiểu thì bài làm, dẫn chứng của các em sẽ phong phú hơn, sâu sắc hơn.

Còn nhiều lựa chọn tốt

Đối với các em có học lực dưới trung bình có khá nhiều lựa chọn: các trường cao đẳng, cao đẳng nghề xét tuyển căn cứ vào học bạ, các trường trung cấp nghề... Nhiều trường đào tạo ngành nghề bám sát yêu cầu xã hội hiện nay. Đây là lựa chọn rất tốt với các em. Tránh tình trạng vì bệnh sĩ, vì đi thi... cho biết để lấy kinh nghiệm cho sang năm. Cách nghĩ như vậy thật sai lầm, tốn tiền, mất thời gian vô bổ. Rất nhiều ý kiến tâm huyết, chuyện kể về những cuộc đời có thật và thành công đã không bắt đầu từ giảng đường đại học.

Với quý phụ huynh cần có sự chỉ bảo, tư vấn cho con em mình lúc này. Dành thời gian mua tài liệu, mạnh dạn để con em mình tự học, động viên các em, giúp các em đủ nghị lực, niềm tin, sức khỏe chuẩn bị cho kỳ thi tới và tất nhiên giúp các em lựa chọn và có quyết định đúng đắn.

Với môn học mà các em không tự tin lắm thì có thể đi học thêm nhưng tránh tình trạng học thêm ba, bốn, năm môn cho cả hai khối thi đại học, các em sẽ mất quá nhiều thời gian tại lớp học thêm trong một ngày, về nhà... mệt phờ rồi lấy đâu ra thời gian để hệ thống lại những kiến thức căn bản, rèn luyện kỹ năng? Và rồi... của thầy trả lại cho thầy!

Các em ở vùng xa, tỉnh lẻ không nên tập trung về ôn ở trung tâm làm gì, nên đến với thầy cô tại trường các em đang học, ở đó thầy cô hiểu các em nên cung cấp kiến thức vừa sức với phương pháp dẫn dắt hợp với các em sẽ rất tốt cho các em trong kỳ thi sắp đến, chứ trời nóng nực, ăn ngủ chỗ lạ lẫm, lớp học thì từ vài chục và thậm chí có lớp cả trăm em, thầy cô ở lớp này phải theo số đông, các em sẽ không quen được rồi sinh tâm trạng chán nản, buông... thế là không giải quyết được gì. Nhiều lớp ôn thi mấy ngày đầu thật đông, càng về sau rơi rụng dần là vì thế.

Thi vào đại học, cuộc chạy đua khắc nghiệt, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng hợp lý từ chính bản thân học sinh. Mong các em, phụ huynh học sinh có sự lựa chọn đúng đắn. Chúc các em ôn tập thật hiệu quả.

Để đạt được kết quả thi tốt

Bao công sức của 12 năm đèn sách dồn hết vào đây. Là người đi trước, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm như sau:

1. Các em tuyệt đối không nên thức quá khuya ôn bài sẽ kéo theo hiện tượng dậy thật trễ vào hôm sau. Điều này sẽ làm cho người bị mệt mỏi, uể oải, không tỉnh táo...

2. Cố gắng thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nhiều vitamin A, C, D (giúp bổ óc, mắt, tim...) kết hợp với việc tập thể dục sáng đều đặn, giúp giảm stress trước áp lực kỳ thi và hình thành khả năng chịu đựng bền bỉ, dẻo dai của cơ thể.

3. Thống kê ngay những bài khó hiểu, khó nhớ, không tự giải quyết được để sớm nhờ sự giúp đỡ tận tình của thầy cô, bè bạn.

4. Lên thời khóa biểu lịch ăn, ngủ, học, thư giãn một cách khoa học, hợp lý, hài hòa cân đối nhằm đảm bảo sức khỏe tốt trong suốt kỳ thi.

5. Chủ động phân bổ quỹ thời gian một cách hợp lý chia đều các môn học. Tránh sự choáng ngợp, dồn đống, ách tắc. Học dứt điểm từng phần, dễ trước khó sau, đỡ tốn thời gian lặp đi lặp lại, thả lỏng ở giai đoạn đầu rồi kiệt sức ở phần nước rút về cuối.

6. Hạ quyết tâm và hết sức tự tin đạt kết quả cao nhất.

7. Chuẩn bị trước thật chu đáo mọi hồ sơ, thủ tục khi bước vào phòng thi như: chứng minh nhân dân, phiếu báo danh, ảnh, thẻ học sinh, giấy nháp, viết, thước, gôm tẩy, compa, đo độ, máy tính cho phép... Dứt khoát không để xảy ra tình huống trục trặc, trở ngại, thiếu sót xảy ra sẽ dễ gây tâm lý hoang mang, dao động, phân tâm trong lúc thi.

Mong rằng những điều đúc kết trên sẽ giúp ích được các em thí sinh khá nhiều để nỗ lực giành lấy kết quả cao nhất, thực hiện được hoài bão, ước mơ của mình.

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG(hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp