'Ôn thi như vậy, con tự học ở nhà còn tốt hơn!'

LÊ PHƯƠNG TRÍ
LÊ PHƯƠNG TRÍ

TTO - Đi học về, con tôi tỏ vẻ mệt mỏi nói  như vậy.

Các ý văn được viết chi tiết và thành câu văn dài như là một bài văn mẫu
Các ý văn được viết chi tiết và thành câu văn dài như là một bài văn mẫu

Nghe vậy, tôi dò hỏi thì được biết trường THPT mà cháu đang theo học đã bước vào giai đoạn ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Cháu phải ôn tập sáu môn và môn nào cũng phải học thuộc phần lý thuyết, nhưng điều cháu than phiền nhất chính là môn văn.

Giáo viên dạy văn suốt năm lớp 12 của cháu cũng là giáo viên dạy ôn thi tốt nghiệp cho cháu đã bắt các cháu học thuộc lòng ý văn của các tác phẩm ôn thi, khi đến trường thì trả bài đã học thuộc cho giáo viên hay làm lại các bài văn ấy sau khi học thuộc.

Điều đáng nói là các ý văn giáo viên cho được viết chi tiết và thành câu văn dài như là một bài văn mẫu nhưng được viết xuống dòng mỗi ý. Chẳng hạn như tác phẩm Rừng xà nu thì giáo viên buộc học sinh học thuộc 7 trang A4, Chiếc thuyền ngoài xa là 8 trang A4, Người lái đò sông Đà là 4 trang A4... Ngày nào cháu cũng phải học đến gần 12h đêm và 5h sáng đã phải thức dậy học các ý văn này để trả bài cho giáo viên khi vào lớp ôn tập.

Cháu cho tôi xem một bài văn về tác phẩm Vợ chồng A Phủ mà giáo viên cho làm sau khi học thuộc và được chấm 7 điểm. Đọc bài văn của cháu tôi hết sức ngạc nhiên với điểm 7 vì gần như cháu chép lại y hệt tài liệu ôn tập, chỉ khác tài liệu là không xuống hàng mà viết liền mạch.

Bài văn của cháu mở bài khô cứng vì cháu làm mở bài trực tiếp toàn là các ý trong tài liệu. Cháu không biết liên kết câu, chuyển ý thì đột ngột. Cháu không biết dùng từ ngữ để nhấn nhá những ý trọng tâm hay biểu lộ cảm xúc qua câu văn... Bài văn của cháu là những mảng lắp ghép các ý văn thô vụng, chắp vá.

Đọc xong bài làm của cháu, tôi nói nếu cha chấm chỉ cho bài này điểm 5. Cháu cười và cho biết điểm thi văn cuối học kỳ 2 của cháu vừa rồi cao nhất lớp dù cháu cũng làm như thế. Tôi hỏi cháu: “Nếu đề thi tốt nghiệp THPT không có trong tài liệu mà giáo viên cho học thuộc lòng thì con làm sao?”. Cháu đã làm thinh trước câu hỏi của tôi.

Tôi thật sự bất ngờ! Từ nhỏ con tôi học rất tốt môn văn. Khi học tiểu học, gặp đề bài khó, cháu hỏi, tôi chỉ gợi ý, cháu đã có thể viết thành một bài văn hay, thường được giáo viên đọc cho các bạn trong lớp nghe. Những năm cháu học THCS, rồi THPT điểm văn của cháu luôn ở mức khá giỏi. Điều đó đã làm tôi rất yên tâm. Thế mà giờ đây, tôi thật sự lo lắng.

Phải chăng đáp án của các kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ chấm ý văn nên giáo viên đã có cách dạy như thế? Một bài văn của học sinh lớp 12 mà câu không mạch lạc, không biết liên kết câu cho chặt chẽ, không biết chuyển ý cho hay, không có một từ dùng ấn tượng, không có cảm xúc của người viết... lại đạt điểm khá giỏi?

Viết văn chỉ cần đúng ý theo đáp án để đạt điểm cao trong kỳ thi, vậy học văn để làm gì cho tương lai?

LÊ PHƯƠNG TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp