06/12/2021 06:30 GMT+7

Omicron nhìn từ Nam Phi: Khởi đầu cho đoạn kết cơn ác mộng?

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Báo cáo sớm từ Nam Phi ghi nhận biến thể Omicron chưa gây áp lực lớn lên hệ thống y tế dù ca nhiễm tăng cao. Đây là tín hiệu tốt nếu so với thời điểm Delta lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ và khiến chúng ta bớt lo hơn.

Omicron nhìn từ Nam Phi: Khởi đầu cho đoạn kết cơn ác mộng? - Ảnh 1.

Trong ảnh chụp ngày 2-12, một phụ nữ ở thị trấn Tsomo, tỉnh Eastern Cape, Nam Phi đeo khẩu trang ngăn ngừa COVID-19 trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan nhanh ở nước này - Ảnh: REUTERS

Tôi nghĩ (việc Omicron gây triệu chứng nhẹ) có thể là khởi đầu cho đoạn kết của cơn ác mộng này. Tôi thật sự muốn lạc quan đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy virus bắt đầu thoái lui dần.

Ông Vladimir Nikoforov, chuyên gia trưởng bệnh truyền nhiễm thuộc Cơ quan Sinh học y tế Liên bang Nga, trả lời Đài phát thanh Govorit Moskva.

Theo chuyên trang tin tức y tế STAT News (Mỹ), ngày 4-12, Hội đồng Nghiên cứu y khoa Nam Phi (SAMRC) công bố báo cáo sớm về tình hình dịch bệnh ở tỉnh Gauteng - nơi biến thể Omicron được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi hôm 25-11.

Đáng ngạc nhiên, các bệnh viện ở Gauteng ghi nhận hầu hết bệnh nhân nhập viện (do các bệnh khác) xét nghiệm dương tính với COVID-19 không cần phải thở oxy, chỉ một số ít xuất hiện viêm phổi do COVID hoặc cần chăm sóc kỹ, số phải nằm giường chăm sóc tích cực (ICU) càng ít hơn nữa.

Ca nhiễm tăng, triệu chứng nhẹ

Báo cáo của SAMRC còn lưu ý thời gian nằm viện trung bình của nhóm bệnh nhân nhiễm COVID đợt này là 2,8 ngày, ngắn hơn rất nhiều nếu so với trung bình 8,5 ngày của các đợt dịch trong 18 tháng trước ở cùng khu vực này. Nhiều bệnh nhân không có bất cứ triệu chứng bệnh đường hô hấp nào, người ta chỉ phát hiện do xét nghiệm tầm soát.

"Mọi thứ trông không phải thế này khi Nam Phi trải qua 3 làn sóng COVID trước. Khoa chữa COVID trong bệnh viện dễ dàng nhận ra với phần lớn bệnh nhân phải thở oxy, âm thanh không ngừng của máy thở oxy dòng cao hoặc tiếng bíp của máy thở..." - ông Fareed Abdullah, giám đốc Văn phòng nghiên cứu AIDS và bệnh lao thuộc SAMRC, viết trong báo cáo.

Làn sóng COVID lần này ở Nam Phi quả thật không nhỏ: Ngày 4-12 ghi nhận hơn 16.000 ca nhiễm mới, tăng gấp 4 lần so với ngày 30-11 (4.373 ca). Tuy nhiên, số ca tử vong vẫn duy trì ở mức thấp và ổn định, với 25 trường hợp ngày 3-12 và 21 trường hợp ngày 4-12, theo số liệu của Viện Bệnh truyền nhiễm quốc gia Nam Phi (NICD).

Các chuyên gia của NICD giải trình tự gene 249 mẫu trong tháng 11 và phát hiện 183 ca nhiễm biến chủng Omicron, tương đương 70 - 75%. Nó cho thấy Omicron và Delta lưu hành song song nhưng Omicron đang dần lấn lướt. Nam Phi chỉ có khoảng 25% dân số tiêm ngừa đầy đủ (theo trang Our World in Data) nên khả năng mắc bệnh khi phơi nhiễm là cao.

"Chúng tôi tin triệu chứng (khi nhiễm Omicron) ít nghiêm trọng hơn. Đó là những gì chúng tôi đang cố chứng minh và giám sát cẩn thận ở Nam Phi" - giáo sư Anne von Gottberg, nhà vi sinh vật học thuộc NICD, cho biết.

Nhận xét về tình hình Nam Phi, bác sĩ Michael Osterholm - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và chính sách thuộc ĐH Minnesota (Mỹ) - nói ông "ấn tượng bởi số ca bệnh nặng tương đối thấp". "Chúng ta không hề chứng kiến số lượng bệnh nhân nặng nhiều như các đợt trước, thậm chí ở vào cùng giai đoạn sớm" - ông so sánh.

Còn ông Amesh Adalja - chuyên gia bệnh truyền nhiễm thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ) - cho rằng cần thêm dữ liệu củng cố nhưng các dấu hiệu sớm "khá thú vị". "Đó là xu hướng của loạt báo cáo chúng tôi đang nghe được, rằng phổ lâm sàng (của người nhiễm Omicron) có vẻ nhẹ hơn, đặc biệt ở người đã tiêm ngừa", ông nói.

Lạc quan và thận trọng

Nhìn chung, các chuyên gia đồng ý còn quá sớm để kết luận về nguy cơ của Omicron, nhưng họ lưu ý với các biến thể "đáng quan ngại" trước đây (như Delta, Alpha...) các thảo luận trong giới nghiên cứu thường là "bệnh nặng hơn bao nhiêu?", thì với Omicron câu hỏi là "bệnh nhẹ hơn bao nhiêu?".

Ngày 3-12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã có 38 quốc gia trên thế giới ghi nhận hàng ngàn ca Omicron, riêng Nam Phi số ca nhiễm đã vượt mức 3 triệu do biến thể này lan rộng, nhưng chưa có ca tử vong nào được báo cáo. WHO cho biết sẽ cần thêm vài tuần để tìm hiểu 3 vấn đề: mức độ lây nhiễm, mức độ gây bệnh và hiệu quả của vắc xin.

Trả lời Hãng tin Reuters, bác sĩ Angelique Coetzee, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi và là một trong những người đầu tiên phát hiện Omicron, mô tả người nhiễm Omicron có những triệu chứng rất khác với Delta, gần giống với nhiễm virus thông thường, đây cũng là lý do bà nghi ngờ biến thể mới ngay từ đầu.

"Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều bệnh nhân Delta trong đợt bùng dịch thứ 3. Bức tranh lâm sàng lần này không giống chút nào. Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng rất nhẹ, họ không bị mất cảm giác mùi - vị, nồng độ oxy trong máu không giảm nhiều... Tất cả đều đủ điều kiện tự chữa tại nhà. Gần 50% bệnh nhân Omicron có triệu chứng tôi chữa là chưa tiêm vắc xin" - bà cho biết.

Trong cuộc họp báo đầu tuần trước, bác sĩ Unben Pillay - đại diện Bộ Y tế Nam Phi - liệt kê các triệu chứng của người nhiễm Omicron gồm: ho khan, sốt, đổ mồ hôi về đêm, đau nhức khắp người, mệt mỏi rã rời, đau họng... riêng người đã tiêm vắc xin triệu chứng nhẹ hơn.

Có thể nói Omicron đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Từ Nga, ông Vladimir Nikoforov, chuyên gia trưởng bệnh truyền nhiễm thuộc Cơ quan Sinh học y tế Liên bang Nga, thậm chí mạnh dạn nhận định sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể là dấu hiệu đầu tiên dự báo đại dịch bước vào giai đoạn kết thúc.

"Biến thể mới dễ lây nhiễm hơn (Delta), nhưng mặt khác dữ liệu gợi ý rằng nó gây ra triệu chứng nhẹ hơn - tức không gây tổn thương nặng ở phổi (như với các chủng khác)", ông nêu quan sát.

Nhật: Omicron có vẻ gây triệu chứng nhẹ

Theo báo Japan Times ngày 5-12, các chuyên gia Nhật đánh giá người mắc biến thể Omicron có vẻ như bị nhẹ hoặc không có triệu chứng, nhưng có thể tốc độ lây nhiễm của biến thể này cao hơn so với Delta.

Một chuyên gia Nhật nói nếu nhiễm Omicron có dẫn tới bệnh nặng thì mọi người không cần thiết phải làm gì khác ngoài các biện pháp phòng ngừa thường xuyên là đeo khẩu trang, tránh các tiếp xúc gần, nơi đông người, không gian kín.

Bộ Y tế Singapore: Các vắc xin hiện có vẫn phòng vệ được Omicron Bộ Y tế Singapore: Các vắc xin hiện có vẫn phòng vệ được Omicron

TTO - Trong cập nhật về biến thể Omicron ngày 5-12, Bộ Y tế Singapore (MOH) cho rằng còn quá sớm để kết luận về mức độ nặng của bệnh COVID-19 mà biến thể này có thể gây ra.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp