Phóng to |
Ảnh: Gia Tiến |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Đúng là cô cháu tôi quá gầy, 18 tuổi mà chỉ khoảng 34-35kg. Mẹ cháu đã mang cháu đi khắp mọi nơi, có cả những vị tiến sĩ về dinh dưỡng học khá nổi tiếng là bạn tôi, nhưng cũng chỉ cải thiện được rất ít. Tuy gầy nhưng cháu vẫn khỏe, hầu như không bệnh tật ốm đau gì, cháu bảo: "Thôi kệ mẹ ơi!". Nhưng em gái tôi suốt ngày lo âu buồn bã. Đúng ra thời buổi này người ta chỉ quan tâm đến béo phì, những kiến thức về gầy ốm ít được đề cập đến và do đó cũng ít được hiểu biết một cách cặn kẽ.
Ốm… tùy nước
Thật ra cho đến ngày hôm nay cũng chưa có một tiêu chuẩn thật cụ thể nào về tính trạng gầy ốm của con người. Các nhận xét của chúng ta chỉ dựa trên cơ sở cảm nhận mà thôi. Tuy nhiên theo sách Nội tiết học của GS Mai Thế Trạch, tình trạng gầy xảy ra khi lượng mỡ dự trữ của cơ thể quá ít, đó chính là sự thiếu cân so với chiều cao của cơ thể. Tức là khi cân nặng của người bệnh thấp hơn 15% số cân nặng lý tưởng. Số cân nặng lý tưởng này cũng rất khác nhau tùy theo tiêu chuẩn của mỗi quốc gia và từng chủng tộc.
Cũng cần phải phân biệt giữa gầy với gầy sút: là tình trạng mất cân nặng mới xảy ra, không kể trọng lượng lúc đầu của bệnh nhân là bao nhiêu, tình trạng gầy sút có tính chất tiến triển và thường hay xảy ra trong một số tình trạng bệnh lý: lao phổi, ung thư, loét dạ dày... Và với tình trạng suy dinh dưỡng: là sự thiếu về chất và lượng của các loại thực phẩm đưa vào, việc thiếu này có thể do thiếu thức ăn hoặc không hấp thu được vì các tổn thương của ống tiêu hóa.
Hao năng lượng
Gầy thể tạng hay còn gọi là gầy khỏe. Việc chẩn đoán cũng khá dễ dàng, chỉ trong một số trường hợp đặc biệt, thầy thuốc mới cần đến việc đo các chỉ số. Thiếu cân nhiều chưa chắc đã là có bệnh nặng và theo đánh giá của các thầy thuốc cùng các chuyên gia dinh dưỡng thì gầy thể tạng không phải là một nguy cơ cho sức khỏe.
Có rất nhiều yếu tố được coi như là nguyên nhân của gầy thể tạng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần tranh luận và tìm hiểu thêm. Đầu tiên phải kể đến yếu tố di truyền: theo các nghiên cứu thì di truyền chắc chắn phải có một vai trò khá quan trọng, bởi vì người ta thường thấy những gia đình có nhiều người cùng bị gầy và hiện tượng này thường xảy ra ở tuổi niên thiếu, ít hơn là tuổi thành niên đến khi trưởng thành số cân nặng sẽ ổn định hơn.
Nguyên nhân về chuyển hóa: những người gầy đôi khi có tiền sử bị suy dinh dưỡng lúc thơ ấu. Tuy nhiên để tìm ra rối loạn chuyển hóa gì ở những bệnh nhân gầy cũng rất khó. Phần lớn những người này chuyển hóa hoàn toàn bình thường và lượng thức ăn đưa vào cơ thể đôi khi còn nhiều hơn những người bình thường. Người gầy thầy cơm mà lại! Ngoài ra, người ta còn thấy ở những người gầy thể tạng, sự tiêu thụ năng lượng của họ cao hơn bình thường và khi quan sát các tế bào mỡ thấy có hiện tượng giảm số lượng tế bào mỡ chứ không phải giảm kích thước của tế bào.
Hay lo âu
Ngoài nguyên nhân về thẩm mỹ, gầy thể tạng không cần điều trị. Có một điều khá thú vị là những người gầy thể tạng thường có tuổi thọ cao hơn người bình thường. Tuy nhiên, phần lớn người gầy thể tạng đều có ít nhiều những rối loạn về tâm lý. Họ hay lo âu, hoang tưởng về bệnh tật dẫn đến thiếu tự tin trong công việc và trong cuộc sống. Những than phiền hay gặp nhất là trong lĩnh vực tiêu hóa, tim mạch và tình dục. Vai trò của các bác sĩ tâm lý là rất quan trọng ở những người này. Việc sử dụng các phương pháp điều trị khác rất khó thành công và thường mang lại nhiều bất lợi cho người gầy như:
- Chế độ ăn với những chất có nhiều năng lượng, các thức ăn dưới dạng bột dẻo và chất lỏng chủ yếu là làm cho người gầy dễ ăn mà thôi, nhưng không gây được cảm giác ngon miệng hay thèm ăn vì ở những người này thường có cảm giác no liên tục.
- Các loại thuốc kích thích sự thèm ăn không chứng minh được tác dụng.
- Các loại thuốc chống trầm cảm có nguy cơ gây ra những rối loạn về hành vi và tác phong ở những người hoàn toàn bình thường về mặt tâm thần này.
Phân loại mập ốm Chỉ số khối cơ thể (viết tắt BMI theo tên tiếng Anh body mass index) - được dùng để đánh giá mức độ gầy hay béo của người. BMI bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m). Chỉ số này có thể giúp xác định một người béo phì hay suy dinh dưỡng. Phân loại béo gầy kiểu 1: BMI<18,5: người gầy BMI=18,5 - 24,9: người bình thường BMI=25 - 29,9: người béo phì độ I BMI=30 - 34,9: người béo phì độ II BMI35: người béo phì độ III. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận